Chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em

- Thứ Ba, 10/11/2020, 16:11 - Chia sẻ
Đây là nhấn mạnh của nhiều đại biểu tại Lễ Tổng kết chiến dịch Lan tỏa yêu thương 2020 và đối thoại “Tiếng nói trẻ em và các bên liên quan trong thúc đẩy quyền trẻ em và chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em” do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp và Mạng lưới Quản trị Quyền trẻ em, với sự đồng hành của Cục Trẻ em, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội đồng đội TP Hồ Chí Minh, Thành đoàn thành phố Hà Nội, Hội đồng Đội TP Hà Nội tổ chức ngày 10.11, tại Hà Nội. Sự kiện thuộc khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội về Quản trị quyền trẻ em” do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em và Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thuỵ Điển tài trợ.
Toàn cảnh đối thoại “Tiếng nói trẻ em và các bên liên quan trong thúc đẩy quyền trẻ em và chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em” 

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; bà Nguyễn Phương Linh – Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) chủ trì hội thảo.

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm và thu hút hơn 150 người tham dự; trong đó có đại diện Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội trung ương, Thành Đoàn và Hội đồng Đội TP Hà Nội... Bên cạnh đó còn có 35 đại diện trẻ em, đại diện các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế, nhà trường, phụ huynh, chuyên gia về trẻ em, các cơ quan thông tấn báo chí.

Báo cáo Khảo sát Tiếng nói Trẻ em Việt Nam do MSD và Tổ chức cứu trợ Trẻ em thực hiện từ tháng 9.2019 đến tháng 5.2020 với sự tham gia của gần 1.700 trẻ em ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam cho biết: hơn 80% trẻ em đã từng trực tiếp chứng kiến các bạn, anh, chị em của mình bị người lớn trừng phạt khi mắc lỗi. Trong đó, cứ 4 trẻ em thì có 3 trẻ nói đã chứng kiến điều này xảy ra tại gia đình của mình. Cứ 5 trẻ em có 1 trẻ em chứng kiến trẻ bị người lớn trừng phạt ở địa điểm công cộng và cũng như tại trường học…

Tham dự đối thoại, các đại biểu đều nhận định rằng, trong những năm vừa qua, công tác quản trị quyền trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em nói riêng đã có sự tham gia tích cực của các bên liên quan cũng như nhận được sự quan tâm nhiều hơn của cộng đồng. Tuy nhiên, thực trạng về trừng phạt thể chất, tinh thần và bạo lực đối với trẻ em vẫn còn diễn biến phức tạp. Điều đáng nói là, khi gặp tình huống xâm hại hay không thoải mái, hầu hết các em chỉ tìm sự giúp đỡ của người thân hoặc bè bạn, đặc biệt, đối với các hành vi xâm hại trên môi trường mạng. Trẻ em thường không đề cập đến việc tìm kiếm sự hỗ trợ của cán bộ bảo vệ trẻ em tại địa phương hay Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111. 

Trên cơ sở đó, các đại biểu đề nghị cần xây dựng các giải pháp can thiệp cụ thể để nâng cao kiến thức, kỹ năng thái độ cho những người trực tiếp chăm sóc hay làm việc với trẻ em gồm: cha mẹ, người chăm sóc hay làm việc với trẻ. Tăng cường vai trò của nhà trường trong việc phối hợp cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; phát triển các dịch vụ tư vấn hỗ trợ tại cộng đồng cho cha mẹ và người chăm sóc trẻ về giáo dục trẻ em tích cực, bảo vệ trẻ. Cùng với đó, đẩy mạnh truyền thông về Tổng đài điện thoại quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 trong đó không chỉ giới thiệu 111 mà cần hướng dẫn trẻ liên hệ tới tổng đài. Thúc đẩy sự tham gia hiệu quả và thực chất của trẻ em…

Hà An