Câu chuyện trên những lá cờ

- Thứ Sáu, 09/10/2020, 17:49 - Chia sẻ
Những lá cờ kể cho chúng ta nghe câu chuyện về quá khứ, về truyền thuyết, tín ngưỡng, sự thịnh vượng, đôi khi cả về những dòng sông và ngọn núi. Lá cờ mang trong nó niềm tự hào, lòng tin, tình yêu và sức mạnh đoàn kết của các dân tộc chung sống trong một quốc gia…

Mỗi lá cờ - một câu chuyện

Quốc kỳ Iceland là hình đảo màu đối xứng của quốc kỳ Na Uy, để nhắc nhở rằng Iceland từng là một phần của vương quốc Na Uy, sau đó trực thuộc vương quốc Đan Mạch, rồi giành được độc lập năm 1944. Cùng với lá cờ này, Iceland thể hiện bản sắc Bắc Âu của mình thông qua màu sắc, trong đó màu đỏ gợi đến dung nham của núi lửa và mối quan hệ giữa hòn đảo với Na Uy, nguồn gốc của những cư dân đầu tiên, màu trắng gợi đến sông băng, màu xanh gợi nhắc đại dương và nước…

câu chuyện về 194 lá cờ của 194 quốc gia độc lập trên thế giới lần lượt hiện ra trong cuốn sách “Khám phá quốc kì trên thế giới”
Câu chuyện về 194 lá cờ của 194 quốc gia độc lập được giới thiệu trong cuốn sách “Khám phá quốc kì trên thế giới”

Cờ Mỹ là một trong những lá cờ nổi tiếng nhất thế giới. Lá cờ 13 vạch kẻ ngang màu trắng và màu đỏ xen kẽ nhau đại diện cho 13 thuộc địa của Anh nổi dậy, liên minh với nhau vào cuối thế kỷ XVIII để giành độc lập. Ở vị trí chủ đạo phía trên có góc hình chữ nhật màu xanh nước biển với 50 ngôi sao màu trắng đại diện cho 50 bang tạo thành Hợp chúng quốc Hoa Kỳ ngày nay. Hình vẽ những ngôi sao mang nặng tính biểu trưng cho sức mạnh rạng rỡ, gắn với biểu tượng năm cánh, một ký hiệu bí truyền có từ lâu đời. Các màu sắc của lá cờ cũng mang đậm tính biểu trưng. Màu trắng đồng nghĩa với sự ngay thẳng, trong sáng, màu đỏ đồng nghĩa với sự dũng cảm và nhiệt huyết, màu xanh đồng nghĩa với sự tận tụy, tình hữu nghị và công lý…

Australia là hòn đảo lớn nhất thế giới với lá quốc kỳ ra đời năm 1901, sau một cuộc thi quy tụ hơn 30.000 thí sinh. Ở góc trên bên trái có hình quốc kỳ Anh ghi ơn nhà thám hiểm James Cook đã phát hiện ra hòn đảo năm 1770. Toàn bộ phần còn lại của quốc kỳ là nền xanh nước biển, tượng trưng cho đại dương. Lá cờ ấn tượng nhờ sáu ngôi sao màu trắng, gắn với sáu bang của đất nước…

Lá quốc kỳ của Lào gồm một dải trung tâm màu xanh lam hoàng gia, nổi bật với một hình tròn lớn màu trắng: mặt trăng tròn mọc trên dòng sông Mê Kông, là trục giao thông chính của đất nước. Đến lượt các dải màu đỏ bao quanh bức tranh, gợi lên nguồn tài nguyên phong phú dưới lòng đất. Nhưng màu cờ cũng là biểu tượng về ý thức hệ. Màu đỏ gợi nhớ đến máu đã đổ xuống để giành được độc lập, màu xanh lam là khát vọng về sự thịnh vượng và hình tròn màu trắng là sự thống nhất dưới chế độ cộng sản…

Cứ như vậy, câu chuyện về 194 lá cờ của 194 quốc gia độc lập lần lượt hiện ra trong cuốn sách “Khám phá quốc kì trên thế giới”. Cùng hình ảnh minh họa sinh động và lối hành văn súc tích nhưng mang lượng thông tin đầy đặn, câu chuyện về những lá cờ đã được gợi mở đến với bạn đọc.

Khám phá và trân trọng đa dạng văn hóa

“Các lá cờ giống như những thông điệp bí ẩn cần giải mã. Trong cuốn sách này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về quốc kỳ trên thế giới. Như vậy, lá cờ đâu chỉ đơn thuần là những mảnh vải. Người ta tự hào giương cao ngọn cờ vào những giờ khắc tưng bừng - chẳng hạn tại các sân vận động diễn ra những trận đấu bóng. Nhưng người ta cũng kéo cờ lên vào những khoảnh khắc bi thương khi người này cần dựa vào người kia và khi cảm thấy cần cùng kết đoàn trong một thực thể, một dân tộc duy nhất, để cùng vượt qua thử thách”. Hai tác giả Emmanuelle Kecir-Lepetit, Claire Wortemann đã chia sẻ như vậy trong “Khám phá quốc kì trên thế giới”. Những giá trị này một lần nữa được nhắc tới tại Chương trình ra mắt sách do NXB Kim Đồng tổ chức sáng 9.10, tại Trung tâm Văn hóa Pháp (L’espace), Hà Nội.

Tọa đàm ra mắt sách "Khám phá quốc kỳ trên thế giới"

Theo dịch giả Đỗ Thị Minh Nguyệt, câu chuyện về quốc kỳ không chỉ dành cho các bạn nhỏ tuổi, mà còn khơi gợi cho người đọc nhiều cảm xúc mãnh liệt, thiêng liêng. “Những lá cờ bình thường chúng ta bắt gặp nhưng chưa chắc đã hiểu được ý nghĩa sâu xa của nó. Còn khi đã hiểu rồi, chúng ta mới thấm thía những giá trị tinh thần quý giá mà quốc kỳ truyền tải”.  

Kinh nghiệm mấy mươi năm hoạt động ngoại giao đã cho Đại sứ, PGS.TS Dương Văn Quảng những kỷ niệm gắn với lá quốc kỳ. Ông chia sẻ, công việc đầu tiên của mỗi người làm ngoại giao khi bước chân ra nước ngoài, hay tới các sự kiện chính là nghĩ đến lá cờ. “Nhớ năm 1993 tôi đang làm Tham tán Công sứ ở Paris thì có chương trình Thủ tướng Việt Nam sang thăm Pháp. Nguyên tắc là khi có chính sách từ nước ngoài đến thăm, quốc gia phải treo cờ của nước mình và đất nước được mời tới. Trong lịch sử ngoại giao đã không ít chuyện treo nhầm cờ, cho nên ngày đó, tôi đã phải ra tận sân bay, cẩn thận kiểm tra lá cờ được treo trong chương trình đón tiếp ấy. Có kiểm tra như vậy thì mới không nhầm. Ứng xử với quốc kì vì vậy là phải cực kỳ thận trọng”.

Anh Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trưởng ban Quốc tế Trung ương Đoàn cũng nhớ kỷ niệm thiêng liêng gắn với lá quốc kỳ. Hành trình “Tàu thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản” đư các đại biểu thanh niên đi qua các quốc gia, vào đến đất nước nào, việc đầu tiên là tiến hành chào cờ. “Lễ kéo cờ của các quốc gia được tổ chức trang nghiêm, để mỗi người biết trân trọng lá cờ của quốc gia khác và yêu, tự hào lá cờ của chính đất nước mình”.

Nói như chuyên gia văn hóa truyền thông Nguyễn Đình Thành, tìm hiểu 194 quốc kỳ trên thế giới chính là tìm hiểu ý nghĩa và câu chuyện quốc gia, từ đó nâng lên những tầng tri thức đan xen đa dạng về văn hóa, lịch sử, địa lý, chính trị, tôn giáo, xã hội… của hàng trăm quốc gia lớn nhỏ, trải dài 5 châu lục trên thế giới. Từ lá quốc kỳ mà gợi ra nhiều tình cảm tôn trọng dành cho bạn bè năm châu, và khắc ghi tình cảm thiêng liêng dành cho dân tộc mình.

Thái Minh