Quan hệ Mỹ - Trung Quốc

Cạnh tranh mạnh mẽ

- Thứ Bảy, 29/05/2021, 06:05 - Chia sẻ
Với một loạt động thái lập pháp gần đây phản ánh quan điểm cứng rắn của Quốc hội và lưỡng đảng Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc, các chuyên gia quốc tế cho rằng, giai đoạn “gắn kết với Trung Quốc” đã chấm dứt, thay vào đó Washington chuyển sang “cạnh tranh mạnh mẽ” với Bắc Kinh.
Nguồn: ITN

Động thái lập pháp cứng rắn

Thượng viện Mỹ ngày 27.5 ủng hộ Dự luật Cạnh tranh và Đổi mới Mỹ 2021 (USICA) trị giá 250 tỷ USD nhằm củng cố năng lực cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc. Phiên tranh luận USICA kết thúc với 68 phiếu thuận và 30 phiếu chống, cho phép dự luật này tiếp tục được xem xét. Hiện vẫn chưa rõ thời điểm diễn ra cuộc bỏ phiếu cuối cùng về USICA ở Thượng viện. Nếu được Thượng viện thông qua, USICA còn phải nhận được sự chấp thuận của Hạ viện để được trình lên Tổng thống Joe Biden ký ban hành luật.

Lãnh đạo phe đa số (Dân chủ) tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer khẳng định, Mỹ chi chưa đến 1% tổng sản phẩm nội địa (GDP) vào nghiên cứu khoa học cơ bản, thấp hơn một nửa so với Trung Quốc. “Chúng ta phải rất cẩn trọng để tránh nguy cơ tụt hậu so với phần còn lại của thế giới ở những công nghệ và ngành công nghiệp định hình thế kỷ tiếp theo”, ông Schumer nói.

Nếu được ký thành luật, USICA sẽ phê duyệt khoảng 190 tỷ USD cho các điều khoản nhằm củng cố lĩnh vực công nghệ chung của Mỹ, bên cạnh 54 tỷ USD nhằm gia tăng năng lực sản xuất chất bán dẫn, vi mạch và thiết bị viễn thông.

Ngoài ra, USICA còn nhằm chống lại ảnh hưởng toàn cầu gia tăng của Bắc Kinh thông qua ngoại giao, cụ thể là bằng cách hợp tác với các đồng minh và tăng cường tham gia vào các tổ chức quốc tế.

Trong lúc USICA được cân nhắc, Thượng viện Mỹ cũng đã thông qua một tu chính án với 91 phiếu thuận và 4 phiếu chống nhằm chống lại điều họ mô tả là các hành vi chống cạnh tranh thương mại của Trung Quốc, cũng như nhằm cấm cửa những sản phẩm bị xác định là sản xuất thông qua lao động cưỡng ép.

Tháng trước, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã chính thức ủng hộ Đạo luật Cạnh tranh Chiến lược năm 2021 do lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Menendez của đảng Dân chủ và nghị sĩ cấp cao của đảng Cộng hòa Jim Risch đề xuất, coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược trong một số lĩnh vực, bao gồm thương mại, công nghệ và an ninh. Với sự ủng hộ của lưỡng đảng - động thái cực kỳ hiếm ở Mỹ hiện nay - nhiều khả năng dự luật sẽ được Quốc hội thông qua và được Tổng thống Joe Biden ký phê chuẩn. Cùng với đó, sự đối kháng của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ được ghi nhận một cách hiệu quả trong luật pháp Mỹ.

Theo Reuters, dự luật đề xuất dài 280 trang có tên “Dự luật Cạnh tranh chiến lược năm 2021” (Strategic Competition Act of 2021) đưa ra một loạt biện pháp ngoại giao và chiến lược để hạn chế ảnh hưởng chiến lược của Bắc Kinh. Dự luật ngoài nhắm vào vấn đề cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc còn liên quan đến các giá trị về chủ nghĩa nhân đạo và hệ giá trị dân chủ, bao gồm cả các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông.

Dự luật nhấn mạnh sự cần thiết phải ưu tiên đầu tư quân sự vì mục tiêu chính trị của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, kêu gọi thúc đẩy kinh phí về phương diện này, và Quốc hội phải bảo đảm vấn đề ngân sách liên bang “đáp ứng phù hợp” trong nhu cầu chiến lược của việc cạnh tranh với Trung Quốc.

Dự luật đề xuất cung cấp tổng cộng 655 triệu USD quỹ viện trợ quân sự nước ngoài cho khu vực trong năm tài chính từ 2022 - 2026, đồng thời trong thời gian cùng kỳ cung cấp tổng cộng 450 triệu USD cho Sáng kiến ​​Đại dương Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPOI) và các chương trình liên quan.

Dự luật sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), cơ quan phụ trách việc đánh giá vấn đề tiềm ẩn rủi ro an ninh quốc gia trong hoạt động giao dịch tài chính. Nhưng tương tự như nhiều điều khoản của dự luật, điều khoản này có thể được sửa đổi trong quá trình cân nhắc của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và toàn thể Thượng viện.

Dự luật cũng cho rằng Washington phải khuyến khích các đồng minh hành động nhiều hơn để chống lại “hành vi độc đoán” của Bắc Kinh, gồm cả hợp tác kiểm soát vũ khí.

Chuyển hướng

Mỹ từng có quan điểm lạc quan về sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, nhận ra những cơ hội sinh lợi mà nước này thể hiện. Ngay cả sau khi Trung Quốc nổi lên như một cường quốc kinh tế và chính trị, Mỹ thường coi Trung Quốc là đối tác chiến lược, hơn là đối thủ cạnh tranh.

Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, quan điểm coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược đã chiếm ưu thế trong xu hướng chính trị của Mỹ, với việc các nhà lãnh đạo chủ yếu chọn đối đầu hơn là hợp tác.

Reuters dẫn lời nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ, ông Bonnie Glaser cho biết: “Quốc hội Mỹ rất lo ngại về những thách thức mà Trung Quốc đặt ra đối với lợi ích của Mỹ, đang cố gắng đưa ra các biện pháp đối phó hiệu quả trong phạm vi quyền hạn”.

Trực diện hơn, ông Kurt Campbell, Điều phối viên về các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, khẳng định giai đoạn vốn được mô tả là “gắn kết với Trung Quốc” đã chấm dứt. Thay vào đó, chính sách Mỹ đối với Trung Quốc sẽ chuyển sang “cạnh tranh mạnh mẽ”.

Phát biểu tại sự kiện trực tuyến do Trường Đại học Stanford (Mỹ) tổ chức hôm 26.5 (giờ địa phương), ông Campbell nhận xét Trung Quốc “quyết tâm đóng vai trò sắc nét hơn” và đang “chuyển sang sức mạnh cứng”. Dấu hiệu cho lập trường này chính là những cuộc đụng độ quân sự với Ấn Độ ở biên giới, trừng phạt kinh tế Australia, gây hấn ở Biển Đông và thúc đẩy đường lối ngoại giao “cứng rắn”.

Theo hãng tin Bloomberg, ông Campbell cho rằng giải pháp đối trọng Trung Quốc của Mỹ là hợp tác với đồng minh, đối tác. “Chính sách Trung Quốc tốt nhất cũng đồng thời là chính sách châu Á tốt (...) Đây là lần đầu tiên chúng tôi thực sự chuyển trọng tâm chiến lược về Ấn Độ - Thái Bình Dương, bao gồm cả lợi ích kinh tế lẫn tư duy quân sự” - ông Campbell nói.

Ví dụ cho hình thức hợp tác này là một hội nghị trực tiếp giữa lãnh đạo nhóm “Bộ Tứ” (Quad), được Mỹ lên kế hoạch tổ chức vào mùa thu tới với nội dung tập trung vào cơ sở hạ tầng. Trước đó, vào tháng 3, lãnh đạo “Bộ Tứ” - gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia - đã có cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên và thu về cam kết hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực vaccine Covid-19, khí hậu và an ninh khu vực.

Đạt Quốc