“Cánh tay nối dài” đưa sách đến độc giả

- Thứ Tư, 08/12/2021, 06:35 - Chia sẻ
Những năm qua, mô hình phối hợp phục vụ sách báo tại các điểm Bưu điện - Văn hóa xã bước đầu đáp ứng được nhu cầu thông tin của các xã vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn; góp phần thúc đẩy và nhân rộng phong trào đọc sách trong Nhân dân.

Đáp ứng tốt nhất nhu cầu người đọc 

Là một tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên, Lâm Đồng có 12 đơn vị hành chính, nhiều huyện, xã ở cách trung tâm tỉnh đến 200km. Với 43 dân tộc sinh sống, trong đó khoảng 24% là người dân tộc thiểu số, đa số các xã của Lâm Đồng còn nhiều khó khăn về kinh tế, cơ sở vật chất; đặc biệt trong việc hưởng thụ văn hóa, tiếp cận tri thức. Theo bà Vi Bích Thủy Châu, Thư viện tỉnh Lâm Đồng: “Những năm qua, để sách báo đến tay người dân, từ đó góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, hệ thống thư viện công cộng của tỉnh đã khắc phục khó khăn, tổ chức đưa sách đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để phục vụ người dân”.

Các điểm Bưu điện - Văn hóa xã góp phần đưa sách đến người đọc - Nguồn: danviet.vn
Các điểm Bưu điện - Văn hóa xã góp phần đưa sách đến người đọc
Nguồn: danviet.vn

Để đưa sách đến độc giả, Thư viện tỉnh Lâm Đồng phục vụ thư viện lưu động và luân chuyển sách của hệ thống thư viện công cộng; phối hợp tổ chức phòng đọc sách tại các điểm Bưu điện - Văn hóa xã. Đặc biệt từ khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông ký kết Chương trình phối hợp công tác số 430/CTr-BVHTTDL-BTTTT về việc tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm Bưu điện - Văn hóa xã giai đoạn 2013 - 2020, việc luân chuyển sách đã được đẩy mạnh, thực hiện định kỳ. Trong giai đoạn này, các thư viện công cộng đã phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức 14 đợt luân chuyển sách, với 51.400 bản sách, phục vụ 91.000 lượt bạn đọc. Năm 2020, mặc dù dịch Covid-19, nhưng ngành thư viện và bưu điện vẫn lựa chọn và mang sách đi luân chuyển cho 82 điểm, mỗi điểm 100 bản...

Bà Phạm Thị Thơm, Thư viện tỉnh Ninh Thuận cho biết, mô hình phối hợp phục vụ tại các điểm Bưu điện - Văn hóa xã giúp đưa sách, báo đến cơ sở rộng khắp, trong điều kiện hệ thống thư viện công cộng cấp xã chưa được chú trọng triển khai. Những năm qua, Thư viện và Bưu điện tỉnh đã luân chuyển được hơn 15.000 lượt bản sách tại 32 điểm Bưu điện - Văn hóa xã. Để đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu người đọc ở cơ sở, việc chọn lựa tài liệu có nội dung phù hợp với đặc điểm, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của từng địa phương được chú trọng, chú ý mảng sách có nội dung phổ biến các ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào cuộc sống, về xây dựng nông thôn mới và sách mang tính giáo dục, giải trí cho đối tượng học sinh, thanh niên, thiếu nhi...

Tại Nghệ An, ngoài phối hợp luân chuyển sách, những năm vừa qua, Bưu điện tỉnh đã phát động 4 đợt quyên góp sách, mỗi đợt đạt từ 8.000 - 10.000 cuốn sách, tạp chí, sách truyện các loại, cung cấp cho 397 điểm Bưu điện - Văn hóa xã để có nguồn bổ sung dồi dào...

Tăng cường phối hợp phát triển phong trào đọc sách

Theo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, kết thúc giai đoạn 2013 - 2020, trên cơ sở mô hình phối hợp phục vụ sách báo tại các điểm Bưu điện - Văn hóa xã, các thư viện cấp tỉnh và huyện đã thực hiện hơn 11.000 lượt luân chuyển sách, báo với tổng số sách, báo đạt gần 2 triệu bản sách, phục vụ ước khoảng 13 triệu lượt người đọc.

	Luân chuyển và phục vụ sách tại điểm Bưu điện – Văn hóa đưa sách đến người đọc - Nguồn: baoninhthuan.com.vn
Luân chuyển và phục vụ sách tại điểm Bưu điện – Văn hóa đưa sách đến người đọc 
Nguồn: baoninhthuan.com.vn

Phối hợp thực hiện 6 đợt luân chuyển sách báo và tổ chức triển khai công tác phục vụ tại các điểm Bưu điện - Văn hóa xã, ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế cho rằng, chủ trương luân chuyển sách, báo phục vụ cơ sở là đúng đắn, nên tiếp tục duy trì cho giai đoạn tiếp theo. Từ mô hình phối hợp này, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách thúc đẩy và phát triển phong trào đọc sách sâu rộng trong Nhân dân, không chỉ là bản sách giấy mà còn cả sách điện tử, sách được số hóa, đọc sách qua app trên điện thoại...

Tuy vậy, hoạt động phục vụ sách báo tại các điểm Bưu điện - Văn hóa xã tồn tại một số bất cập như nguồn sách không đồng bộ, thời gian mở cửa trong giờ hành chính nên người dân ít có thời gian đến đọc. Để khắc phục những tồn tại trên, ông Hoàng Văn Công, Điểm Bưu điện - Văn hóa xã Bằng Hành, Bưu điện tỉnh Hà Giang để xuất tăng cường mật độ luân chuyển sách, vận động các cơ quan tổ chức, đoàn thể ủng hộ quyên góp sách, báo để đa dạng nguồn tài liệu; xây dựng điểm Bưu điện - Văn hóa xã như một thư viện, có thể cho người dân đăng ký mượn sách, báo mang về...

Còn theo bà Phạm Thị Thơm, thư viện tỉnh cần thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ, biên soạn tài liệu hướng dẫn cán bộ phụ trách điểm Bưu điện - Văn hóa xã, tiếp tục tham mưu lãnh đạo các cấp ở địa phương về việc cấp kinh phí bổ sung sách cho kho sách luân chuyển của thư viện tỉnh, đáp ứng tốt nhu cầu người đọc ở cơ sở, giúp các điểm Bưu điện - Văn hóa xã trở thành “cánh tay nối dài” đưa tri thức về cơ sở, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nhân lực, văn hóa ở địa phương.

Ông Nguyễn Đức Hùng góp ý, việc tổ chức, phối hợp giữa thư viện và bưu điện tỉnh cần chặt chẽ hơn để chọn điểm thực sự hiệu quả, phục vụ được số đông người dân. Bên cạnh đó, có sự phối hợp của các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể như Thanh niên, Phụ nữ cùng tham gia đọc và vận động người dân đến đọc sách, báo tại các điểm Bưu điện - Văn hóa xã.

Thảo Nguyên