Trường mầm non công lập cho con em lao động di cư

Cánh cửa hẹp!

- Thứ Bảy, 11/09/2021, 07:14 - Chia sẻ
Thu nhập bấp bênh, vậy nên mong muốn con được gửi tại trường mầm non công lập luôn là mong ước của lao động di cư. Tuy nhiên, đến nay dù đã có nhiều chính sách, đề án được ban hành nhưng tỷ lệ trẻ là con của lao động di cư được gửi học ở trường công vẫn rất thấp, nhất là ở những thành phố lớn, Khu công nghiệp - khu chế xuất lớn.

Thiếu trầm trọng

Lên Hà Nội sinh sống và lập nghiệp được 5 năm và đã đăng ký tạm trú nhưng suốt 2 năm liền, chị Nguyễn Thị Phương (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nộp hồ sơ đăng ký cho con học mầm non công lập đều thất bại. Lý do, trường nơi chị cư trú đều đã quá tải trong khi đó chị thuộc diện tạm trú, nên hồ sơ dù nộp từ sớm nhưng vẫn không được duyệt.

Được gửi con tại trường mầm non công lập luôn là mong ước của lao động di cư. ITN
Được gửi con tại trường mầm non công lập luôn là mong ước của lao động di cư.
Nguồn: ITN

Chia sẻ về vấn đề tiếp cận giáo dục của con em nữ lao động di cư, Phó trưởng Phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Thị Hào cho biết, hiện nay thành phố có khoảng 2 triệu học sinh, trong khi trung bình hàng năm lượng lao động nhập cư về Hà Nội khá đông, kéo theo  đó là khoảng 60.000 học sinh. Chính vì vậy, việc tiếp cận trường mầm non công lập với con của lao động di cư rất khó. “Người di cư ở độ tuổi sinh đẻ, có con đi học ở độ tuổi mầm non nhiều, song chỉ số ít vào được công lập. Vì vậy, các con phải học nhóm lớp tư thục, học phí lại cao hơn. Điều này khiến các lao động di cư đã khó khăn lại càng khó khăn hơn” - bà Hào chia  sẻ.

Không chỉ ở khu đô thị, thành phố lớn mà ngay cả những khu công nghiệp, khu chế xuất đang đứng trước nhiều thách thức về bảo đảm hạ tầng, an sinh giáo dục cho lao động di cư. Tại TP. Hồ Chí Minh, triển khai Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020” thành phố đã đạt và vượt chỉ tiêu nhiều hạng mục so với kế hoạch ban đầu. Cụ thể, chỉ tiêu được giao là 40 nhóm trẻ độc lập được hỗ trợ kiện toàn, xây dựng và phát triển, đến nay thành phố đã đạt 151 nhóm. Tuy nhiên, con số này chỉ đáp ứng với tỷ lệ 19% số gia đình công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và lân cận gửi con vào các cơ sở mầm non công lập. Con số này, so với thực tế về nhu cầu gửi con của lao động di cư là quá thấp.

Thống kê gần đây nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, hiện nay chỉ có 28% số trẻ em trong nhóm trẻ dưới 36 tháng tuổi có nơi học. Có nhiều nguyên nhân, trong đó không có nơi để gửi con là một trong những nguyên nhân chủ yếu. Ở những nơi có khu công nghiệp, khu chế xuất đông lao động nhập cư, hệ thống trường mầm non chỉ đáp ứng 44,4% nhu cầu. Hơn một nửa số trẻ trong độ tuổi được gửi vào các nhóm lớp tư thục. Ðiều đáng nói, là các cơ sở thuộc loại hình này còn rất nhiều nhược điểm và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ.

Theo các chuyên gia, để rút ngắn khoảng cách tiếp cận giáo dục, tiếp cận chính sách an sinh xã hội cho lao động nữ di cư, cần nghiên cứu để hoàn thiện các chính sách có lồng ghép giới theo quy định của Luật Bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ nói chung, nhất là phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, phụ nữ nông thôn, phụ nữ di cư, phụ nữ dân tộc thiểu số có cơ hội được tiếp cận, thụ hưởng đầy đủ các chính sách an sinh xã hội.

Cần chính sách dài hơi

Đánh giá về những khó khăn của nữ lao động di cư nói riêng và lao động di cư nói chung, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân thẳng thắn cho rằng, lao động nữ di cư gặp rất nhiều khó khăn so với lao động khác. Đặc biệt, là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến nhiều lao động nữ mất việc. Bị mất việc đồng nghĩa giảm thu nhập ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, sinh hoạt gia đình. Trong khi đó, ngoài tiền thuê trọ, thì phải gửi con ở trường tư cũng là gánh nặng rất lớn.

Theo các chuyên gia, chính quyền các địa phương có khu công nghiệp, khu chế xuất và có đông người lao động di cư cần sớm thực hiện rà soát, dự báo, điều chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống trường mầm non công lập gắn với nhà ở của công nhân, nhằm bảo đảm trẻ di cư không bị phân biệt đối xử trong tiếp cận giáo dục gồm các khoản đóng góp trái tuyến vào các trường công lập. Hội đồng nhân dân ở các địa phương có đông khu công nghiệp, khu chế xuất ban hành nghị quyết để những trường mầm non công lập ở các khu công nghiệp, khu chế xuất nhận trông trẻ ngoài giờ và ngày nghỉ với chi phí phù hợp để lao động di cư gửi con trong thời gian tăng ca. Về lâu dài, cần loại bỏ hộ khẩu ra khỏi thủ tục đăng ký nhập học để mọi trẻ em bình đẳng tiếp cận hệ thống giáo dục và y tế công lập, đặc biệt là ở các thành phố lớn.

Đề cập giải pháp bảo đảm quyền bình đẳng tiếp cận chính sách an sinh xã hội nói chung và tiếp cận về giáo dục nói riêng cho con lao động di cư, Trưởng ban Tuyên giáo (Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, thời gian qua đã có nhiều hỗ trợ đối với lao động nhập cư nói chung và nữ lao động di cư nói riêng nhưng các hoạt động hỗ trợ mang tính trước mắt, ngắn hạn, thiếu những giải pháp dài hạn, nhiều lý do nên thiếu chính sách ổn định. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhóm phụ nữ di cư thuộc khu vực phi chính thức đặc biệt gặp khó khăn khi mang cả 3 đặc tính dễ bị tổn thương: nữ giới - di cư - lao động phi chính thức. Chính vì vậy, cần phải có những giải pháp hỗ trợ đồng bộ và lâu dài. Đặc biệt, ở những đô thị, thành phố, khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung lao động di cư có chính sách tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ trợ giúp, tư vấn pháp lý, hỗ trợ học phí cho con em lao động nhập cư. Nâng cao kiến thức, kỹ năng để chị em ứng phó, thích nghi với công việc ở thành phố nhằm nâng cao đời sống.

Thái Yến