Cảnh báo bệnh tay chân miệng gia tăng nhanh ở đồng bằng sông Cửu Long

- Thứ Tư, 14/04/2021, 10:49 - Chia sẻ
Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ, thời gian gần đây, bệnh nhân ở đồng bằng sông Cửu Long bị bệnh tay chân miệng, phải nhập viện điều trị có xu hướng gia tăng nhanh và diễn tiến khác với mọi năm.
Bác sĩ Chuyên khoa II Huỳnh Hùng Dũng - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ thăm khám cho một bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng

Trong quý I.2021, bệnh viện tiếp nhận 629 ca điều trị nội trú và 2.990 ca ngoại trú, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhiều chủng virus gây bệnh mới khiến một số trường hợp không xuất hiện các triệu chứng phổ biến của bệnh, nên người nhà chủ quan, dẫn đến bệnh diễn tiến nặng, gây khó khăn cho quá trình điều trị.

Chị Nguyễn Thị Kim Loan, ngụ tại Hậu Giang cho biết, con trai chị (sinh năm 2017) ban đầu chỉ ho nhẹ, kéo dài trong khoảng 1 tuần. Do đó, chị chỉ cho bé uống siro ho bình thường nhưng tình trạng ho không đỡ. Hai ngày trước khi nhập viện, bé đột ngột sốt cao kèm giật mình khi ngủ. Nhận thấy đây là các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng nên chị đưa bé nhập viện. Sau 4 ngày điều trị, sức khỏe bé đã ổn định, được bác sĩ cho xuất viện.

Điều đáng lưu ý, cháu bé được xác định lây bệnh tại lớp học. Nguyên nhân là do có bạn cùng lớp bị bệnh tay chân miệng nhưng dấu hiệu bệnh không rõ ràng nên phụ huynh không biết con bị bệnh, vẫn cho trẻ đi học bình thường.

Thông qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo người nhà bệnh nhân không chủ quan trước một số dấu hiệu bệnh dù khá mơ hồ, như đau họng, ho, sốt nhẹ, bỏ ăn… Đặc biệt ở trẻ nhỏ, chưa biết mô tả đúng cơn đau của bản thân, phụ huynh phải quan sát cẩn thận, để đưa trẻ đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Không đưa trẻ đến trường hoặc các nơi vui chơi công cộng trong thời gian nghi trẻ bị bệnh, tránh lây nhiễm ra cộng đồng.

Phụ huynh bệnh nhi 26 tháng tuổi, ngụ tại Trà Vinh cho biết, con chị chỉ xuất hiện duy nhất một bóng nước ở môi, ăn uống kém, không có triệu chứng sốt hay nổi bóng nước ở tay và chân. Do đó, người nhà chỉ nghĩ bé bị nhiệt miệng và cho bé ăn uống các thực phẩm làm mát. Tuy nhiên, ngày hôm sau bé xuất hiện tình trạng giật mình trong khi ngủ nên gia đình đưa bé nhập viện Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bé bị bệnh tay chân miệng, thể mụn nước ẩn dưới da thay vì nổi trên bề mặt da, thể này được giới y khoa đánh giá nặng hơn.

Bác sĩ Chuyên khoa II Huỳnh Hùng Dũng – Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ, cho biết bố mẹ thường lo lắng khi trẻ nổi nhiều mụn nước nhưng điều này cho thấy tình trạng bệnh nhẹ hơn so với nổi các mụn nước ẩn dưới da. Cách điều trị sai lầm mà hầu hết các bậc phụ huynh thường hay mắc phải chính là bôi thuốc màu lên các mụn bỏng nước, làm che khuất hình dạng, gây ra nhiều khó khăn khi bác sĩ thăm khám và xác định nguyên nhân gây bệnh.

Theo Bác sĩ Huỳnh Hùng Dũng, bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ. Điều nguy hiểm ở căn bệnh này là hiện chưa có vaccine ngừa bệnh, cũng như không có thuốc điều trị đặc hiệu. Một số trường hợp, bệnh có thể diễn tiến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Hơn nữa, bệnh lây nhiễm khá nhanh và có khả năng gây thành dịch lớn.

Phương pháp điều trị bệnh tay chân miệng hiện nay đều chỉ tập trung nâng đỡ thể trạng bệnh nhân, giảm đau ở các vết lở do bóng nước, hạ sốt, giảm thiểu và ngăn chặn những biến chứng nặng của bệnh. Sau khoảng 7-10 ngày, virus sẽ tự già và chết, đồng nghĩa với bệnh sẽ khỏi.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Bệnh dễ lây cho trẻ liên quan đến hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo, đặc biệt kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên. Bệnh tay chân miệng tại Việt Nam là bệnh xuất hiện quanh năm và gặp ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, thường ghi nhận số mắc cao vào khoảng thời gian từ tháng 3-5 và 9-11, tại các vùng công tác y tế cộng đồng chưa cao...

Bệnh tay chân miệng lây truyền qua đường ăn uống, tiếp xúc và chất thải. Do đó, để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, các bác sĩ khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; ăn chín, uống chín; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng; thường xuyên khử khuẩn các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hàng ngày; giữ vệ sinh khu nhà tiêu…

Đồng thời, khi trẻ bị bệnh, chế độ ăn hằng ngày cần đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, bù nước kịp thời đề phòng trẻ bị mất nước, hạ đường huyết. Đối với trẻ bú mẹ cần tăng cường cho bé bú thành nhiều lần trong ngày. Với trẻ lớn hơn cần kiêng các loại thức ăn khiến trẻ đau rát, tổn thương miệng như thức ăn nóng, đặc. Thay vào đó, bố mẹ nên cho trẻ ăn các thức ăn loãng, nguội, dễ tiêu hóa như cháo loãng, sữa, sữa hạt, chè đỗ… Nếu bé từ chối ăn mẹ không nên cưỡng ép mà hãy cho bé uống sữa hoặc ăn sữa chua để thay thế. Hoa quả trái cây giàu vitamin, khoáng chất cũng là thực phẩm cần thiết cho trẻ trong khi điều trị bệnh tay chân miệng.

Phụ huynh, người chăm sóc trẻ cũng cần nhận biết những quan niệm dân gian không còn phù hợp trong chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng. Đó là, kiêng không tắm cho trẻ trong suốt thời gian trẻ mắc bệnh, trẻ mắc bệnh 1 lần rồi sẽ không mắc lại nữa… Hiện nay, các quan niệm này đều được các bác sĩ khuyến cáo sẽ tạo bất lợi cho bệnh nhân, khiến bệnh trầm trọng hơn. Việc kiêng tắm sẽ khiến trẻ bị bội nhiễm vết thương. Sau khi khỏi bệnh, cơ thể trẻ sẽ miễn dịch với chủng virus gây bệnh, nhưng theo kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ có thể mắc tay chân miệng nhiều lần và lần bị bệnh sau là do những chủng virus khác với lần trước gây ra...

Theo TTXVN