“Càng khó khăn, càng phải vươn lên”

- Thứ Bảy, 03/07/2021, 05:40 - Chia sẻ
Trong hai ngày 30.6 - 1.7 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác của Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cán bộ chủ chốt của hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Hai địa phương dù đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ trong phát triển kinh tế, xã hội nhưng cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Khẳng định quan điểm của Quốc hội sẽ ủng hộ tối đa để gỡ bài toán phát triển cho địa phương, song Chủ tịch Quốc hội cũng nhiều lần nhấn mạnh thông điệp “càng khó khăn càng phải vươn lên, không có cách nào khác. Hỗ trợ của tỉnh bạn, của Trung ương chỉ là ngoại lực, phải vươn lên bằng chính sức mình, bằng khát vọng phát triển, bằng văn hóa và nguồn lực con người”.

“Kích nổ” vào hạ tầng giao thông

Hàng loạt đề xuất đầu tư về hạ tầng giao thông đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk kiến nghị tại cuộc làm việc của Chủ tịch Quốc hội. Đơn cử như, đề nghị bổ sung tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang vào Quy hoạch đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030 và định hướng đến năm 2050, đồng thời, cho chủ trương hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương khoảng 10.000 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư 19.500 tỷ đồng để đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang với tổng chiều dài khoảng 113km; bổ sung 3 dự án đường cao tốc trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên vào danh mục dự án thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030 gồm cao tốc nối các tỉnh Tây Nguyên (đoạn Ngọc Hồi - Pleiku - Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa - Chơn Thành), cao tốc Buôn Ma Thuột - Liên Khương, cao tốc Buôn Ma Thuột - Phú Yên; nâng cấp cảng hàng không Buôn Ma Thuột; Trung ương bố trí vốn để đầu tư các dự án hạ tầng giao thông phát triển theo hướng Đông - Nam của TP Buôn Ma Thuột; Trung ương hỗ trợ ngân sách cho tỉnh đầu tư 4 dự án giao thông kết nối với Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Nông, Phú Yên để giảm áp lực cho đường bộ, góp phần phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật giao thông vận tải trên địa bàn và tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực Tây Nguyên…

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông cũng đề nghị Quốc hội ủng hộ việc đưa cao tốc Đắk Nông - Chơn Thành vào quy hoạch xây dựng đường bộ cao tốc quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, trong đó, trước mắt ưu tiên đầu tư đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành dài khoảng 140km trong giai đoạn 2021 - 2025.

Hạ tầng giao thông đang là “nút thắt” lớn nhất đối với sự phát triển của khu vực Tây Nguyên, trong đó có Đắk Lắk và đặc biệt là với Đắk Nông vì địa phương này chỉ có duy nhất một phương thức kết nối với các địa phương khác là giao thông đường bộ. Từng được phân công đi khảo sát thực địa để chuẩn bị cho việc chia tách tỉnh Đắk Lắk gần 20 năm trước, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân nhấn mạnh, nếu không “kích nổ” về giao thông, đặc biệt là về cao tốc thì Đắk Nông không thể phát triển được. Ông cho rằng, cao tốc Đắk Nông - TP Hồ Chí Minh khoảng 260km nên là lựa chọn ưu tiên chiến lược bởi nếu làm được cao tốc này thì mọi vấn đề khác, mọi “huyệt đạo” của Đắk Nông đều sẽ mở ra hết. Tuy nhiên, “hai lần chúng tôi cho ý kiến về kế hoạch đầu tư công trung hạn thì đều chưa thấy Đắk Nông có dự án nào trong danh mục, trừ dự án của Bộ Giao thông Vận tải chủ yếu phục vụ cho khai thác bauxite. Trước mắt, phải có một dự án cụ thể, với lý lẽ đầy đủ căn cứ, đưa thành dự án ưu tiên thì mới tập trung nguồn lực để triển khai được”, ông Lê Thanh Vân nói.

Các kiến nghị về đầu tư xây dựng hạ tầng của Đắk Lắk, Đắk Nông, nhất là về đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đều hết sức cần thiết và cấp bách vì sẽ giúp giảm chi phí logistics, tạo thuận lợi thương mại, đi lại của người dân. Nhưng để hiện thực hóa được các đề xuất này, đặc biệt là hai tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang và Gia Nghĩa - Chơn Thành thì cả hai địa phương đều phải làm việc rất cụ thể với các bộ, ngành, coi đây là trọng điểm ưu tiên, dồn quyết tâm chính trị cao nhất để thúc đẩy. Trong đó, ưu tiên số một, theo Chủ tịch Quốc hội, phải là hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội vùng, tỉnh, tích hợp các quy hoạch chuyên ngành về giao thông, đất đai… “Nếu không có quy hoạch tổng thể vùng, tỉnh thì mọi đề xuất, kiến nghị đều chỉ là mong muốn mà thôi”. Do đó, các tỉnh phải huy động nguồn lực, làm việc với các bộ, các chuyên gia để lập quy hoạch vùng, tỉnh, tích hợp các quy hoạch chuyên ngành để tính toán những việc có thể làm ngay, làm nhanh, những việc phải làm trong trung hạn, dài hạn, có bước đi cụ thể, căn cơ, bài bản, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn của Nhà máy Alumin Nhân Cơ
Ảnh: Doãn Tấn

"Phải có khát vọng phát triển"

Trong nhiều vấn đề cần tháo gỡ để giải bài toán phát triển của Đắk Lắk, Đắk Nông, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặc biệt quan tâm đến khát vọng phát triển, ý chí tự lực, tự cường và nội lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương.

Tại sao có cùng điều kiện khó khăn, thậm chí còn khó khăn hơn nhưng các địa phương khác vẫn bứt lên được? Ví dụ như Sơn La, trước đây cũng khó khăn trăm bề, cũng chỉ có độc đạo quốc lộ 6 gần đây mới được nâng cấp; đất đai thổ nhưỡng chỉ có diện tích ít ỏi đất bazan ở huyện Mộc Châu… nhưng đến nay đã khai thác được thế mạnh về cây ăn quả với 7 loại sản phẩm mang địa danh tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ, duy trì và phát triển 90 chuỗi cung ứng quả an toàn, hàng năm chỉ riêng cây ăn quả đã mang lại kim ngạch xuất khẩu hàng triệu USD. Hay Đà Lạt, đã khai thác thế mạnh để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ví dụ, Công ty Rừng Hoa chỉ có 1,7ha đất sỏi và đất đá nhưng họ tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhân giống hoa lan, không trồng trên đất mà trồng trong giá thể cho thu nhập rất cao. Theo Chủ tịch Quốc hội, các địa phương này đều đã rất nỗ lực, “tìm đủ mọi cách để phát triển”.

Đắk Lắk, Đắk Nông không phải là không có tiềm năng để phát triển. Như Đắk Nông, có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, đặc biệt là đất bazan màu mỡ, có 3 loại trái cây ngon hàng đầu cả nước là bơ, măng cụt, sầu riêng và tiềm năng về phát triển công nghiệp nhôm… Từng làm Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, với tài nguyên đất bazan, Đắk Lắk, Đắk Nông có tiềm năng rất lớn để phát triển cây công nghiệp, cây ăn trái. Vừa qua, Đắk Lắk cũng đã có một Nghị quyết riêng của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế hợp tác xã và đang đẩy mạnh các sản phẩm nông nghiệp.

Nhưng đúng là khó khăn cũng rất nhiều”. Chia sẻ điều này, Tổng Thư ký Quốc hội cũng chỉ rõ, phải nâng được trình độ dân trí, nâng được chất lượng nguồn nhân lực, nhất là chất lượng đội ngũ cán bộ lên thì các địa phương này mới phát triển được. Kinh nghiệm của Đắk Lắk vừa qua là tăng cường kiểm tra cán bộ, nhất là người đứng đầu. “Xã nào không có hoạt động thúc đẩy nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế, xã hội thì phải xem lại cán bộ xã đó. Anh không thể chỉ quản lý hành chính không, mà phải xắn tay vào cùng với đồng bào phát triển kinh tế, xã hội. Với cán bộ các sở, ban ngành cũng vậy. Kiểm tra, giám sát thường xuyên. Không làm được thì nhắc nhở lần một, lần hai, đến lần thứ ba là phải thay người khác. Như vậy đội ngũ cán bộ phải chuyển động”, Tổng Thư ký Quốc hội nói.

“Tôi muốn các đồng chí phải nhấn mạnh hơn nữa đến khát vọng phát triển, đến ý chí tự lực tự cường. Phải nhìn rõ tiềm năng, lợi thế và cả những khó khăn, thách thức hiện nay, nhìn vào thực tế trước mắt và phải có khát vọng phát triển, từ đó mới có thể có chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể, đi vào căn cơ từng việc một”, Chủ tịch Quốc hội nói với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông. Đồng thời, yêu cầu lãnh đạo, cán bộ chính quyền địa phương các cấp vừa được kiện toàn phải chứng tỏ năng lực, bắt tay ngay vào việc, phải có sản phẩm thúc đẩy sự phát triển của địa phương, nâng cao đời sống của Nhân dân. Phải áp đặt chế độ trách nhiệm rõ  ràng với cán bộ để tạo động lực vươn lên.

Càng khó khăn càng phải vươn lên, không có cách nào khác. Hỗ trợ của tỉnh bạn, của Trung ương chỉ là ngoại lực, phải vươn lên bằng chính sức mình, bằng khát vọng phát triển, bằng văn hóa và nguồn lực con người”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Vượt ra khuôn khổ cuộc làm việc với một địa phương cụ thể, đây cũng là thông điệp đầy ý nghĩa của người đứng đầu cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất gửi đến các địa phương trong cả nước. Bởi lẽ, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, những khó khăn, áp lực đối với sự phát triển của đất nước, của từng địa phương sẽ còn gia tăng trong thời gian tới, hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, mỗi cấp chính quyền, mỗi người dân đều cần phát huy cao nhất ý chí tự lực, tự cường khát vọng phát triển để bứt phá vươn lên.  

Quỳnh Chi