Nhà nước chỉ nên điều hành ở những lĩnh vực cần thiết

- Thứ Tư, 29/07/2020, 19:33 - Chia sẻ
Tại tọa đàm “Đối thoại về thể chế kinh tế thị trường Việt Nam” do Trường đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Ban Kinh tế Trung Ương tổ chức ngày 29.7, các chuyên gia nhận định, để có một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, thực chất, tư duy điều hành phát triển kinh tế - xã hội cần phải thay đổi, Nhà nước chỉ nên điều hành ở những lĩnh vực cần thiết và phải tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) PHẠM CHI LAN:
Đóng góp của doanh nghiệp tư nhân dưới 10% thì không thể có nền kinh tế thị trường

Nguyên Phó Chủ tịch VCCI Phạm Chi Lan - (Nguồn: CafeF)
Nguyên Phó Chủ tịch VCCI Phạm Chi Lan - (Nguồn: CafeF)

Xây dựng nền kinh tế thị trường là mong muốn chung được nhắc đến từ lâu ở Việt Nam, thực tế cũng được cụ thể hóa bằng hệ thống luật pháp, các văn bản… Dù vậy, “khoảng cách từ miệng đến tay còn xa vời lắm”. Nghị quyết, văn bản xây dựng nền kinh tế thị trường hiện tại ở nước ta không thiếu, song chủ yếu vẫn là tinh thần “tháo gỡ rào cản” trong môi trường  kinh doanh, đầu tư cho các doanh nghiệp. Nhưng bao năm nay, việc tháo gỡ rào cản mãi cũng không xong, vẫn còn loay hoay. Trong khi đó, trên thế giới, nhiều quốc gia đã chuyển đổi sang giai đoạn quản trị để thuận lợi hoá môi trường đầu tư.

Nếu nhìn vào nền kinh tế nước ta, còn nhiều vấn đề cần giải quyết mới có thể trở thành nền kinh tế thị trường đúng nghĩa. Cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam gồm có doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI và khối tư nhân. Nhưng các chính sách hiện nay chủ yếu là ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI, còn lại “doanh nghiệp tư nhân hầu như không được gì”. Trong cơ cấu GDP hiện nay, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI đóng góp phần lớn, mức độ đóng góp của khối doanh nghiệp tư nhân chưa đến 10% thì làm sao chúng ta có nền kinh tế thị trường.

TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM):
Phải biết chọn đúng điểm để đột phá

Nguyên Viện trưởng CIEM TS. Nguyễn Đình Cung - (Nguồn: ITN)
Nguyên Viện trưởng CIEM TS. Nguyễn Đình Cung - (Nguồn: ITN)

30 năm qua chúng ta vẫn nói rằng đang trên con đường cải cách chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Tôi mong rằng nhiệm kỳ này chúng ta kết thúc việc chuyển đổi chứ 40 năm có khi vẫn đang chuyển sang kinh tế thị trường, không chừng 50 năm cũng vẫn đang trên con đường chuyển đổi này.  

Muốn có kinh tế thị trường thì quá trình chuyển đổi phải kết thúc, nhưng chúng ta lại chưa kết thúc quá trình này. Nguyên nhân do quyền sở hữu và hình thức sở hữu chưa chuyển đổi hoặc chuyển đổi rất chậm. Mặt khác, điều hành kinh tế phải do thị trường điều hành, thị trường vận hành và điều tiết kinh tế, chứ không phải Nhà nước. Tư duy để Nhà nước điều hành phát triển kinh tế - xã hội cần phải thay đổi, và Nhà nước chỉ nên điều hành ở những lĩnh vực cần thiết.

Ở cấp độ kinh tế thị trường, rõ ràng, vai trò nhà nước và vai trò thị trường không thể tách rời, không thể đối nghịch nhau mà phải bổ sung cho nhau. Như vậy, cần đánh giá cả trên yếu tố mức độ phát triển thị trường của nền kinh tế và cả hiệu lực Chính phủ. Tuy nhiên, cả hai chỉ số này của Việt Nam đều chưa tốt, mức độ phát triển thị trường của nước ta nằm ở top dưới. Kinh tế thị trường của chúng ta, cả vai trò Nhà nước, cả vai trò thị trường đều rất kém.

Vì vậy, phải phát triển thị trường các nhân tố sản xuất thì mới có thể chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Nếu như cứ loay hoay ở điểm nghẽn này thì sẽ không chuyển đổi được khối tư nhân, trong khi khối này là chủ đạo trong việc chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Những thứ đột phá những năm vừa qua là đột phá về thể chế rất lớn. Nhưng đột phá ở đây là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Đó không phải là khâu chuẩn xác. Cải cách thủ tục hành chính chỉ là phần ngọn của vấn đề.

Chúng ta chọn điểm để đột phá chưa đúng. Cụ thể, cứ nói đột phá nhưng “đột” mãi mà không “phá” được, bởi lẽ “đột” không đúng chỗ, và người “đột” lại không có đủ năng lực để “đột”, đây chính là điểm nghẽn. Nhà nước của chúng ta hiện nay là Nhà nước sở hữu và kiểm soát thì thị trường không thể vận hành được. Nếu không đột phá đúng chỗ và tìm người đủ năng lực để đột phá, tìm công cụ hợp lý để đột phá thì chúng ta “đột mãi mà không phá”.

Chuyên gia kinh tế TS. LÊ ĐĂNG DOANH:
Nhà nước chỉ nên nắm giữ những lĩnh vực quan trọng

Chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh - (Nguồn: ITN)
Chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh - (Nguồn: ITN)

Trên thế giới đã có 90 quốc gia công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Nhưng theo đánh giá của Mỹ, Liên minh châu Âu, Việt Nam chưa được công nhận là quốc gia có nền kinh tế thị trường, theo các tiêu chí, tiêu chuẩn riêng của họ. Ngay cả Trung Quốc cũng chưa được công nhận có nền kinh tế thị trường. Thực tế ở Việt Nam, nhiều ngành và lĩnh vực, cụ thể nhất là thị trường đất đai có vai trò đặc biệt quan trọng nhưng tiêu chí để đánh giá nền kinh tế thị trường ở đây lại rất thấp.

Nếu được công nhận là quốc gia có nền kinh tế thị trường, nền kinh tế sẽ có được nhiều lợi ích. Trong xuất nhập khẩu sẽ giảm được rất nhiều thủ tục, giúp các doanh nghiệp giảm được nhiều chi phí. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh gỡ bỏ rào cản trong thể chế, nhà nước điều hành không can thiệp sâu vào nền kinh tế thị trường, chỉ nắm giữ ngành quan trọng, cốt yếu để Việt Nam có nền kinh tế thị trường thực sự.

Thảo Anh