Hội nghị trực tuyến Bồi dưỡng kiến thức, Kỹ năng cho đại biểu HĐND cấp tỉnh

Cần trang bị đầy đủ kiến thức, cơ sở lập luận!

- Thứ Ba, 12/10/2021, 20:59 - Chia sẻ
Đó là một trong những kinh nghiệm quan trọng của một đại biểu dân cử cần có khi tham gia thuyết trình, thảo luận, tranh luận mà nguyên phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, nguyên Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Ngô Tự Nam đã chia sẻ tại Lớp bồi dưỡng trực tuyến đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021- 2026, diễn ra chiều 12.10.

Theo ông Ngô Tự Nam, thuyết trình hoàn toàn khác với bài phát biểu thông thường vì có sự phân vai rõ rệt hơn giữa người nói và người nghe. Đại biểu HĐND thuyết trình khi thảo luận tại Kỳ họp HĐND, nhằm nêu quan điểm của mình và thuyết phục đại biểu khác, cơ quan trình dự thảo nghị quyết về phương án, nội dung mà mình phát biểu; hay thông qua phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết tới hoạt động của đại biểu. Thuyết trình cũng được đại biểu áp dụng khi tiếp xúc cử tri, tiếp xúc công dân, để đại biểu giải thích chính sách, pháp luật và thuyết phục công dân về kết quả nghiên cứu, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo…

Nguyên phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Nguyên Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ThS. Ngô Tự Nam
Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, nguyên Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Ngô Tự Nam phát biểu tại chương trình
Ảnh: Hoàng Yến

Kỹ năng thuyết trình được sử dụng rất nhiều trong thực tế, vì vậy, mỗi đại biểu cần và phải chú trọng rèn luyện. Khi thuyết trình, ngôn từ phải chuẩn xác, sử dụng ngôn từ theo văn bản pháp luật. Trong phát biểu phải có căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn, do vậy hạn chế sử dựng từ ngữ mang nhiều ý hiểu khác nhau. Đồng thời, cần tuân thủ nội quy, quy định về thuyết trình; linh hoạt thay đổi để phù hợp với người nghe. "Đặc biệt, hạn chế sử dụng quan điểm cá nhân bởi đại biểu đang đại diện cho cử tri để phát biểu” - ThS. Ngô Tự Nam nhấn mạnh.

Ông Ngô Tự Nam cũng lưu ý, khi xây dựng bài thuyết trình nên đưa ra thông điệp để giúp người nghe ghi nhớ điều đại biểu muốn truyền tải một cách nhanh nhất bởi thông điệp chính là công cụ hữu hiệu để chạm tới cảm xúc của người nghe.

TToàn cảnh lớp bồi dưỡng trực tuyến các điểm cầu
Toàn cảnh lớp bồi dưỡng trực tuyến các điểm cầu
Ảnh: Hoàng Yến

Về “Kỹ năng thảo luận, tranh luận của Đại biểu HĐND cấp tỉnh”, ông Ngô Tự Nam chia sẻ, thảo luận, tranh luận cần bảo đảm đúng đường lối Đảng, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; tuân thủ sự điều hành của chủ toạ kỳ họp và bảo đảm thực hiện văn hoá nghị trường… Với kỹ năng này, cần chuẩn bị sẵn sàng từ bước thu thập, xử lý thông tin; lựa chọn vấn đề để thực hiện thảo luận, tranh luận. Xây dựng bài thảo luận ngắn gọn, lắng đọng có trọng tâm, đủ nội dung 3 phần mở bài, thân bài, kết luận. Đặc biệt, bước vào quá trình tranh luận, đại biểu phải kiểm soát được thời gian, lưu ý cử chỉ, hình thể và ngôn ngữ.

So với thuyết trình, khi tham gia thảo luận, tranh luận cần chuẩn bị tâm lý kỹ lưỡng hơn, thông điệp phải mạnh mẽ, rõ ràng, thu hút; linh hoạt, kiểm soát nội dung phát biểu; giọng nói phải thể hiện được sự tự tin, rõ ràng, rành mạch, không nói quá nhỏ hoặc quá to, biết điểm nhấn và điểm dừng.

Điể m  cầu
Đại biểu tại điểm cầu Quảng Ninh chia sẻ ý kiến 
Ảnh: Hoàng Yến

Tiếp theo chương trình, đại diện một số địa phương đã tham gia trao đổi, thảo luận và đưa ra ý kiến đóng góp qua điểm cầu trực tuyến địa phương. Ghi nhận những đóng góp và trả lời câu hỏi từ các đại biểu HĐND, ông Ngô Tự Nam đánh giá cao sự quan tâm, phối hợp từ các đại biểu khi tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Đồng thời, đề các nghị đại biểu tiếp tục nỗ lực, rèn luyện và cải thiện thêm kỹ năng trong thời gian tới.

Ông Ngô Tự Nam cũng lưu ý, thực tế khi tranh luận, thảo luận sẽ không tránh khỏi các ý kiến trái chiều. Một số đại biểu rất dễ gay gắt khi gặp ý kiến phản đối và rơi vào trạng thái mất bình tĩnh. Do đó, đại biểu phải rèn luyện kiểm soát từ suy nghĩ, ngôn ngữ tới phi ngôn ngữ; tránh phát biểu gay gắt. Đồng thời, phải biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến trái chiều để phân tích, bổ khuyết cho chính lập luận của mình để thống nhất và đưa đến kết quả cuối cùng.

Hoàng Yến