Cần tính đến các quy định pháp luật hiện hành

- Thứ Hai, 26/10/2009, 00:00 - Chia sẻ
Sáng nay, 26.10. QH đã cho ý kiến đối với dự án Luật Tần số vô tuyến điện. Vấn đề mà các ĐBQH quan tâm là trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông và chức năng, trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành về tần số vô tuyến điện; quy định về thanh tra trong đó có thanh tra chuyên ngành về tần số vô tuyến điện như thế nào…?

ĐBQH TRẦN THẾ VƯỢNG (HẢI DƯƠNG): Cân nhắc việc thành lập cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện

Về cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện phải hết sức cân nhắc. Nếu thành lập một cơ quan độc lập với những nhiệm vụ quyền hạn do QH quy định thì phải tính đến các quy định của Hiến pháp và của Luật tổ chức Chính phủ cũng như các luật có liên quan khác. Theo Hiến pháp, chỉ có các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ mới là người có quyền quản lý đối với toàn bộ lĩnh vực của đất nước và Luật tổ chức Chính phủ cũng vậy. Trong quá trình quản lý một lĩnh vực, QH chỉ chất vấn bộ trưởng về bất cứ lĩnh vực gì thuộc bộ đó quản lý. Chính vì thế nếu thành lập một cơ quan quản lý độc lập và chính QH giao cho cơ quan này những nhiệm vụ, quyền hạn riêng thì vô hình chung việc đó là thoát ly khỏi trách nhiệm của bộ trưởng. Vậy toàn bộ trách nhiệm của “ông” bộ trưởng về lĩnh vực này trước QH, trước Chính phủ, trước nhân dân thì xử lý như thế nào?

ĐBQH NGUYỄN THỊ MAI (NINH THUẬN): Quy định về thanh tra tần số vô tuyến điện cần linh hoạt

Về quy định thanh tra chuyên ngành, Điều 7 dự án luật quy định: thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện việc thanh tra chuyên ngành về tần số vô tuyến điện, nhưng theo Luật Thanh tra, các cơ quan thanh tra chuyên ngành, lĩnh vực gồm có thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ, gọi chung là thanh tra bộ. Thanh tra bộ có thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Thanh tra bộ là cơ quan của bộ có trách nhiện giúp Bộ trưởng quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra chính và thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước. Như vậy căn cứ vào Luật Thanh tra hiện hành thì thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã có quyền hạn thanh tra chuyên ngành về tần số vô tuyến điện nên quy định như trong dự thảo luật là không cần thiết.

Nhưng thực tế hiện nay lại cho thấy một số lĩnh vực có tính chất chuyên ngành sau như là lĩnh vực tần số vô tuyến điện rất cần cho thanh tra chuyên ngành và giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành thực hiện. Hơn nữa Luật Thanh tra trong quá trình sửa đổi theo hướng cho phép thành lập thanh tra chuyên ngành ở một số cục và tổng cục. Do vậy nếu quy định về thanh tra tần số vô tuyến điện thì nên quy định linh hoạt.

ĐBQH DƯƠNG KIM ANH (TRÀ VINH): Cần có điều riêng quy định về cơ quan quản lý chuyên ngành

Đối với lĩnh vực tần số vô tuyến điện cần phải có một điều riêng quy định về cơ quan quản lý chuyên ngành, đồng thời để cơ quan này có vị trí pháp lý đủ mạnh để hoạt động thì cần phải quy định rõ về vai trò và trách nhiệm quản lý chuyên ngành của cơ quan đó để giúp bộ trưởng thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về tần số vô tuyến điện.

Cũng nên quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành ngay trong luật. Bởi vì hiện nay đang có xu hướng giảm dần đầu mối các bộ, một bộ sẽ quản lý nhiều ngành, nhiều lĩnh vực hơn và cơ cấu tổ chức của bộ cũng có thể thay đổi tùy theo yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ, nhưng các cơ quan thực thi hành chính với bộ vẫn cần thiết phải tồn tại ổn định để hoạt động. Trong dự thảo luật đã có một điều quy định về cơ quan quản lý chuyên ngành về tần số vô tuyến điện thì cũng nên quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của cơ quan này để thuận tiện triển khai tổ chức thực hiện, hạn chế việc chờ đợi Thông tư hướng dẫn.

Về thanh tra tần số vô tuyến điện, do đặc thù của hoạt động tần số vô tuyến điện là hoạt động kỹ thuật nghiệp vụ, có tính chuyên môn cao, đòi hỏi phải có thanh tra chuyên ngành để phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm về tần số vô tuyến điện. Vấn đề này ở Kỳ họp thứ Năm, các đại biểu đã phân tích sâu và trong báo cáo của UBTVQH cũng đã thống nhất với đa số của ĐBQH, nhưng không hiểu vì sao khi thể hiện trong điều luật lại giao cho Thanh tra Bộ Thông tin và truyền thông thực hiện với chức năng thanh tra chuyên ngành về tần số vô tuyến điện. Quy định như vậy là chưa thật sự linh hoạt khi triển khai thực hiện và cũng không có gì khác biệt so với Luật Thanh tra hiện hành. Hơn nữa do việc quản lý của bộ là hiện nay đa ngành, đa lĩnh vực, nếu để thanh tra bộ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành e rằng sẽ quá tải.

ĐBQH LÊ VĂN CUÔNG (THANH HOÁ): Phải cụ thể hóa cơ quan quản lý và thanh tra chuyên ngành về tần số vô tuyến điện

Cần thiết phải cụ thể hóa cơ quan quản lý và thanh tra chuyên ngành về tần số vô tuyến điện trong dự án luật. Bên cạnh đó, dự án luật cần bổ sung một điều về Ủy ban tần số vô tuyến điện. Bởi thứ nhất, Ủy ban Tần số vô tuyến điện là Ủy ban có chuyên môn đặc biệt và hoạt động liên tục, không giống một số Ủy ban khác do Thủ tướng thành lập. Thứ hai, Ủy ban Tần số vô tuyến điện được quy định trong dự thảo luật không tăng tổ chức, không tăng biên chế bởi vì Ủy ban này hoạt động kiêm nhiệm nên không ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. Thứ ba, lâu nay chúng ta thường hay phê phán về luật khung, nhiều điều còn giao cho Chính phủ, Thủ tướng, bộ quy định. Nhưng với Ủy ban tần số vô tuyến điện hoạt động lâu nay theo quy định của pháp luật, được hình thành ổn định, có hiệu quả trên thực tế nên phải được khẳng định ngay trong luật, không nên giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định. Thứ tư, quy định Ủy ban tần số vô tuyến điện trong luật làm tăng thêm tính pháp lý nên trong tổ chức thực hiện sẽ tăng tính điều hòa phối hợp và tinh thần trách nhiệm của các thành viên có liên quan, qua đó sẽ tăng hiệu lực, hiệu quả hoạt động…

ĐBQH VŨ THỊ PHƯƠNG ANH (QUẢNG NAM): Quy định cụ thể trách nhiệm cơ quan thực thi quản lý tần số vô tuyến điện

Cần phải có một điều riêng quy định về cơ quan quản lý chuyên ngành về tần số vô tuyến điện. Bởi vì hoạt động quản lý tần số vô tuyến điện là một hoạt động quan trọng và góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm quốc phòng an ninh và bảo vệ được chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên cần xem xét quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan thực thi quản lý tần số vô tuyến điện. Đối với thanh tra, tôi nhất trí về sự cần thiết phải có thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện để phát hiện và xử lý các vi phạm về tần số vô tuyến điện. Tuy nhiên nếu quy định thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện thanh tra chuyên ngành về tần số vô tuyến điện như dự án luật thì điều này không có giá trị và không cần thiết.

Mậu Thịnh lược ghi