Doanh nghiệp dừng thử nghiệm sản xuất tấm lợp không amiăng
Ngay mở đầu buổi họp báo, sức “nóng” của amiăng trắng thời gian qua đã khiến hội trường trở lên sôi động bởi các phóng viên đề nghị làm rõ như, đến nay Bộ đã có công trình nghiên cứu khoa học nào về sự nguy hại của amiăng trắng trong tấm lợp ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động và người sử dụng. Bên cạnh đó, Bộ cũng làm rõ vì sao kết quả nghiên cứu dây chuyền sản xuất tấm lợp không amiăng được hai doanh nghiệp thử nghiệm nhưng đến nay đã phải dừng sản xuất?
Trả lời vấn đề trên, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ Vũ Đình Hậu cho biết: Hiện Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là với Bộ Y tế, Bộ Xây dựng. Trong Công văn số 7307/VPCP-KGVX, Thủ tướng đã giao cho Bộ Y tế nghiên cứu ảnh hưởng của amiăng tới sức khỏe con người, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm điều hành hệ thống doanh nghiệp sản xuất amiăng trắng. Riêng với Bộ Khoa học và Công nghệ, ngay từ năm 2004, đã thực hiện nghiên cứu các vật liệu thay thế amiăng trắng, đồng thời cho thử nghiệm tại hai doanh nghiệp và đạt được thành công bước đầu. Tuy nhiên, ông Hậu thừa nhận đến nay cả hai doanh nghiệp thử nghiệm sản xuất sản phẩm tấm lợp không amiăng đã phải dừng sản xuất, nguyên nhân do khó khăn giá thành các vật liệu thay thế amiăng rất cao, tăng từ 20 - 40% so với amiăng trắng”.
Đoàn công tác liên ngành của Chính phủ làm việc, khảo sát thực tế về sử dung amiăng trắng tại Liên bang Nga |
Thứ trưởng Bùi Thế Duy khẳng định: Quan điểm của Bộ Khoa học và Công nghệ là đặt sức khỏe con người lên trên hết. Vì vậy, trong thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để nghiên cứu các vật liệu thay thế khác, giá thành phù hợp hơn không chỉ với riêng Việt Nam mà với cả thế giới.
Cần xem xét một cách thấu đáo cơ sở pháp lý
Được biết, trước đó ngày 2.8.2019, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đã ký Công văn số 1441 “Về sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam” trong đó nêu rõ: Trước việc một số cơ quan, tổ chức cá nhân liên tục có ý kiến không đúng sự thật, thậm chí công kích cá nhân, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục nghiên cứu để chứng minh có hay không sự nguy hại của amiăng trắng tới sức khỏe người lao động và người sử dụng; làm rõ vì sao phần lớn các nước vẫn sử dụng amiăng trắng, trong đó có các nước đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga…; cả những nước có công nghệ cao trên thế giới như Mỹ, Nga…; các nước trong khu vực ASEAN.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng lưu ý các nghiên cứu phải trung thực và được công khai trong dư luận, nhất là những người dân đang sử dụng tấm lợp fibro xi măng. Đặc biệt, nếu tiếp tục có đề xuất cấm sử dụng amiăng trắng trong thời gian tới thì cần xem xét một cách thấu đáo, dựa trên các Hiệp ước quốc tế, pháp luật hiện hành và những ảnh hưởng thực chất của amiăng trắng tới sức khỏe con người, không vì bất cứ một lý do nào ngoài sức khỏe người dân, sự phát triển kinh tế và ổn định của đất nước. Ngoài ra, công văn đề nghị các cơ quan truyền thông cần tuyên truyền sự việc một cách khách quan để người dân hiểu đúng bản chất sự việc, tránh tuyên truyền thái quá gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng đến kinh tế và tình hình xã hội…
Cũng liên quan đến vấn đề trên, tại báo cáo chuyến đi khảo sát về kinh nghiệm quản lý và sử dụng amiăng trắng an toàn của Nga do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh làm Trưởng đoàn tổ chức vào tháng 6 vừa qua với sự tham gia của đại diện các bộ, ban, ngành liên quan cũng nêu rõ: Trong hơn 90 năm, Viện Nghiên cứu khoa học, y học thành phố Ekaterinburg đã làm rất nhiều báo cáo nghiên cứu trên 30 cơ sở sản xuất amiăng trắng với khoảng hơn 75 nghìn người lao động khu mỏ, khu sản xuất, sống dưới mái nhà lợp bằng tấm amiăng xi măng cho thấy sức khỏe của họ vẫn rất tốt. Những nghiên cứu cũng khẳng định, amiăng trắng không ảnh hưởng tới sức khoẻ con người nếu được sử dụng có kiểm soát…