Cần thiết xây dựng luật làng nghề

- Thứ Hai, 06/12/2021, 19:59 - Chia sẻ
Điều này được TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp nhấn mạnh tại Hội thảo “Lý luận và thực tiễn về chính sách phát triển làng nghề thủ công mỹ nghệ” do Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức sáng 6.12. Thực tế, làng nghề đang đóng góp lớn cho sự phát triển cả về kinh tế, xã hội, văn hóa, hợp tác quốc tế nhưng khu vực này đang thiếu một hành lang pháp lý cũng như chính sách riêng để có thể bứt phá, phát triển mạnh mẽ hơn.

"Cái nôi" sản sinh ra các đơn vị kinh tế

Phát biểu đề dẫn, TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện khẳng định, làng nghề Việt Nam ra đời, phát triển, bảo tồn gắn liền với cuộc sống của người nông dân. Theo số liệu của Bộ Công thương, hiện Việt Nam có 1.951 làng nghề, trong đó có 1.062 làng nghề và 889 làng truyền thống được công nhậ theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12.4.2018 của Chính phủ. Trong số 1.951 làng nghề có 156 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), chiếm 84,8% tổng số làng nghề.

TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện phát biểu

Tổng số các cơ sở tham gia sản xuất, kinh doanh của các làng nghề là 335.594 cơ sở, gồm: 2.786 doanh nghiệp, 339 hợp tác xã, 509 tổ hợp tác, 331.594 hộ gia đình. Tổng vốn, tài sản của các cơ sở CN-TTCN thuộc làng nghề là hơn 14 nghìn tỷ đồng; doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở CN-TTCN trong các làng nghề đạt khoảng 55 nghìn tỷ đồng. Lực lượng lao động khu vực này là hơn 1,2 triệu người; thu nhập bình quân là 5 triệu đồng/người/tháng. Nhìn vào con số trên có thể thấy rõ vai trò quan trọng của làng nghề trong đời sống xã hội. Về phương diện kinh tế, làng nghề là trung tâm sản xuất kinh doanh đặc thù; nơi tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần đọc đáo cho xã hội. Đồng thời, làng nghề là cái nôi sản sinh ra các đơn vị kinh tế như hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, các chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…

Về phương diện xã hội, làng nghề trước hết là một đơn vị dân cư, một đơn vị văn hóa đặc thù. Tuy không phải là một “cấp hành chính” nhưng chắc chắn khi nói tới làng nghề, chúng ta sẽ hình dung được quy mô, tính chất, hình thái, sinh hoạt của “làng”. Đặc biệt, về phương diện đối ngoại, hợp tác quốc tế, làng nghề giữ một vị trí quan trọng. Nhiều sản phẩm của làng nghề truyền thống cũng như làng nghề hiện đại đã trở thành hàng hóa xuất khẩu quan trọng như mây tre đan, gốm sứ, lụa tơ tằm, đồ đồng, đồ trang sức… mang lại thu nhập cao cho nghệ nhân, người lao động và góp phần phát triển kinh tế, xã hội.

Các đại biểu tại Hội thảo

Nhiều lỗ hổng cần lấp đầy

Theo Chuyên gia khoa học và công nghệ Bạch Quốc Khang, mặc dù có đóng góp lớn trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội nhưng năm 2000, Chính phủ mới ban hành Quyết định 132/2000/QĐ-TTg về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn; và 6 năm sau, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 66/2006/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn. Đến nay, với sự phát triển và hội nhập sâu rộng của đất nước, thì các văn bản pháp lý trên dường như không đủ để tạo điều kiện cho làng nghề phát triển một cách lành mạnh, bền vững.

TS. Bạch Quốc Khang phát biểu

“Lâu nay, làng nghề chưa được đặt vào vị trí trung tâm khi xây dựng chính sách; không có mặt trong thống kê hàng năm của Nhà nước; không có sự thống nhất về quản lý Nhà nước; hoạt động làng nghề chủ yếu dựa vào các quyết định sẵn có gây ra nhiều hệ lụy như: Cấp độ pháp lý chưa đủ mạnh; chính sách không dành riêng, không thành các gói cụ thể mà vận dụng từ các đối tượng khác; nguồn đầu tư chủ yếu tập chung từ nguồn ngân sách nhà nước chứ chưa có sự thu hút từ các doanh nghiệp và các nguồn xã hội hóa; hệ thống chính trị chưa quan tâm đúng mức...” – TSKH Bạch Quốc Khang nói. 

TS. Tôn Gia Hóa, Phó chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho hay, sự phát triển của làng nghề Việt Nam đến giai đoạn này đã bộc lộ nhiều vấn đề cần được giải quyết. Có luật về làng nghề sẽ điều chỉnh mối quan hệ giữa “phát triển” và “gìn giữ, bảo tồn” trên quan điểm hài hòa lợi ích cộng đồng với lợi ích quốc gia. Nhất là, luật về làng nghề sẽ bảo đảm cho sựu phát triển bền vững  của các làng nghề Việt Nam hiện nay.

Luật sư Trương Quang Cẩn phát biểu

Dẫn ví dụ từ việc các Hiệp định FTA thế hệ mới luôn chú trọng vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp trong các văn bản lý kết, Phó chủ tịch HĐTV Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Nguyễn Vi Khải cho rằng, cần phải thay đổi nhận thức về làng nghề, về hiệp hội làng nghề nói riêng hay tổ chức xã hội nghề nghiệp nói chung; từ đó, hoàn thiện khung pháp lý với mô hình kinh tế hộ gia đình – đặc trưng của sản xuất kinh doanh làng nghề.

Ở góc độ bảo vệ môi trường, Luật sư Trương Quang Cẩn cho rằng, dù đã có pháp luật về bảo vệ môi trường nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường trong các làng nghề đang là vấn đề xã hội bức xúc. Nguyên nhân chính là các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề ở trung ương và địa phương chưa hoàn thiện, thiếu sót; các chính sách, văn bản chồng chéo, không phân biệt cụ thể chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, tổ chức, cá nhân trong bảo vẹ môi trường làng nghề; công tác chia sẻ thông tin còn yếu kém, lực lượng làm công tác môi trường các cấp còn mỏng…

Toàn cảnh Hội thảo

Theo ông Trương Quang Cẩn, cần sớm hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề ở trưng ương và địa phương. Cùng với đó, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với việc bảo vệ môi trường làng nghề; tiếp tục kiện toàn hệ thống quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường làng nghề. Đặc biệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường làng nghề đối với cơ sở sản xuất và hộ gia đình.

Bình Nhi