Hỗ trợ nạn nhân mua bán người

Cần thiết thực hơn

- Thứ Tư, 18/11/2020, 06:50 - Chia sẻ
Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11.1.2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người có 6 chế độ hỗ trợ nạn nhân, bao gồm: hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; hỗ trợ y tế; hỗ trợ tâm lý; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ học văn hóa, học nghề; trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn. Tuy nhiên, rất nhiều nội dung trong đó nạn nhân chưa được hưởng, hoặc gặp nhiều khó khăn để được thụ hưởng.

Trợ cấp khó, học nghề không hiệu quả

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố, từ năm 2013 đến tháng 6.2019, có 2.216 nạn nhân của nạn mua bán người được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, 1.347 người được hỗ trợ y tế, 2.105 người được tư vấn tâm lý, 1.003 người được trợ giúp pháp lý, 103 người được hỗ trợ học văn hóa, học nghề; 817 người được trợ cấp khó khăn ban đầu và 72 người vay vốn sản xuất.

Nhiều vướng mắc trong hỗ trợ nạn nhân
Nguồn: ITN

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đối với hỗ trợ về pháp lý, các nạn nhân chủ yếu được hỗ trợ làm thủ tục về hộ khẩu, cấp chứng minh thư nhân dân, giấy khai sinh. Còn việc hỗ trợ bồi thường sau bản án phần lớn không được thực hiện một phần do bị can và gia đình bị can không có khả năng tài chính để chi trả; do vậy mặc dù bản án đã được tuyên nhưng người bị hại không có cơ hội được tiếp nhận các khoản đền bù.

Những con số này cho thấy, số lượng người được trợ cấp khó khăn ban đầu và vay vốn sản xuất là rất khiếm tốn. Phản ánh của các địa phương cho thấy, trợ cấp khó khăn ban đầu cho nạn nhân cũng khó thực hiện do quy định “nạn nhân phải là hộ nghèo”. Thực tế, hầu hết nạn nhân bị mua bán trở về đều thuộc diện khó khăn, diện nghèo rất cần được hỗ trợ để ổn định cuộc sống, tuy nhiên do nạn nhân đi lâu năm không có mặt ở địa phương không có khẩu nên khó có thể xác định hộ nghèo, vì vậy, không thuộc đối tượng được hỗ trợ khó khăn ban đầu.

Trong khi đó, hỗ trợ học nghề chưa hiệu quả do hầu hết nạn nhân trở về muốn tìm việc làm ngay để có thu nhập trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Có nạn nhân muốn học nghề nhưng khó tổ chức được lớp do nạn nhân trở về vào các thời điểm khác nhau mà các lớp học nghề tại địa phương không mở thường xuyên. Khi đối tượng về thì chưa có lớp, khi có lớp thì nạn nhân lại rời khỏi địa phương vì họ phải đi kiếm sống hoặc có thể không thích/hoặc không phù hợp học nghề đó. Việc hỗ trợ kinh phí theo quy định để nạn nhân tự học nghề cũng không khả thi do mức hỗ trợ không đủ, nạn nhân không có thêm tiền bù vào để học. Thêm vào đó, việc làm, đầu ra sau khi học xong nghề tại địa phương cũng gặp khó khăn.

Đại diện nhiều Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chia sẻ thêm, hỗ trợ vay vốn là nội dung thực hiện được ít nhất trong số các nội dung hỗ trợ. Những khó khăn bao gồm nạn nhân không có các tài sản thế chấp, không có khả năng lập kế hoạch và phương án sản xuất theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội. Việc vay qua các tổ chức đoàn thể còn hạn chế do nạn nhân còn thiếu lòng tin từ phía cán bộ như lo sợ nợ xấu, cụt vốn.

Chỉ hỗ trợ tâm lý ban đầu, chưa hợp lý

Thực tiễn thi hành Nghị định 09/2013 cho thấy, văn bản này chỉ quy định nạn nhân bị mua bán được hỗ trợ về tâm lý và y tế trong thời gian cư trú tại cơ sở bảo trợ xã hội và cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Vì vậy, những nạn nhân không vào cư trú tại các cơ sở đã nêu thì không được hỗ trợ về tâm lý và y tế, mặc dù nhiều người trong số họ cũng có nhu cầu được hỗ trợ những dịch vụ này. Thực tế, nạn nhân của nạn mua bán người, thường trở về với những sang chấn tâm lý, hoảng loạn, lo lắng bị trả thù sau khi cung cấp lời khai cho công an, biên phòng. Do đó, việc tư vấn tâm lý phải được thực hiện ngay trong thời gian lấy lời khai, lập hồ sơ tại đồn biên phòng hoặc công an. Trong khi tại những cơ sở này, không có cán bộ chuyên môn về tư vấn tâm lý, thiếu cán bộ nữ để bảo đảm yếu tố nhạy cảm giới khi tiếp nhận nạn nhân nữ. Ngay cả khi vào lưu trú tại cơ sở bảo trợ thì các cán bộ làm công tác tư vấn tại cơ sở bảo trợ xã hội chưa được cung cấp kiến thức và đào tạo kỹ năng làm việc với nạn nhân bị mua bán, nhất là đối với những nạn nhân bị sang chấn tâm lý.

Hiện, các nạn nhân chủ yếu được thăm khám sức khỏe ban đầu và điều trị các bệnh thông thường. Nhưng nhiều nạn nhân trong quá trình bị mua bán đã bị xâm hại, cưỡng bức, đánh đập, bị mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục cần phải chữa trị ngay với chi phí khám và điều trị khá tốn kém, vượt quá khả năng chi trả của nạn nhân và cơ sở. Một khó khăn khác nữa là theo quy định, các trung tâm Bảo trợ xã hội hay các cơ sở tiếp nhận nạn nhân đều có phòng y tế và có bác sĩ, tuy nhiên, còn nhiều trung tâm/cơ sở chỉ có y sĩ, không có bác sĩ và hầu hết không có chức năng điều trị dưới hình thức nội trú cho nạn nhân là bệnh nhân.

Bên cạnh đó, Nghị định chưa quy định về chi phí phiên dịch cho nạn nhân là người nước ngoài, nạn nhân người dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp nhận nạn nhân lấy lời khai hoặc trong hỗ trợ nạn nhân lưu trú tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội. Thực tế tại nhiều đồn biên phòng, nhiều cơ sở bảo trợ xã hội, tiếp nhận nạn nhân là người dân tộc nhưng cán bộ không biết tiếng dân tộc, nạn nhân là người Lào, người Nga nhưng cán bộ không biết tiếng Lào, Nga, Campuchia…. Với các trường hợp này, cán bộ phải thuê phiên dịch để hỗ trợ quá trình tiếp cận, xác minh, xác định nạn nhân, hỗ trợ nạn nhân.

Đình Khoa