Cần thiết nhưng phải cẩn trọng, kỹ lưỡng

- Thứ Ba, 18/01/2022, 06:07 - Chia sẻ

Hôm nay, 18.1, trong chương trình làm việc tại Phiên họp thứ Bảy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện thí điểm này là cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục, cải tạo phạm nhân. Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp, việc thực hiện thí điểm chính sách phải được tính toán một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng.

Việc đề xuất cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, cá nhân tổ chức cho phạm nhân lao động tại khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam là đề xuất không mới. Bởi lẽ, trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, Chính phủ đã đưa ra đề xuất này khi sửa đổi Luật Thi hành án hình sự năm 2019. Nhưng nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội khi đó không đồng tình do còn nhiều lo ngại trong vấn đề quản lý nên nội dung này đã được đưa ra khỏi dự thảo Luật Thi hành án hình sự trình Quốc hội thông qua.

Cần nhấn mạnh rằng, chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta từ trước tới nay trong xử lý người phạm tội nói chung, trong công tác thi hành án phạt tù nói riêng là nhằm giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội. Tính đến tháng 10.2019 có 24/54 trại giam phối hợp tổ chức 154 điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam, số lượng phạm nhân lao động, học nghề dao động từ 6.000 - 7.000 phạm nhân.

Việc tổ chức điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam đã giúp ổn định tâm lý cho phạm nhân, góp phần giúp không ít phạm nhân sau khi chấp hành xong án phạt tù tìm được việc làm, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, hạn chế vi phạm pháp luật và tái phạm tội. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn gặp khó khăn, vướng mắc, bất cập trong hoạt động của các khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam. Hiện chưa có hành lang pháp lý để triển khai thực hiện, trong khi đó các đơn vị trại giam chủ yếu đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn nên công tác tổ chức lao động học nghề cho phạm nhân gặp rất nhiều khó khăn…

Để tạo tâm lý ổn định cũng như tạo cơ hội hòa nhập cộng đồng tốt cho phạm nhân sau khi thi hành án xong, nhiều ý kiến cho rằng, việc thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục cải tạo phạm nhân, qua đó tổng kết, đánh giá, đề xuất mô hình phù hợp nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về từng bước xã hội hóa công tác thi hành án.

Theo tờ trình của Chính phủ, dự kiến số lượng trại giam thực hiện thí điểm là không quá 25 trại giam thuộc Bộ Công an ở miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên. Số lượng phạm nhân đưa đi lao động, hướng nghiệp, dạy nghề căn cứ vào nhu cầu sử dụng lao động của tổ chức, cá nhân hợp tác, trại giam bố trí phạm nhân đưa ra lao động, tuy nhiên không quá 20% tổng số phạm nhân trại giam quản lý; thời gian thực hiện thí điểm trong 5 năm từ khi Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực thi hành...

Thực tế cho thấy, việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam là vấn đề phức tạp, do đó cần phải tính toán kỹ lưỡng. Còn  nhớ, khi thảo luận về nội dung này trong dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, có đại biểu đề nghị, phải xem xét kỹ và làm rõ các phạm nhân được hưởng quyền lợi như thế nào? Nếu quy định không chặt vấn đề này, sẽ dẫn đến đi lệch bản chất của việc lao động cải tạo nhằm giáo dục phạm nhân.

Việc tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là chính sách lớn, tác động đến quyền con người, quyền công dân, đến việc thực hiện cam kết trong một số điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nên điều kiện, chế độ lao động, học nghề, tiền công và chính sách đối với phạm nhân vừa phải tuân thủ các quy định đặc thù của pháp luật thi hành án hình sự vừa phải đáp ứng một số yêu cầu cơ bản của pháp luật về lao động như điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động, thời giờ làm việc…

Do đó, để có đủ lý lẽ thuyết phục Quốc hội, Chính phủ cần có đánh giá tác động đầy đủ về nguồn lực dự kiến thực hiện thí điểm như: biên chế, tổ chức bộ máy, chế độ chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ, kinh phí tổ chức thực hiện; vấn đề bảo đảm an ninh, trật tự tại nơi tổ chức lao động. Đánh giá tác động kỹ hơn về hiệu quả của công tác phối hợp giữa trại giam với doanh nghiệp trong việc tổ chức lao động cho phạm nhân. Trên cơ sở đó, có những quy định phù hợp trong dự thảo nghị quyết.

Chính sách thí điểm là chính sách mới. Vì mới nên càng phải cẩn trọng, kỹ lưỡng và đủ lý lẽ thuyết phục.

Lê Hùng