Đầu tư phát triển đường cao tốc:

Cần tháo gỡ điểm “nghẽn” gây “ách tắc” mở đường…

- Thứ Hai, 22/11/2021, 12:08 - Chia sẻ
Từ kinh nghiệm ở Nhật Bản cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp nhà nước đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc chiếm 90%, với Hàn Quốc là 60%. Còn ở các quốc gia khác, vốn đầu tư từ Nhà nước cho phát triển đường bộ cao tốc không dưới 50%, thậm chí có những nước ở châu Âu lên tới 80%... Tuy nhiên, ở Việt Nam vấn đề huy động và thu hồi vốn cho lĩnh vực này còn có những điểm “nghẽn” gây “ách tắc” cho việc mở đường bộ cao tốc… Theo đó, bà Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, chúng ta cần phải xem xét, đánh giá lại việc xử lý những vướng mắc để những tuyến đường bộ cao tốc được “khơi thông” phục vụ phát triển kinh tế - xã hội…
Bà Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên

Vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi chậm

Theo ông Trương Việt Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC, một trong những khó khăn hiện nay trong việc đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc là vấn đề về vốn. Cụ thể, vốn đầu tư đường cao tốc rất lớn, thời gian thu hồi vốn chậm. Trong khi đó, huy động vốn của các ngân hàng thương mại chủ yếu là huy động ngắn hạn. Đây là điểm “nghẽn” trong quá trình thực hiện dự án khi gặp rất nhiều khó khăn trong huy động nguồn lực, các nguồn vốn mở của các nhà đầu tư tư nhân khi mà tham gia vào đường cao tốc.

Với tuyến đường bộ cao tốc chỉ cần một vụ tai nạn, hay sự cố làm ách tắc giao thông thì sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến việc thu phí
Với tuyến đường bộ cao tốc chỉ cần một vụ tai nạn, hay sự cố làm ách tắc giao thông thì sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến việc thu phí

Thứ hai, về tính hiệu quả của đường bộ cao tốc thì đã rõ qua các dự án đi vào khai thác. Tuy nhiên, khả năng hoàn vốn của các dự án đường bộ cao tốc cũng là vấn đề còn nhiều bất cập. Đơn cử, dự án cao tốc Nội Bài-Lào Cai, tổng thu phí đến thời điểm trước năm 2019- thời điểm trước khi dịch Covid -19 bùng phát- là khoảng 1.500 tỷ đồng/năm để hoàn vốn cho con đường, nhưng chỉ một vụ cháy cầu đã làm cho đường cao tốc Nội Bài Lào Cai không hoạt động một thời gian, từ đó đã gây ảnh hưởng rất lớn đến việc hoàn vốn. Còn đối với là dự án cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, tổng mức đầu tư gần 34.000 tỷ đồng, thực tế bây giờ doanh thu từ thu phí mỗi ngày chưa tới 2 tỷ đồng. Còn với các dự án khác như Bà Rịa- Vũng Tàu, Biên Hòa- Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh- Long Thành- Dầu Giây cũng phải có sự tính toán kỹ sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước thì mới đạt hiệu quả….

Cần xem xét, đánh giá để xử lý những vướng mắc

Dưới góc độ lập pháp và giám sát trên khâu thực hiện, bà Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng, tại Điều 97, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định tài sản công tại doanh nghiệp gồm có tài sản công do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý đã được tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tài sản công do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn tại doanh nghiệp. Đối với dự án đường cao tốc của Tổng công ty được xác định một phần vốn do Tổng công ty huy động, được tính vào vốn của doanh nghiệp và một phần vốn do Nhà nước đầu tư trực tiếp vào dự án, nhưng mà cho đến nay chưa được tính vào phần vốn của doanh nghiệp.

Để những tuyến đường bộ cao tốc tiếp tục vươn xa phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế xã hội, thì cần xem xét tháo gỡ những vướng mắc về mặt cơ chế, chính sách
Để những tuyến đường bộ cao tốc tiếp tục vươn xa phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế xã hội, thì cần xem xét tháo gỡ những vướng mắc về mặt cơ chế, chính sách

Theo Quyết định số 2072 ngày 8.11.2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư đối với 5 dự án đường bộ cao tốc của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC thì dự án đầu tư đang được sử dụng một phần vốn do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC huy động, vay lại và một phần vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp vào dự án. Cũng tại văn bản số 2393 ngày 30.12.2015 theo đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Thủ tướng cũng đã chấp nhận chuyển phần vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp vào dự án để bổ sung vốn điều lệ cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC.

Trong khi nghiên cứu các văn bản pháp luật cũng như hai văn bản của Thủ tướng Chính phủ thì tất cả phần vốn đầu tư vào dự án sản xuất sẽ được tính thành phần vốn của doanh nghiệp và tính chất tài sản của các dự án đường cao tốc của Tổng công ty sẽ là tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý và đã được tính thành phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp và sẽ thực hiện theo quy định tại Điều 74 và Điều 98 Luật Quản lý và sử dụng tài sản công.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải xem xét, đánh giá lại việc xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện Quyết định 2072. Vì vậy, bà Trần Hồng Nguyên cho đây cũng là một vấn đề trong việc xác định tính chất tài sản của dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC.

Bảo Ngân