Thảo luận tại Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Lạng Sơn Khóa XVI

Cần sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt

- Thứ Bảy, 19/12/2020, 07:12 - Chia sẻ
Phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Lạng Sơn Khóa XVI diễn ra trong không khí sôi nổi với nhiều vấn đề nổi cộm được thẳng thắn làm rõ, nhất là việc tái đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi gặp nhiều khó khăn; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập… Theo các đại biểu, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương liên quan cần sớm triển khai các giải pháp căn cơ, quyết liệt để giải quyết, tháo gỡ kịp thời.

Bảo đảm an toàn phòng, chống dịch sau tái đàn

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn, từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã tái phát tại 11/11 huyện, thành phố trên địa bàn. Cụ thể, toàn tỉnh có 1.034 hộ/367 thôn/118 xã có đàn lợn tái phát bệnh dịch. Tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 3.251 con với tổng trọng lượng 153.961kg. Toàn tỉnh hiện còn có khoảng 145.000 con lợn (bằng 144% so với cùng kỳ năm 2019 và bằng 45,9% so với cùng kỳ năm 2018). Thảo luận tại kỳ họp, nhiều ý kiến đánh giá, đến nay tình hình dịch bệnh đã có dấu hiệu lắng xuống song việc tái đàn của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Theo đại biểu Lý Việt Hưng (huyện Hữu Lũng), nguyên nhân đầu tiên là nguồn lợn giống đang khan hiếm đã đẩy giá lợn giống lên cao. Hiện, người nông dân phải mua với giá 2,5 triệu - 3 triệu/con (7 - 12kg/con). Bên cạnh đó, giá lợn hơi trên thị trường đang có xu hướng giảm, mức giá chỉ dao động quanh mức 70.000 đồng/kg. “Lợn giống đắt đỏ, lợn thành phẩm thấp, sau khi trừ mọi chi phí thì gần như không có lãi khiến người dân không mặn mà tái đàn”, đại biểu Lý Việt Hưng phân tích.

Đại biểu Lý Việt Hưng (huyện Hữu Lũng) phát biểu tại thảo luận tổ
Ảnh: Thanh Bình

Đại biểu Lý Việt Hưng cũng bày tỏ lo lắng về thực trạng một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa thực sự có ý thức trong bảo đảm vệ sinh, an toàn phòng, chống dịch. Ở một số nơi, vẫn xảy ra tình trạng xả nước thải trực tiếp ra ngoài môi trường; mua con giống không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch thú y… Đây là nguyên nhân khiến mầm bệnh có khả năng bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào. Theo đại biểu, yêu cầu bảo đảm nguồn giống và giữ gìn vệ sinh là việc làm hết sức cần thiết hiện nay.

Cùng tham gia về nội dung này, nhiều ý kiến cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền để các hộ chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đàn lợn như: Phun tiêu độc khử trùng theo hướng dẫn; tiêm phòng các loại vaccine phòng bệnh cho lợn. Đặc biệt, đối với các hộ chăn nuôi nhỏ, khi muốn tái đàn lợn cần thực hiện nghiêm túc việc khai báo cho cán bộ thú y cơ sở biết để được hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi an toàn. Cùng với đó, người dân cần mua con giống có đầy đủ giấy tờ kiểm dịch thú y, tuyệt đối không mua con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Các địa phương nếu phát hiện lợn bị dịch tả lợn châu Phi cần chú trọng khâu tiêu hủy lợn nhiễm bệnh phải được thực hiện đúng kỹ thuật, đúng quy định nhằm giảm thiểu tối đa sự phát tán và lây lan mầm bệnh…

Nâng cao chất lượng tuyên truyền pháp luật 

Tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật tại các địa phương còn chậm. Bên cạnh nguyên nhân chủ quan do trình độ và kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên còn hạn chế thì việc thiếu kinh phí tổ chức cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn tới chất lượng tuyên truyền pháp luật chưa đạt như kỳ vọng.

Để làm rõ vấn đề này, một số đại biểu đã dẫn chứng thực tế từ công tác tuyên truyền pháp luật về nạn tảo hôn và xuất cảnh trái phép tại khu vực biên giới. Theo thống kê, năm 2020, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 18 trường hợp tảo hôn thuộc các huyện: Bắc Sơn, Lộc Bình, Chi Lăng, Bình Gia, Tràng Định. Trong đó, có 4 trường hợp đã xử phạt vi phạm hành chính theo quy định; 14 vụ chưa xử lý. Đối với tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép, năm 2020, lực lượng chức năng đã phát hiện 50 vụ (tăng 41 vụ so với năm 2019); tiến hành xét xử 116 người địa phương, 15 người ngoại tỉnh thực hiện môi giới xuất nhập cảnh trái phép. Theo đánh giá của các đại biểu, ngoài xử lý nghiêm thì việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức của người dân hết sức cần thiết. Muốn như vậy, cần đổi mới phương pháp tuyên truyền và phạm vi tuyên truyền tại thôn bản; bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ báo cáo viên tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng nâng cao chất lượng tuyên truyền của các trung tâm học tập cộng đồng…

Liên quan đến vấn đề này, tại phiên thảo luận, một số đại biểu cũng nhấn mạnh việc cần thiết phải đầu tư, bổ sung nhà văn hóa tại các thôn, bản bởi đa số các buổi tuyên truyền pháp luật hoặc sinh hoạt của người dân đều diễn ra tại đây. Đại biểu Vũ Thị Tuyến (huyện Hữu Lũng) nhấn mạnh: Thời gian diễn ra cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đang rất gần, UBND các địa phương cần quan tâm đẩy nhanh đầu tư, xây dựng và sửa chữa các nhà văn hóa, nhất là 17 thôn, bản chưa có nhà văn hóa trên địa bàn. “Đây là việc cần triển khai ngay, để vừa có địa điểm tổ chức các điểm bỏ phiếu, vừa có nơi cho người dân sinh hoạt văn hóa, nghe tuyên truyền phổ biến pháp luật một cách tập trung”, đại biểu Vũ Thị Tuyến nhấn mạnh.

Thanh Bình