Bảo vệ động vật hoang dã:

Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

- Thứ Sáu, 19/04/2013, 14:53 - Chia sẻ
Nhận định về công tác phòng chống buôn bán động vật hoang dã hiện nay ở nước ta, GIÁM ĐỐC CƠ QUAN QUẢN LÝ CITES VIỆT NAM ĐỖ QUANG TÙNG cho rằng, tình hình buôn bán động vật hoang dã đang diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Do vậy, việc ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã cũng là mặt trận quan trọng, cần sự vào cuộc của toàn xã hội.

- CITES Việt Nam là cơ quan quản lý thực hiện các quyền và nghĩa vụ của nước thành viên Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp. Vậy trong  thực thi Công ước, CITES Việt Nam  đã gặp phải khó khăn như thế nào, thưa ông?
 
Ông Đỗ Quang Tùng: Việt Nam tham gia Công ước CITES có các nội dung thực hiện, nhiệm vụ và quyền hạn tương đối khác so với các công ước khác vì Công ước CITES liên quan đến việc thực thi pháp luật. Tuy nhiên, bản thân cơ quan quản lý CITES ở Việt Nam không phải là cơ quan thực thi pháp luật, không có chức năng xử lý mà chỉ là cơ quan điều phối, phối hợp với các bên liên quan như Kiểm lâm, Hải quan, Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường… để thực hiện.
 
Hơn nữa, hiện nay, để đáp ứng công việc thì các cơ quan quản lý CITES Việt Nam phải phối hợp với các cơ quan trong nước, các cơ quan nước ngoài và các cơ quan liên quan nhưng nguồn nhân lực đang là một khó khăn, bên cạnh đó, chưa thu hút được nhiều nguồn hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức phi chính phủ quốc tế để thực hiện. Mặt khác, đối tượng quản lý của cơ quan CITES Việt Nam khá đa dạng, động, thực vật hoang dã, ngay cả việc nhận biết loại động thực vật nào thuộc phụ lục của CITES, sự quản lý của Quốc tế, chuyển từ nước nào đến, cách quản lý cũng khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc giám định.
 
- Có ý kiến cho rằng, việc ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã trên mạng internet ở nước ngoài đã được triển khai khá lâu, còn ở Việt Nam bây giờ mới bắt đầu triển khai và vận hành. Ông nhận định về vấn đề này như thế nào?
 
Ông Đỗ Quang Tùng: Việc đấu tranh phòng chống buôn bán động vật hoang dã là trách nhiệm chung của tất cả các nước thành viên thuộc Công ước CITES. Với sự phát triển internet trên toàn cầu, hiện nay giao dịch buôn bán động vật hoang dã giữa các nước thông qua internet càng ngày càng phát triển. Ngay cả những nước phát triển hiện nay cũng xác định là rất khó để kiểm soát về vấn đề mạng, bởi đây là một vấn đề lớn không hề dễ dàng, internet là thị trường rộng lớn không có giới hạn, cung cấp cơ hội cho các hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã. Do vậy, các nước thành viên của CITES đều phải triển khai thực hiện các hoạt động phối hợp như tăng cường năng lực kiểm soát buôn bán động vật hoang dã trên internet.
 
Với trách nhiệm là một nước thành viên của Công ước CITES, việc kiểm soát các hoạt động buôn bán quốc tế trong đó có internet thì trong thời gian tới, Việt Nam cần có các đánh giá việc thực hiện buôn bán trên internet. Tuy nhiên, do hiện nay chế tài xử phạt đăng quảng cáo hay mua tìm bán động vật hoang dã được quy định chưa rõ ràng, cụ thể. Do đó, hy vọng các cơ quan thực thi pháp luật, các tổ chức phi lợi nhuận và các nhà quản trị mạng chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường phối hợp các hoạt động nhằm đấu tranh chống nạn buôn bán trái pháp luật về động vật hoang dã trên internet.
 
- Là một quốc gia tham gia Công ước CITES về bảo tồn động vật hoang dã, cơ quan quản lý CITES Việt Nam đã phối hợp với các nước thành viên và xây dựng kế hoạch chiến lược hành động cho riêng mình như thế nào, thưa ông ?
 
Ông Đỗ Quang Tùng: Tham gia vào công ước CITES là một bước để góp phần bảo vệ động vật hoang dã. Từ sau khi tham gia, Việt Nam đã rất tích cực phối hợp với các thành viên để xây dựng kế hoạch hành động. Cụ thể như ở cấp quốc tế thì CITES đã có sự phối hợp với Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế, tổ chức thi hành luật Quốc tế. Theo đó, mỗi bên sẽ thành lập ra một ban chuyên về quản lý và hỗ trợ các nước thành viên trong việc kiểm soát lĩnh vực này. Ngoài ra, tại các hội nghị thành viên diễn ra 3 năm một lần, trong các chương trình nghị sự sẽ có chương trình về đấu tranh buôn bán các loại động vật hoang dã qua mạng internet, ở đó, các nước đi trước sẽ chia sẻ kinh nghiệm và thông tin với các nước thành viên khác.
 
Ở trong nước, cơ quan quản lý CITES cũng đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã, các tổ chức phi chính phủ và các nhà quản trị diễn đàn, website thương mại… Với mục tiêu nhằm ngăn chặn nạn buôn lậu động vật hoang dã gặp nguy hiểm, đây là mặt trận quan trọng cần sự vào cuộc của toàn xã hội trong cuộc chiến bảo vệ động vật hoang dã. Tuy nhiên, để làm được điều đó, việc tăng cường quản lý nội dung các trang web về mua bán, rao vặt cần được siết chặt hơn; bên cạnh đó, xây dựng cơ chế báo cáo vi phạm và xử phạt các đối tượng vi phạm.

- Xin cám ơn ông!

Anh Thơ thực hiện