Sắp xếp tổ chức bộ máy

Cần sự đột phá

- Thứ Sáu, 02/07/2021, 19:35 - Chia sẻ
Bộ máy hiện nay còn quá cồng kềnh, tầng nấc trong tổ chức đầu mối bên trong, các bộ và cơ quan ngang bộ cũng rất chồng chéo, tầng nấc. Phải đột phá rất mạnh vào vấn đề sắp xếp tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, các đơn vị sự nghiệp và các đơn vị hành chính. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2021 của ngành Nội vụ tổ chức sáng nay, (2.7).
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Phải đột phá rất mạnh vào vấn đề sắp xếp tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, các đơn vị sự nghiệp và các đơn vị hành chính

Sắp xếp tổ chức bộ máy luôn là vấn đề “nóng”. Nóng bởi đây là yêu cầu Trung ương đã đặt ra. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã có chương trình giám sát tối cao và ban hành nghị quyết số 56/2017/QH14 về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để sắp xếp cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành, sắp xếp bộ máy hành chính ở địa phương và bước đầu việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đã thu được những kết quả nhất định.

Các bộ, ngành đã tích cực rà soát, xây dựng phương án và đề xuất điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kiện toàn cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ phù hợp với quy định tại Nghị định số 101/2020 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ). Các địa phương tích cực rà soát, ban hành Đề án sắp xếp lại, kiện toàn tổ chức bên trong các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện theo thẩm quyền được giao, xác định rõ lộ trình, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng theo quy định. Trong đó, một số địa phương đã chủ động, tích cực triển khai các nội dung về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo các quy định mới của Chính phủ như: Ninh Thuận, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Bình, Sơn La, An Giang, Thừa Thiên Huế, Đắk Nông... Cùng với việc sắp xếp tổ chức, công tác xây dựng và quản lý đội ngũ công chức, viên chức đã có nhiều đổi mới theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức…

Sắp xếp tinh gọn bộ máy nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động 

Sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy là đòi hỏi từ yêu cầu thực tiễn, không chỉ giải được bài toán về tiết kiệm ngân sách, mà còn nâng cao chất lượng hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức cũng như nâng cao hiệu quả hiệu lực của bộ máy. Tuy vậy, quá trình thực hiện vẫn còn những khó khăn, thách thức.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn chậm, lúng túng. Nơi nào sáng tạo, linh hoạt, năng động, tích cực, quyết tâm, quyết liệt thì nơi đó thực hiện rất tốt. Nơi nào chưa quyết liệt, chưa quyết tâm cao thì nơi đó chậm chạp. “Việc sắp xếp tổ chức bộ máy của chúng ta chưa tạo ra được sự nhận thức thống nhất, đồng bộ và quyết tâm, quyết liệt. Đây là tồn tại, hạn chế của một số địa phương”, Bộ trưởng Nội vụ nêu rõ.

Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình, kết quả công việc của Bộ Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tinh gọn tổ chức bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả phải gắn kết chặt chẽ với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống.

Thực tế cho thấy, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là vấn đề khó. Khó bởi động chạm đến con người. Khó bởi lâu nay chúng ta chưa có một cơ chế đánh giá cán bộ, công chức, viên chức minh bạch bởi các tiêu chí cụ thể. Điều này làm cho việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức chung chung, cảm tính và hình thức. Đó là chưa kể việc đánh giá còn có sự nể nang bởi tình anh em, đồng nghiệp. Và đây cũng là lý do chưa thể tìm được người để tinh giản biên chế theo yêu cầu đặt ra.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, nếu không giảm được đầu mối thì không thể tinh giản biên chế. Do đó, việc giảm đầu mối gắn với giảm biên chế là một nguyên tắc, phải tập trung đột phá vấn đề này. Trước mắt, vừa tập trung tinh gọn đầu mối bên trong của các bộ, ngành, đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, vừa thay đổi mô hình quản lý, đẩy mạnh tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp. Tới đây sẽ phải đột phá rất mạnh vào vấn đề sắp xếp tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, các đơn vị sự nghiệp và các đơn vị hành chính. Theo đó, cũng đột phá rất mạnh vào việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.

Thực tế cho thấy, triển khai nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp tổ chức bộ máy, có những bộ thực hiện rất hiệu quả. Bộ Công an đã trở thành “điểm sáng” khi đã giảm 6 Tổng cục, tổ chức lại 2 Bộ tư lệnh theo mô hình cục. Quá trình sắp xếp các cơ quan thuộc Bộ Công an đã giảm 35 cán bộ lãnh đạo tổng cục, 55 cục trưởng và tương đương, 287 trưởng phòng và tương đương, tổng cộng là 377 lãnh đạo từ cấp phòng trở lên…

Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là vấn đề khó khăn, phức tạp, nhạy cảm vì liên quan đến con người và lợi ích. Nhưng kết quả của Bộ Công an đạt được trong sắp xếp tổ chức cho thấy, việc tinh gọn tổ chức, cơ cấu bên trong, việc tinh giản biên chế hoàn toàn có thể thực hiện được nếu như người đứng đầu quyết tâm thực hiện.

Để đột phá về sắp xếp tổ chức bộ máy cần phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu đối với kết quả sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế bởi những con số cụ thể. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cần chế tài cụ thể đối với người đứng đầu khi thực thi nhiệm vụ này. Chỉ khi cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu thì mục tiêu sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế mới sớm về đích.

Hà An