Cần quy định khung tiêu chuẩn, tiêu chí khen thưởng đại biểu Quốc hội chuyên trách

- Thứ Năm, 17/06/2021, 12:34 - Chia sẻ
Sáng 17.6, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội đã cho ý kiến về việc thực hiện công tác thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu

Báo cáo về việc thực hiện công tác thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách, Trưởng Ban thi đua-khen thưởng Trung ương, Phó Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) Phạm Huy Giang cho biết, sau khi Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2017/NĐ - CP ngày 31.7.2017, trong đó quy định “Cấp nào quản lý về tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và quỹ lương thì cấp đó có trách nhiệm khen thưởng hoặc trình cấp trên khen thưởng đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý”. Như vậy, đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương, cán bộ thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quản lý, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ do Văn phòng Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

	Trưởng Ban thi đua-khen thưởng Trung ương, Phó Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) Phạm Huy Giang trình bày báo cáo
Trưởng Ban thi đua-khen thưởng Trung ương, Phó Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) Phạm Huy Giang trình bày báo cáo

Thời gian qua, công tác thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương và địa phương còn rất hạn chế và chưa tương xứng với những đóng góp công sức, trí tuệ của đại biểu Quốc hội chuyên trách trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với vai trò, vị trí, trách nhiệm là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội. Qua theo dõi và các số liệu đều thấy rõ, việc bình xét, đề nghị các danh hiệu thi đua “Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp bộ, Chiến sĩ thi đua toàn quốc” đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương và địa phương hầu như không thực hiện được mà chủ yếu là các hình thức khen thưởng đột xuất, khen thưởng chuyên đề, khen thưởng đối ngoại, khen thưởng cống hiến đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương và địa phương khi có thông báo nghỉ hưu.

	Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh trình bày báo cáo
Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh trình bày báo cáo

Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nêu rõ, do đặc thù hoạt động của các cơ quan Quốc hội, trong nhiều nhiệm kỳ Quốc hội không thực hiện việc xem xét khen thưởng đối với các đại biểu Quốc hội chuyên trách. Nhằm bảo đảm công bằng trong công tác cán bộ, năm 2019 và năm 2020, Ban Công tác đại biểu đã phối hợp với Văn phòng Quốc hội tham mưu đề xuất, báo cáo Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, khen thưởng đối với các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương và cán bộ thuộc diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội quản lý có thời gian giữ chức vụ từ 5 năm trở lên. Theo đó, năm 2020 đã có 56 đồng chí được xét khen thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương của Chủ tịch Nước do có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Anh cũng cho biết, hiện vẫn chưa có quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí của các hình thức khen thưởng phù hợp với tính chất đặc thù hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách và các cơ quan trong khối Quốc hội. Đặc biệt, hàng năm, Quốc hội không tổ chức các phong trào thi đua nên không có cơ sở để xét khen thưởng và không có cơ sở nào để xác định thành tích của đại biểu.

Toàn cảnh cuộc họp
Toàn cảnh cuộc họp

Tại cuộc họp, Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội nhấn mạnh, khi xây dựng sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, khen thưởng cần nghiên cứu quy định khung tiêu chuẩn, tiêu chí khen thưởng phù hợp với đối tượng là đại biểu Quốc hội chuyên trách trên cơ sở xuất phát từ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội chuyên trách, đặc biệt là đại biểu chuyên trách ở Trung ương để đề xuất hình thức khen thưởng phù hợp với các quy định của pháp luật. Một số ý kiến cũng cho rằng, cần xem xét thẩm quyền đề nghị khen thưởng và không tổ chức thi đua mà chỉ xét khen thưởng hàng năm hoặc theo nhiệm kỳ; cơ quan giúp việc về chế độ, chính sách đối với đại biểu Quốc hội tham mưu trình Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương tiếp thu các ý kiến của đại biểu, thể hiện rõ hơn nội dung về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV.

Hồ Long