Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc

Cân nhắc mở rộng đối tượng tham gia

- Thứ Bảy, 24/10/2020, 18:42 - Chia sẻ
Chiều 24.10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Mười, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội họp trực tuyến, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc.

Nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam

Tờ trình ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc (LHQ) do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch trình bày cho biết, trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ. Điều này nhằm thực thi Hiến pháp năm 2013 và thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phù hợp với Nghị quyết Đại hội XI, Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10.4.2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Toàn cảnh cuộc họp

Ảnh: Quang Khánh

Thực tế, việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ đã và đang thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Đồng thời, đóng góp vào sự thành công của Việt Nam trong việc ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Do đó, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ là phù hợp và cần thiết.

Dự thảo Nghị quyết gồm 6 chương, 17 điều, quy định về lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ; thẩm quyền, quy trình triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ; kinh phí bảo đảm và chế độ, chính sách…

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch
Ảnh: Quang Khánh

Góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới

Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình bày cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, quy định của Hiến pháp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Việc Lực lượng vũ trang nhân dân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ thể hiện truyền thống yêu chuộng hòa bình, trách nhiệm với cộng đồng thế giới của Việt Nam, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời là cơ hội để mở rộng hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực của lực lượng vũ trang nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Về tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ LHQ với tư cách là một thành viên có trách nhiệm là phù hợp. Hiện nay chưa nên đặt vấn đề Việt Nam đưa lực lượng vũ trang nhân dân tham gia bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới ngoài khuôn khổ LHQ; tên gọi như Tờ trình số 19/TTr-CP ngày 1.10.2020 của Chính phủ là phù hợp. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục làm rõ thêm nội dung phạm vi điều chỉnh để bảo đảm chặt chẽ, đầy đủ, thống nhất.

Đa số ĐBQH nhất trí ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Theo ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (An Giang), đây là việc làm thể hiện quan điểm của Đảng: Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Thực tế Việt Nam cũng đã cử lực lượng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng chưa có pháp luật điều chỉnh. Do đó, việc ban hành Nghị quyết không chỉ ghi nhận về mặt pháp lý hoạt động của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong thời gian qua mà còn tạo cơ sở pháp lý đưa lực lượng khác tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Bên cạnh đó, việc tham gia hoàn toàn với mục đích nhân đạo, phù hợp với Điều 65, 89 của Hiến pháp năm 2013 và kết quả tham gia đã đóng góp nhiều vào đường lối đối ngoại Đảng, Nhà nước, qua đó nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Về đối tượng áp dụng, dự thảo Nghị quyết quy định đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc Bộ Quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, chiến sĩ thuộc Bộ Công an được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Tuy nhiên, ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng, trước những diễn biến bất ổn, khó lường, bất định của thế giới; những thách thức mới, tình huống mới đối với xu hướng hòa bình, hợp tác và phát triển sẽ làm nảy sinh những yêu cầu và nhiệm vụ mới với các lực lượng tham gia của LHQ. Việt Nam với ưu thế, vị thế, uy tín, kinh nghiệm thì cần đặt ra nhiệm vụ chủ động tham ra đảm nhiệm các nhiệm vụ trong tình hình mới. Vì vậy, cần cân nhắc mở rộng thêm đối tượng, lực lượng để đào tạo, huấn luyện theo chuẩn LHQ, sẵn sàng đáp ứng, chủ động tham gia khi có yêu cầu.

Quang Khánh