Cần luật riêng cho các tổ chức phi lợi nhuận

- Thứ Năm, 22/10/2020, 06:15 - Chia sẻ

Trong những ngày miền Trung lũ lụt, tinh thần tương thân tương ái của người dân mọi miền đất nước hướng về đồng bào gặp thiên tai thật sự gây xúc động. Bên cạnh điều đáng mừng này, vấn đề tổ chức, điều phối cứu trợ nhân đạo như thế nào cho hiệu quả, và rộng hơn là hoạt động từ thiện, phi lợi nhuận chuyên nghiệp lại một lần nữa được đặt ra.

Mỗi người chúng ta hẳn đều xúc động khi nhìn hình ảnh những dãy nồi bánh chưng ở Nghệ An, ở KonTum đỏ lửa ngày đêm để có lương thực cứu đói đồng bào mình. Tuy nhiên, cứu trợ nhân đạo ở quy mô lớn - khi lũ lụt trải dài trên nhiều tỉnh, ảnh hưởng hàng chục triệu con người, thì không chỉ cần các nhóm nghiệp dư mà còn cần nhiều hơn đến các tổ chức chuyên nghiệp có năng lực điều phối và thực hiện cứu trợ một cách an toàn. Các đoàn nhỏ lẻ dồn đến vừa thêm áp lực với chính quyền khi phải căng mình lo cho dân, giờ còn phải lo an toàn cho người cứu trợ. Trường hợp địa phương không cho các đoàn tự phát vào vùng lũ, dù vì lý do an toàn, thì vẫn gây bức xúc và mất niềm tin của người sốt sắng đi cứu trợ mà bị “chặn lại”, không cho tiếp cận với những người mà họ muốn chia sẻ trực tiếp.

Nhìn xa hơn, nhu cầu hỗ trợ của những cộng đồng bị lũ lụt, thiên tai tàn phá không dừng lại ở thùng mì, gói bánh trong vài ba ngày sau lũ. Liệu họ có đủ nguồn lực để sống, để trở lại việc sản xuất, làm ăn, buôn bán trong những tuần, những tháng khi cơn lũ rút đi? Những hỗ trợ lâu dài để khôi phục sản xuất và sinh kế cần có những tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiệp bổ sung cho các nhóm “nghiệp dư” vốn thường chỉ hoạt động ngắn hạn?

Đặt ra những câu hỏi ấy để thấy rằng, bánh chưng và mỳ gói đương nhiên cần và những tổ chức làm cứu trợ, làm công việc hỗ trợ cộng đồng một cách chuyên nghiệp cũng quan trọng không kém. Đáng tiếc là ở vế đầu Việt Nam rất dồi dào nhưng ở vế sau chúng ta vẫn chưa có! Vì sao Thủy Tiên có thể gây quỹ 100 tỷ đồng chỉ trong vài ngày, nghĩa là tấm lòng sẵn sàng “cho đi”, và nguồn lực của người dân không nhỏ, mà vẫn chưa có các tổ chức chuyên nghiệp để gửi gắm những tấm lòng đó?

Một phần quan trọng của câu trả lời có lẽ nằm ở khung khổ pháp lý chưa khuyến khích những nỗ lực như vậy. Đơn cử như Nghị định 64 ban hành năm 2008 và Nghị định 93 ban hành năm 2019 một mặt chưa tạo ra đủ sự thuận lợi cho bản thân các tổ chức, cá nhân muốn lập, vận hành quỹ xã hội, quỹ từ thiện; mặt khác chưa bảo vệ niềm tin và lợi ích của những người góp tiền cho quỹ (về trách nhiệm đảm bảo minh bạch và báo cáo hoạt động của quỹ).

Nhìn rộng hơn, câu chuyện về vai trò của các tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiệp không chỉ giới hạn trong trường hợp cứu trợ thiên tai. Các hoạt động hỗ trợ người dân như vậy trải rộng trong hầu hết các dịch vụ xã hội khác: từ bảo vệ và xử lý các sự cố môi trường; hỗ trợ các nhóm yếu thế và thiệt thòi trong xã hội (người khuyết tật, trẻ em đường phố, phụ nữ bị bạo hành)... Nguồn lực từ xã hội, một cách hoàn toàn tự nguyện, có thể chảy qua “kênh” các tổ chức phi lợi nhuận - những nhóm đồng hành với Nhà nước để mang các dịch vụ xã hội tốt hơn đến những nhóm khó khăn, thiệt thòi nhất. Nói cách khác, các tổ chức xã hội của người dân là một bệ đỡ, bên cạnh Nhà nước, để giải quyết các vấn đề xã hội, giảm bớt hậu quả những cú sốc đối với các nhóm này.

Vốn xã hội, gồm truyền thống tương thân tương ái, các mạng lưới xã hội bền chặt... là tài sản quý đã có từ lâu của dân tộc. Nhu cầu sẵn có đó được tiếp sức bởi khối lượng của cải vật chất xã hội tích lũy được qua hơn 30 năm đổi mới, mà những gì đang diễn ra là minh chứng rõ nhất. Nhưng, hạt giống của hoạt động phi lợi nhuận còn đợi một khung pháp luật rõ ràng để nảy mầm. Trong điều kiện thời điểm này chưa thể có một luật về hội chung, Quốc hội nên cân nhắc xây dựng luật riêng cho các tổ chức từ thiện. Một đạo luật về đóng góp thiện nguyện (có thể tham khảo đạo luật các nước khác, ví dụ đạo luật Charity Act của Vương Quốc Anh) sẽ giải quyết tạm thời các vướng mắc này.

Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông