Ngoài tầm kiểm soát
Dưới áp lực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đang có nguy cơ cạn kiệt nguồn nước và ô nhiễm nước ngày càng trầm trọng. Theo “Báo cáo nghiên cứu về ô nhiễm nước và sự cần thiết phải xây dựng Luật Kiểm soát ô nhiễm nước tại Việt Nam”, do Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) thực hiện, công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh trong khoảng ba thập kỷ vừa qua đã gây ô nhiễm các vùng nước mặt, khiến chất lượng nước suy thoái mang tính rộng khắp.
“Ô nhiễm nước gần như đã nằm ngoài vùng kiểm soát của con người”, báo cáo nhận xét. Chất lượng nước mặt của các sông ngòi, kênh, rạch trên cả nước, đặc biệt là ở các vùng đô thị, vùng công nghiệp đang bị suy thoái nghiêm trọng tới mức gần như biến chất và nguy hiểm đối với con người, cũng như các loài sinh vật thủy sinh. Cụ thể, ở nhiều vùng người dân vẫn sử dụng nước sông, ao, hồ, kênh rạch để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Đây chính là yếu tố làm gia tăng bệnh truyền nhiễm liên quan đến nước sạch và vệ sinh môi trường. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi năm có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước ô nhiễm, trên 200.000 trường hợp được phát hiện ung thư mà một trong những nguyên nhân là do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.
Toàn cảnh lễ công bố |
Đối với sản xuất nông nghiệp, nơi ô nhiễm ít, năng suất giảm khoảng 20%, nơi ô nhiễm nhiều, năng suất giảm đến 70% - 80%. Có những ruộng khi chưa ô nhiễm năng suất đạt 6 - 8 tấn/ha, khi ô nhiễm chỉ thu được 1 - 1,4 tấn/ha, có nơi mới gieo cấy được vài tuần, lúa đã ngả sang màu vàng và chết dần. Điển hình tại Hưng Long và Di Sử của huyện Mỹ Hào, Hưng Yên có diện tích lúa bị ảnh hưởng bởi nước ô nhiễm khoảng 500ha, năng suất giảm còn 30 - 40%. Một số nơi bị ô nhiễm nặng phải bỏ ruộng hoang lên tới hàng chục hecta nằm rải ở một số tỉnh như Bắc Ninh, Hải Phòng, Nghệ An…
Theo kết quả nghiên cứu, nguồn nước mặt và nước ngầm hiện nay chủ yếu bị ô nhiễm bởi hai nguồn chính là ô nhiễm điểm (một nguồn đơn lẻ có thể xác định được như đường ống thải) và nguồn ô nhiễm diện (nguồn nước mưa chảy tràn hoặc chảy ngầm mang theo các chất ô nhiễm từ thuốc trừ sâu, phân bón hóa học...).
Cần thiết có luật
Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc CECR cho rằng, mặc dù ô nhiễm nước ở nước ta như một bệnh mãn tính trầm kha và xảy ra ở tất cả mọi nơi nhưng chính sách, pháp luật về vấn đề này chưa được hoàn thiện. Các công cụ kiểm soát ô nhiễm nước đang nằm tản mạn trong nhiều luật dẫn đến hiệu quả thực thi chưa cao. Một điểm nữa là hệ thống pháp luật và các công cụ liên quan đến kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm nước được xây dựng chủ yếu từ góc nhìn của bên quản lý, chưa cân nhắc tới góc độ của bên bị điều chỉnh là các doanh nghiệp; chưa cân nhắc từ góc độ của đối tượng được bảo vệ là nguồn nước mặt và cá cùng các loại thủy sinh sống trong môi trường nước. Bởi vậy, cách tiếp cận quản lý lưu vực, tiếp cận hệ sinh thái, tiếp cận quản lý theo kết quả còn chưa được đưa vào áp dụng. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là kiểm soát ô nhiễm nước chưa được chú ý đúng tầm quan trọng và cần thiết trong sự nghiệp phát triển kinh tế mà chỉ được đưa vào như một phần nhỏ tích hợp trong công tác bảo vệ môi trường. Vì vậy công tác kiểm soát các hành vi xả thải còn mang tính hình thức.
Tại buổi lễ, nhiều ý kiến chuyên gia khẳng định, giữ gìn nguồn nước sạch chính là hướng tới phát triển bền vững và tán thành với đề xuất nêu trong Báo cáo, là cần đưa việc xây dựng Luật Kiểm soát ô nhiễm nước vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội Khóa XIV, nghiên cứu và xây dựng Luật ngay từ năm 2018.
Giám đốc CECR cho biết, các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan… đều trải qua thời kỳ công nghiệp hóa đô thị hóa mạnh mẽ, đã gặp phải nhiều sự cố về ô nhiễm nước hết sức nặng nề. Họ cũng phải trải qua một chặng đường dài trong công tác kiểm soát ô nhiễm nước và khôi phục chất lượng nước mặt và đạt được các kết quả tương đối tốt. “Các nước này đều có Luật hoặc hệ thống luật chuyên biệt kiểm soát ô nhiễm nước và đều đưa khoa học công nghệ xử lý nước thải làm điểm tựa cho các công cụ kiểm soát, coi việc bảo tồn hệ sinh thái cho cá và các thủy sinh trong nước, bảo đảm an toàn cho sinh kế con người là mục tiêu cao nhất”, bà cho biết.