Dịch vụ, hàng hoá Nhà nước định giá:

Cần linh hoạt, ứng biến với thị trường

- Thứ Sáu, 27/08/2021, 09:47 - Chia sẻ
Mặc dù, được đánh giá là đã phát huy được hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành giá, tăng cường tính công khai, minh bạch, tránh sự lạm dụng phát sinh các trường hợp không cần thiết, nhưng việc thực hiện quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá đã phát sinh những hạn chế sau 8 năm Luật Giá đi vào cuộc sống.

Không kịp thời

Khoản 3, Điều 15, Luật giá quy định: “Trong trường hợp cần thiết điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện Bình ổn giá được quy định tại khoản 2 Điều này, Chính phủ trình UBTVQH xem xét, quyết định.”

Quy định là vậy, song thực tiễn cho thấy, việc điều chỉnh danh mục mặt hàng thực hiện bình ổn giá còn phức tạp, khó đáp ứng yêu cầu thực tiễn cần triển khai ngay đối với một biện pháp điều tiết có tính thời điểm. Chẳng hạn, việc giải trình để Chính phủ trình UBTVQH xem xét quyết định sẽ mất một khoảng thời gian khá dài theo quy định; trong khi đó việc thực hiện Bình ổn giá phải mang tính chất tức thời, trong thời điểm hàng hóa dịch vụ có biến động bất thường, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội, ảnh hưởng lợi ích của các tổ chức cá nhân, mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát…

Nhà nước định giá với mặt hàng độc quyền.
Nguồn: ITN

Thực tế đã cho thấy, khi có phát sinh mặt hàng có biến động lớn, ảnh hưởng đến mặt bằng giá chung và kinh tế xã hội cần phải có biện pháp bình ổn giá nhưng không thực hiện được vì không nằm trong danh mục (ví dụ như mặt hàng thịt lợn thời gian qua). Vì vậy, việc đặt thẩm quyền quyết định danh mục cụ thể cho UBTVQH tại Luật cũng như việc quy định điều kiện để đưa mặt hàng nào đó vào thực hiện bình ổn giá vẫn còn thiếu sự linh hoạt, kịp thời.

Mặt khác, trong danh mục mặt hàng thực hiện bình ổn giá quy định trong Luật hiện nay có những mặt hàng từ khi Luật Giá đưa vào thi hành đến nay chưa phát sinh yêu cầu thực hiện bình ổn giá.

Thiếu linh hoạt

Tại Luật Giá quy định về nguyên tắc xác định hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, quy định danh mục chi tiết các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Tuy nhiên, hiện nay việc quy định danh mục nhà nước định giá còn được mở rộng, dàn trải tại nhiều pháp luật chuyên ngành. Đồng thời, trong thực tiễn công tác quản lý, điều hành phát sinh cho thấy trong các trường hợp đặt ra vấn đề phải sửa đổi, bổ sung thì các thủ tục trình UBTVQH quyết định thường sẽ mất nhiều thời gian theo quy định hiện hành.

Chính vì vậy, sẽ khó đáp ứng được mục tiêu quản lý cần phải triển khai ngay các biện pháp quản lý đối với các mặt hàng thiết yếu có giá biến động ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đời sống người dân và dư luận xã hội.

Cần linh hoạt trong định giá.
Nguồn: ITN

Ngoài ra, thẩm quyền điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá cũng là UBTVQH tương tự như danh mục bình ổn giá vì vậy cũng sẽ không đảm bảo tính kịp thời, tiến độ cấp thiết đề ra của việc triển khai biện pháp quản lý nhà nước trong các bối cảnh cấp bách đặt ra. Đơn cử, việc đề xuất bổ sung mặt hàng sách giáo khoa vào danh mục nhà nước định giá trong năm 2020 được đánh giá là cần thiết và phải triển khai ngay để đáp ứng yêu cầu thực tiễn về quản lý. Tuy nhiên do quy trình trình UBTVQH phải có đủ thời gian, nhưng cũng không khả thi vì khi phát sinh thì UBTVQH vẫn yêu cầu sửa Luật. Vì vậy vấn đề vẫn không được xử lý kịp thời.

Khoản 1, Điều 19 Luật Giá quy định: Nhà nước định giá đối với Hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất, kinh doanh; Tài nguyên quan trọng; Hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.

Điều này thể hiện tính “cứng” của danh mục định giá, việc quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tại Luật là nhằm hướng đến việc giám sát. Tuy nhiên, lại thiếu sự linh hoạt trong thực tiễn triển khai và chưa hoàn toàn phù hợp với yêu cầu quản lý giá. Bên cạnh đó, theo quy định tại Hiến pháp năm 2013 quy định chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ thống nhất quản lý về kinh tế, bảo vệ quyền lợi và lợi ích của nhà nước và xã hội, thực hiện điều hành giải pháp cụ thể song thực tiễn lại thiếu linh hoạt trong hoạt động này.

Mặt khác, quy định về nguyên tắc để xác định phạm vi hàng hóa, dịch vụ thực hiện định giá nhà nước đã không bao quát hết được các hàng hóa cần thực hiện định giá trong thực tiễn. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy có những mặt hàng do tính chất cần thiết nên mặc dù không thuộc các nguyên tắc đặt ra tại Luật Giá nhưng vẫn được được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá. Các mặt hàng này chủ yếu thuộc diện có yếu tố độc quyền thị trường sản xuất, kinh doanh có tác động ảnh hưởng đến đời sống kinh tế xã hội hoặc các mặt hàng đặc thù độc quyền địa bàn, có thị trường hạn chế hoặc có vị thế thống lĩnh thị trường.

Từ thực trạng trên nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, cần thiết phải bổ sung thêm nguyên tắc để xác định các hàng hóa, danh mục thuộc diện định giá nhà nước tại Luật Giá để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các Luật; đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho các trường hợp phát sinh khác. Lấy lại đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung sách giáo khoa vào danh mục định giá; bởi đây là mặt hàng có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế xã hội, có tính độc quyền tự nhiên nên cần có cơ chế kiểm soát giá (định khung giá) để khắc phục những khiếm khuyết của thị trường.

Phạm Hải