Dự thảo Nghị định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Cần làm rõ căn cứ chọn đối tượng áp dụng

- Thứ Sáu, 02/07/2021, 04:49 - Chia sẻ
Góp ý vào dự thảo Nghị định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon tại hội thảo ngày 1.7, nhiều ý kiến cho rằng, ban soạn thảo cần làm rõ căn cứ lựa chọn đối tượng áp dụng bởi điều này tác động rất lớn đến doanh nghiệp đồng thời phải bảo đảm công bằng.
Nguồn: ITN

Giảm phát thải theo hạn ngạch từ năm 2026

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Nghị định này quy định chi tiết các Điều 91, 92 và 139 của Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2020. Phạm vi điều chỉnh là các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh có liên quan đến hoạt động phát thải khí nhà kính, giảm nhẹ phát thải và hấp thụ khí nhà kính trong nước; tham gia phát triển thị trường carbon trong nước; sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu và tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ozon, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozon.

Theo dự thảo Nghị định, lộ trình giảm phát thải khí nhà kính gồm 2 giai đoạn. Từ nay đến hết năm 2025, thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải phù hợp với điều kiện, công nghệ, quản lý của cơ sở. Từ năm 2026 đến hết năm 2030, thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải theo hạn ngạch do Bộ Tài nguyên và Môi trường phân bổ; được phép trao đổi, mua bán hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon trên sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Theo Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn, để thực hiện các thỏa thuận quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, việc xây dựng Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon là vô cùng cần thiết. Dự thảo đã quy định về trách nhiệm kiểm kê hoạt động phát thải và thực hiện hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp; phát triển thị trường carbon trong nước; kiểm soát việc xuất nhập khẩu, sản xuất, sử dụng các chất làm suy giảm tầng ozon và chất gây hiệu ứng nhà kính. Khi dự thảo được ban hành, các ngành nghề, lĩnh vực sẽ bị ảnh hưởng như nhiệt điện; công nghiệp; chăn nuôi; kinh doanh vận tải hàng hóa đường bộ; xử lý chất thải rắn…

Giảm bớt thủ tục cho doanh nghiệp

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, dự thảo Nghị định mang tính chuyên ngành cao, có nhiều điểm mới và nhiều thuật ngữ không phổ biến, vì vậy cần giải thích nhiều thuật ngữ hơn. Ban soạn thảo cũng cần nghiên cứu, bổ sung các quy định về khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp tiên phong trong giảm phát thải khí nhà kính. Ví dụ ở Nhật, chính quyền áp dụng dán nhãn nhận diện cho các đơn vị vận tải làm tốt việc giảm phát thải.

Đặc biệt, các ý kiến nhấn mạnh ban soạn thảo cần làm rõ căn cứ lựa chọn đối tượng phải thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính vì điều này tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, để bảo đảm tính công bằng, ban soạn thảo cần khảo sát từng ngành, từng lĩnh vực, thậm chí từng doanh nghiệp. Bởi lẽ, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, ngành phát thải cao hay thấp đều phải có trách nhiệm giảm phát thải.

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng hiện phải thực hiện rất nhiều thủ tục liên quan tới kiểm kê phát thải. Vì vậy cần giảm bớt thủ tục cho doanh nghiệp bằng cách để họ thực hiện phần kiểm kê, cơ quan quản lý tiến hành hậu kiểm. Ngoài ra, cần thực hiện thí điểm để doanh nghiệp làm quen với các bước kiểm kê. Các bộ quản lý sẽ xem xét và cấp hạn ngạch phát thải cho các đầu mối doanh nghiệp, nhà máy.

Cùng nỗi lo, Phó Giám đốc Công ty TNHH Canon Việt Nam Đào Thị Thu Huyền thông tin, hiện nay doanh nghiệp đã thực hiện rất nhiều báo cáo thống kê để kiểm soát năng lượng, ví dụ báo cáo định kỳ hàng quý, hàng năm về mục tiêu giảm thiểu năng lượng để gửi tới các cơ quan ban, ngành có liên quan. Vì vậy, dự thảo quy định phải kiểm kê số liệu thêm một lần nữa là không cần thiết. Bà Huyền cho rằng, không nên chạy theo số liệu đã có rồi mà cần có cách tiếp cận khác tốt hơn.

Để thực hiện việc giảm phát thải nhà kính hiệu quả, bà Huyền đề xuất, dự thảo Nghị định cần phân tích tổng hợp và hướng dẫn doanh nghiệp từng lĩnh vực tập trung vào những công nghệ gì. Đồng thời có hỗ trợ về chuyên môn, đầu tư công nghệ... để các doanh nghiệp thay đổi công suất, công nghệ sản xuất tạo ra hiệu quả thiết thực trong việc bảo vệ môi trường.

Đi vào ngành hàng cụ thể, ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký Hiệp Hội thép Việt Nam cho biết, ngành thép đóng góp quan trọng cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhưng cũng phát thải khí carbonic lớn, thuộc diện phải kiểm soát. Bởi vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có hướng dẫn về phương pháp tính phát thải carbon ròng để có thể tính bù trừ khi doanh nghiệp tối ưu hóa sản xuất, giảm sử dụng năng lượng.

Tuệ Anh