Cần giải pháp sát, đúng trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

- Chủ Nhật, 25/07/2021, 07:48 - Chia sẻ
Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ chiều 24.7 về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đề nghị: Ngoài việc chỉ ra những tồn tại, hạn chế, cần đánh giá thêm nguyên nhân và đưa ra các giải pháp sát, đúng và trúng trong triển khai thực hiện năm 2021. Đồng thơi, tăng cường công tác giám sát, đặc biệt là giám sát của MTTQ và các đoàn thể để kiến nghị và tham mưu cho cấp ủy chính quyền thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí trên địa bàn.

Đề cao vai trò giám sát của mặt trận và các đoàn thể 

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Hoàng Đức Chính đóng góp ý kiến trong phiên thảo luận tổ chiều 24.7
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Hoàng Đức Chính đóng góp ý kiến trong phiên thảo luận tổ chiều 24.7

Các đại biểu cơ bản đồng tình với báo cáo tờ trình của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đối với quyết toán chi Ngân sách Nhà nước năm 2019 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cho ý kiến về vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Hoàng Đức Chính cho rằng: Hiện nay, một số xã thực hiện việc sáp nhập địa giới hành chính, dẫn đến tình trạng thừa cơ sở vật chất, trụ sở làm việc. Để tránh lãng phí cơ sở vật chất này, cần phải có giám sát; tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng nhằm chọn ra phương án thực hiện hiệu quả nhất. Những tài sản, sau khi sáp nhập có thể điều chỉnh cho các đơn vị có nhu cầu sử dụng, tránh lãng phí ngân sách.

Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) đánh giá, dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do diễn biến biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, song với quyết tâm nỗ lực, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao từ Trung ương đến địa phương, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được kết quả tích cực. Điều này thể hiện qua công tác điều hành, tiết kiệm chi ngân sách để đầu tư nguồn lực cho phòng, chống dịch. "Chúng ta đã tiết kiệm chi lần 1 là 10% và trước tình hình phức tạp của dịch bệnh trong những tháng cuối năm, chúng ta lại tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi và quan tâm đến nguồn lực cho các nhiệm vụ quan trọng, tập trung vào công tác phòng, chống dịch bệnh để thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội”, đại biểu Ngọc cho biết.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều ngày 24.7

Đại biểu Đặng Bích Ngọc cũng chia sẻ, tỉnh Hòa Bình là một trong những địa phương thực hiện rất tốt sáp nhập các đơn vị hành chính. Tỉnh đã giảm được 59 xã và một huyện, đạt tỷ lệ cao nhất cả nước. Điều này không chỉ thể hiện sự đồng thuận rất cao của Nhân dân mà còn giúp tiết kiệm được rất nhiều ngân sách.

Bên cạnh những kết quả tích cực, từ thực tiễn địa phương, đại biểu cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện sáp nhập vẫn còn có một số khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, sau khi thực hiện sáp nhập 3 - 4 xã với nhau có một số trụ sở thừa dẫn đến xuống cấp, lãng phí... Đại biểu đề nghị, ngoài việc chỉ ra những tồn tại, hạn chế thì cần đánh giá thêm nguyên nhân để đưa ra các giải pháp sát, đúng và trúng trong quá trình triển khai thực hiện năm 2021. Đồng thời, cần tăng cường công tác giám sát, nhất là giám sát của MTTQ và các đoàn thể, để kiến nghị và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí trên địa bàn.

Siết chặt quản lý, điều hành vốn đầu tư từ ngân sách 

Trước đó, trong phiên thảo luận về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 sáng 24.7, ĐBQH tỉnh Hòa Bình Nguyễn Thị Phú Hà đã thẳng thắn đánh giá: Báo cáo kết quả thực hiện đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 mới chỉ nêu được những tồn tại mà chưa chưa đưa ra kết quả đánh giá cụ thể, nhất là chưa làm nổi bật việc bố trí, triển khai kế hoạch thực hiện của từng bộ, ngành địa phương. Vì vậy, cần có đánh giá kết quả thực hiện đầu tư công trung hạn theo từng năm và cả giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, cần làm rõ kết quả thực hiện, kết toán và việc chuyển nguồn để chứng minh tính hiệu quả của việc sử dụng...

Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng ngày 24.7
Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng ngày 24.7

Về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, theo đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu kế hoạch giải ngân hàng năm khoảng trên 90% trong giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, nguyên tắc đưa ra phải hoàn thành theo nghị quyết Quốc hội đề ra. Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ cũng đề xuất một số nhiệm vụ, định hướng khuyến khích thu hút chọn lọc các dự án đầu tư phát triển hạ tầng, những dự án có chất lượng cao, thân thiện môi trường, có sản phẩm cạnh tranh, trong khi vốn cho khoa học công nghệ giai đoạn trước không hoàn thành. Theo đó, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà đề nghị, cần rà soát lại toàn bộ định hướng đầu tư công để bảo đảm phù hợp. Bên cạnh đó, cần xem xét lại những dự án có khả năng thực hiện đến thời điểm này, tránh trường hợp bố trí xong nhưng không thực hiện được lại phải chuyển sang giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, phải chấn chỉnh lại kỷ luật, kỷ cương trong việc điều hành, quản lý vốn đầu tư Ngân sách Nhà nước.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Ngô Văn Tuấn phát biểu tại phiên thảo luận sáng ngày 24.7
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Ngô Văn Tuấn phát biểu tại phiên thảo luận sáng ngày 24.7

Tại phiên thảo luận, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Ngô Văn Tuấn mong muốn, Trung ương sẽ quan tâm hơn nữa đến phát triển khu vực vùng Tây Bắc. Bởi, xét về vị trí chính trị thì đây là phên dậu, là căn cứ ATK. Tuy nhiên, sau rất nhiều năm, đây vẫn là khu vực còn rất nhiều khó khăn. Cũng theo ông Tuấn, trong đợt bố trí vốn này, tỉnh Hòa Bình mong rằng sẽ được sắp xếp bố trí vốn để tu sửa, khắc phục những điểm đen lớn về tại nạn giao thông.

Nhìn rộng ra đối với tương lai của khu vực Tây Bắc, đại biểu Ngô Văn Tuấn đề nghị, cần nghiên cứu sửa đổi Khoản 2, Điều 69 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư. Vì quy định hiện này đang giới hạn vốn Nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) tối đa không quá 50%.

"Ở những địa bàn thuận lợi việc triển khai quy định trên là tương đối thuận lợi nhưng đối với những khu vực khó khăn như Tây Bắc thì vô hình chung lại đóng cửa các dự án PPP. Bởi mục tiêu cao nhất của doanh nghiệp khi tham gia đầu tư dự án PPP là cơ bản phải có lợi nhuận nên chỉ khi xem xét lại quy định này thì mới có thể thu hút được vốn", đại biểu Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh. 

Trần Tâm