Triển khai giám sát chuyên đề về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Cần đưa ra thời hạn khắc phục

- Thứ Tư, 22/09/2021, 17:49 - Chia sẻ
Chiều 22.9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ Ba, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo Kế hoạch và Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1.7.2016 đến ngày 1.7.2021 (Báo cáo).
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành Phiên họp
Nguồn: quochoi.vn

Phải có trọng tâm, trọng điểm

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, giám sát chuyên đề này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được triển khai nhằm xem xét, theo dõi, đánh giá toàn diện, khách quan việc thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật của các đối tượng chịu sự giám sát và một số cơ quan có liên quan. Đánh giá việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn và công tác tổ chức thực hiện. Kịp thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan, nhất là các quy định trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình phát biểu
Nguồn: quochoi.vn

Nội dung giám sát được thực hiện nhằm góp phần nâng cao trách nhiệm giải trình, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, nhất là người đứng đầu cơ quan chịu sự giám sát trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nâng cao năng lực, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là lĩnh vực đất đai và một số lĩnh vực được dư luận, đại biểu Quốc hội quan tâm, nhằm tránh và hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý các cơ quan, cá nhân có vi phạm; hoàn thiện quy định của pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan có thẩm quyền; vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử trong việc tiếp công dân, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Đoàn giám sát cũng sẽ tổ chức xem xét, nghiên cứu để làm rõ những vấn đề nội cộm, bức xúc trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo hiện nay. 

Theo Trưởng Ban Dân nguyện, Đoàn giám sát đã xây dựng 9 dự thảo Đề cương báo cáo (kèm theo các mẫu bảng biểu, phục lục số liệu, thông tin chi tiết) căn cứ vào mục đích, yêu cầu và nội dung giám sát để làm cơ sở định hướng giám sát, xây dựng báo cáo của Đoàn giám sát và đề nghị các đối tượng chịu sự giám sát, các Đoàn đại biểu Quốc hội chuẩn bị nội dung báo cáo. Đề cương báo cáo đặt ra các yêu cầu với nội dung đánh giá chung, tùy vào từng đối tượng chịu sự giám sát, theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý của từng cơ quan, đề cương cũng có những yêu cầu đánh giá bổ sung. Trong đó, dự thảo đề nghị các cơ quan tập trung báo cáo về kết quả công tác ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện; đồng thời, về kết quả thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ngoài việc yêu cầu cung cấp các số liệu kết quả thực hiện, đề cương cũng đề nghị các cơ quan tập trung đánh giá một số nội dung mang tính chất “trọng tâm”, “trọng điểm” trong thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Toàn cảnh Phiên họp
Ảnh: Lâm Hiển

Phải trả lời được vì sao khiếu nại, tố cáo còn diễn biến phức tạp

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và tán thành với kế hoạch giám sát và các dự thảo đề cương báo cáo được xây dựng; cho rằng, đây là chuyên đề giám sát quan trọng và rất rộng liên quan đến nhiều bộ luật, luật liên quan các lĩnh vực kinh tế - xã hội, cũng như đến các cơ quan nhà nước. Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý, việc xem xét, đánh giá về công tác này phải đi trọng tâm vào quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường.

Cho ý kiến với các báo cáo liên quan, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được giao nhiều cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát, thẩm tra hàng năm. Do đó, khi xây dựng kế hoạch, đề cương giám sát cũng hướng đến phát huy thế mạnh của các cơ quan hữu quan, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, qua triển khai giám sát chuyên đề này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần lý giải cho được vì sao tình hình khiếu nại, tố cáo nhìn chung còn diễn biến phức tạp, với một số vụ việc nổi cộm, kéo dài, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện đông người ở các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của đất nước? Vì sao tiếp công dân được quy định chặt chẽ, triển khai thường xuyên nhưng vẫn chưa đi vào nề nếp?

Nhấn mạnh các công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, thực hiện tiếp công dân từ sớm, có chất lượng cao thì tình hình khiếu nại, tố cáo sẽ giảm, có nhiều vụ việc có thể giải quyết được, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần nêu rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, làm rõ nguyên nhân từ thể chế, nhất là thể chế về đất đai – là lĩnh vực chiếm khoảng 73% tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo; chỉ rõ những bất cập, tồn tại trong thực hiện công tác này. Đồng thời, đưa ra kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội về thời hạn giải quyết để ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong khắc phục một số bất cập, tồn tại trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. 

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu Đoàn giám sát tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để triển khai giám sát hiệu quả. Trong quá trình giám sát, cần chú trọng, làm tốt công tác truyền thông để cử tri, người dân hiểu rõ giám sát chuyên đề này không phải là "chìa khóa vạn năng" để giải quyết dứt điểm tất cả các vụ việc nhưng trên cơ sở giám sát sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị liên quan, khắc phục những bất cập, tồn tại trong quy định pháp luật cũng như trong tổ chức thực thi pháp luật để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. 

Thanh Hải