Gói hỗ trợ 27.000 tỷ đồng

Cần đề án và chiến lược cụ thể

- Thứ Bảy, 03/07/2021, 06:04 - Chia sẻ
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang hoàn thiện dự thảo gói hỗ trợ an sinh lần thứ 2, để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Dự kiến, gói hỗ trợ lần này khoảng 27.000 tỷ đồng. Nhiều ý kiến cho rằng gói hỗ trợ lần 2 này cần có đề án và chiến lược triển khai cụ thể, rút kinh nghiệm từ các gói an sinh xã hội trước đây.

Thiết thực và đúng mục tiêu

Trả lời câu hỏi, người dân có thể mong đợi gì từ gói an sinh 27.000 tỷ đồng? Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, gói an sinh lần 1 đã truyền tải tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no” với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, gói hỗ trợ lần này sẽ đi sâu và hướng tới các đối tượng đặc thù hơn.

“Gói hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp lần 2 cần hướng tới đối tượng cụ thể thuộc những nhóm ngành nghề bị tác động bởi dịch Covid-19 và cần triển khai nhanh, thủ tục đơn giản để tất cả người cần hỗ trợ đều nhận được hỗ trợ” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Cụ thể, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 khởi phát vào cuối tháng 4 đã lây lan vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp và lao động. Trong đó có các ngành nghề tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh như vận tải hành khách, hàng không, du lịch, khách sạn, giải trí, văn hóa, thể thao... Vì vậy mà gói hỗ trợ 27.000 tỷ đồng sẽ giúp doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn trong dịch bệnh. Một số nội dung trong gói hỗ trợ 27.000 tỷ đồng, đang lấy ý kiến các bộ, ngành như miễn tiền đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (các chế độ của lao động vẫn được bảo đảm); tiếp tục cho doanh nghiệp tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất trong 6 tháng; sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại lao động để duy trì việc làm; hỗ trợ trực tiếp lao động dừng hợp đồng, lao động nghỉ việc không lương, mất việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp…

Từ phản hồi của một số bộ, ngành cho thấy, rút kinh nghiệm từ gói chính sách an sinh xã hội lần 1, gói chính sách hỗ trợ lần 2 sẽ tập trung hơn. Đơn cử như chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, cần điều kiện là doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, phải giảm từ 10% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 4.2021.

Thêm vào đó, người lao động thuộc các nhóm ngành nghề bị dừng việc theo yêu cầu cũng được dự thảo hỗ trợ 1 lần từ 1,8 - 3,7 triệu đồng/người. Đối với người lao động bị ngừng việc và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa được hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ 1 lần 3,71 triệu đồng/người. Người lao động đang mang thai, hoặc nuôi con nhỏ và trẻ em đang điều trị Covid-19 được hỗ trợ 1 triệu đồng/người.

Gói an sinh lần 2 được đề xuất tập trung hỗ trợ lao động bị mất việc làm do dịch Covid-19

Giảm 2/3 thủ tục hành chính

Cũng trong mối quan tâm về gói hỗ trợ đợt 2, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ, gói an sinh đợt 1 với 62.000 tỷ đồng mới giải ngân được gần 14.000 tỷ đồng, tương đương hơn 22% dự kiến ban đầu, để hỗ trợ cho gần 13,2 triệu người. Đa số khoản tiền này dùng để chi trực tiếp cho người thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách; lao động tự do và lao động trong doanh nghiệp mất việc làm, hộ kinh doanh… Các chỉ tiêu hỗ trợ còn lại đều không đạt được như kế hoạch đặt ra, một phần do điều kiện để được nhận hỗ trợ phức tạp, khó triển khai trên thực tế, đặc biệt là với nhóm lao động tự do.

Chính vì lý do này, ngành lao động đã chủ động đơn giản hóa và cắt giảm các thủ tục không cần thiết theo đúng tinh thần mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, “quan trọng nhất vẫn là người cần được hỗ trợ nhận được hỗ trợ”. Cụ thể, tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 1.7, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thủ tục hành chính của gói hỗ trợ lần này đã giảm tới 2/3 và đặc biệt sẽ hướng tới đối tượng là lao động tự do; các địa phương cũng được chủ động hơn trong công tác giải ngân. 

Chia sẻ về những khó khăn trong triển khai gói hỗ trợ với lao động tự do, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, tổ trưởng tổ dân phố có khi phải đi tới 8 - 9 lần để khảo sát, đánh giá vì lao động tự do biến động thường xuyên, nay đây mai đó, chưa kể phải lấy xác nhận giữa nơi ở với nơi cư trú… Sau khi làm việc với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội hay một số đơn vị có đông lực lượng lao động tự do và nhận được sự ủng hộ, Chính phủ đã thống nhất có chủ trương hỗ trợ với nhóm đối tượng này. Các địa phương cần căn cứ vào điều kiện, khả năng ngân sách để chủ động xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, xác định mức tiền…

“Chính phủ đưa ra quy định mức sàn tối thiểu, phải hỗ trợ là 1,5 triệu/tháng; không dưới 50.000 đồng/ngày. Nếu địa phương hỗ trợ trên 50.000 đồng/ngày thì càng hoan nghênh” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh. 

Tùng Dương