Tiếp xúc cử tri thời Covid-19

Cần có những sáng kiến, điều chỉnh phù hợp

- Chủ Nhật, 23/08/2020, 08:26 - Chia sẻ
Tiếp xúc cử tri là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng trong hoạt động của đại biểu Quốc hội. Việc tiếp xúc cử tri luôn được các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Nhiều nhiệm kỳ Quốc hội, cả trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, các đại biểu Quốc hội vẫn luôn coi trọng việc tiếp xúc cử tri để gần dân, thấu hiểu dân hơn, thu thập ý kiến của người dân để đóng góp vào xây dựng, sửa đổi những chủ trương, chính sách cho phù hợp hơn, làm nên những thắng lợi to lớn của các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và xây dựng đất nước ngày càng phát triển.

Sáng tạo trong cách làm

Theo quy định hiện nay, trách nhiệm tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã rất rõ. Cụ thể là, ĐBQH phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri với Quốc hội và các cơ quan nhà nước hữu quan. Mỗi năm ít nhất một lần, ĐBQH phải báo cáo trước cử tri về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình. Cử tri có thể trực tiếp hoặc thông qua Mặt trận Tổ quốc yêu cầu ĐBQH báo cáo công tác và có thể nhận xét đối với việc thực hiện nhiệm vụ của ĐBQH.

Dù vậy, trên thực tế cũng chưa nhiều ĐBQH chủ động báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình trước cử tri, cũng hiếm khi thấy cử tri yêu cầu ĐBQH báo cáo công tác hoặc nêu nhận xét đối với việc thực hiện nhiệm vụ. Có lẽ do thời gian của hội nghị tiếp xúc cử tri có hạn, hay còn do thói quen, sự nể nang của cử tri đối với đại biểu. Điều này cũng cần thay đổi dần từ tư duy đến hành vi cụ thể. Rất cần tăng sự tương tác giữa cử tri với ĐBQH do mình bầu và trao gửi niềm tin. Các đại biểu cũng nên chủ động báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ, thực hiện những điều đã hứa với cử tri, nhất là khi nhiệm kỳ gần kết thúc, chuẩn bị lựa chọn, giới thiệu người tái cử khóa tiếp theo. 

Trách nhiệm của Đoàn ĐBQH trong việc tổ chức để các đại biểu trong Đoàn tiếp xúc cử tri là chủ trì phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Thường trực HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan khác tổ chức thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội. Trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc là phối hợp với Đoàn ĐBQH tổ chức thực hiện kế hoạch tiếp xúc giữa ĐBQH với cử tri; mời các thành phần theo dự kiến và chủ trì các hội nghị tiếp xúc cử tri; phối hợp với Đoàn ĐBQH tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri ở địa phương gửi về Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để phối hợp báo cáo trước Quốc hội. Nghị quyết số 06 năm 2004 và Nghị quyết số 525 năm 2012 còn quy định trách nhiệm của Thường trực HĐND, UBND trong phối hợp tổ chức, trách nhiệm của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND trong tham mưu, phục vụ tổ chức các Hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn, của tổ đại biểu hay tiếp xúc của cá nhân ĐBQH. 

Ở nước ta, hệ thống chính quyền có 4 cấp, các cơ quan dân cử có Quốc hội, HĐND cấp tỉnh, HĐND cấp huyện và HĐND cấp xã. Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử ở 4 cấp được quy định trong luật, trong quy chế hoạt động hay Nghị quyết hướng dẫn cơ bản tương đồng về trách nhiệm của đại biểu và hình thức tiếp xúc. Qua theo dõi nhiều năm ở nhiều cấp và nhiều địa bàn cho thấy thực tế việc tổ chức tiếp xúc cử tri một số nơi có cách làm, có vận dụng một số điểm mới cũng nên nghiên cứu, có thể học tập để phát huy những mặt tích cực, nâng cao hiệu quả của việc tiếp xúc cử tri.

Một số quận, huyện của Hà Nội có những lần bố trí hội trường tiếp xúc cử tri mà bàn của chủ tọa, của ĐBQH và các dãy bàn, ghế của cử tri cùng trên mặt bằng của nền hội trường, không bố trí dãy bàn ghế chủ tọa, ĐBQH trên sân khấu cao hơn; thậm chí, có lần, ở một quận đã kê đến hơn chục bàn theo hình chữ nhật, tiếp đến các dãy ghế phía sau như một hội thảo, đại biểu và cử tri gần gũi cả hình thức và tâm lý khi trao đổi phát biểu ý kiến, dù ở đó ĐBQH là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.

Về maket trong hội trường hay biểu ngữ ngoài cổng thì vẫn phổ biến là Hội nghị ĐBQH tiếp xúc cử tri… nhưng cũng có nơi ghi là Hội nghị cử tri tiếp xúc ĐBQH/đại biểu HĐND. Trong bài: Thực hiện đúng"vai" trong hoạt động tiếp xúc cử tri của tác giả Lê Hồng Hạnh đăng trên Báo Đại biểu Nhân dân số 216 ngày 3.8.2020 có nêu vấn đề phải coi ĐBQH/đại biểu HĐND là chủ thể trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Đã là chủ thể thì phải chủ động trong hoạt động này, phải như chủ nhà mời khách. Trong khi hiện nay, vai trò chủ tọa, điều hành lại là cơ quan khác. Tác giả muốn đại biểu dân cử phải cùng chủ trì trong việc tiếp xúc cử tri. Đây là ý kiến mới, thú vị, nhưng hiện chưa quy định nên cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất từ thực tiễn.

Tìm hiểu về tiếp xúc cử tri, gặp gỡ dân của nghị sĩ một số nước thì cũng có nhiều mô hình, nhiều quan niệm và cách làm khác nhau. Ví dụ, ở Singapore, nghị sỹ chủ động liên hệ với Ban quản lý khu dân cư hay tòa nhà để được bố trí gặp gỡ cử tri, lắng nghe ý kiến của dân. Họ thường tổ chức vào buổi tối, có nhân viên văn phòng giúp ghi chép và hỗ trợ một số việc hành chính và phải hết người gặp mới nghỉ nên có khi kết thúc buổi gặp dân/tiếp xúc cử tri đã là đêm khuya. 

Có nên luật hóa tiếp xúc cử tri gián tiếp? 

Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV vừa qua là kỳ họp lịch sử khi lần đầu tiên kết hợp cả họp trực tuyến và họp tập trung trong hoàn cảnh phải phòng, chống dịch Covid-19 và hoàn thành tốt đẹp chương trình nghị sự. Trước và sau kỳ họp, các ĐBQH và các Đoàn ĐBQH đã tổ chức tiếp xúc cử tri tại địa phương bình thường như quy định của pháp luật. Nếu phương thức họp trực tuyến kết hợp tập trung tiếp tục được áp dụng thì có vấn đề đặt ra là, khoảng thời gian giữa hai đợt của kỳ họp, cử tri có nguyện vọng gặp gỡ đại biểu để phản ảnh, nêu ý kiến đóng góp hay ĐBQH có nhu cầu tiếp xúc, gặp cử tri để tham vấn thêm một số nội dung, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân thì có được không và cách thức tổ chức, phục vụ, chi phí hay việc tổng hợp ý kiến của những cuộc tiếp xúc đó như thế nào? 

Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động bình thường của bộ máy nhà nước trong đó có Quốc hội. Hy vọng nước ta sớm kiểm soát được dịch bệnh, đưa các mặt hoạt động trở lại bình thường. Từ thực tiễn chúng ta thường có những sáng kiến, điều chỉnh hoạt động cho phù hợp. Nên chăng việc tổ chức tiếp xúc cử tri của ĐBQH, đại biểu HĐND cũng lựa chọn những phương thức phù hợp, có thể là đại biểu, tổ đại biểu chủ động lập kế hoạch phối hợp các cơ quan tổ chức nhiều hơn các cuộc tiếp xúc cử tri với quy mô nhỏ hơn, số người tham gia ít hơn, thời gian linh hoạt hơn (ngoài ngày, giờ hành chính), và cả trong khoảng thời gian giữa hai đợt họp Quốc hội nếu vẫn tổ chức kỳ họp trực tuyến kết hợp tập trung như Kỳ họp thứ Chín vừa qua.

Quốc hội/Nghị viện nhiều nước trên thế giới họp nhiều đợt trong 1 năm, nghị sĩ của họ tiếp xúc cử tri/gặp gỡ người dân giữa hai đợt họp là bình thường. Hiện nay công nghệ thông tin, điều kiện truyền thông phát triển mạnh, thông qua Facebook, Zalo, điện thoại, tin nhắn, đại biểu dân cử vẫn có thể tiếp cận ý kiến, thông tin từ cử tri. Nhiều nước đã luật hóa các phương thức tiếp xúc, nhận thông tin phản ảnh của cử tri gián tiếp như vậy, vừa hợp thời vừa tiết kiệm. Chúng ta cũng nên vận dụng hình thức tiếp xúc này và coi đó là một kênh hợp pháp, miễn là đại biểu phải chủ động phân tích, sàng lọc thông tin.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, điều gì có lợi cho dân thì hết sức làm. Biết đâu từ cái khó của hiện tại trước những tác động phức tạp của dịch Covid-19 và từ thực tiễn cuộc sống, chúng ta sẽ tìm được những cách làm mới, có những thay đổi phù hợp nhằm gần dân, nghe nhiều ý kiến cử tri, hình thành chính kiến của đại biểu để đóng góp nhiều hơn, tốt hơn cho xây dựng chính sách, luật pháp, để Quốc hội, HĐND các cấp có những đổi mới tích cực, làm việc ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn.

Nguyễn Nhân Tỏ