Cần có một cuộc cách mạng mới trong lâm nghiệp

- Thứ Sáu, 30/10/2020, 23:50 - Chia sẻ

TS Cầm Văn Đoản - Ủy viên Hội đồng tư vấn về Dân tộc, Ủy ban MTTQ Việt Nam

Trong hai dự thảo, dự thảo báo cáo Tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030 và Dự thảo Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đều nêu nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ số 1 cho các tỉnh miền núi.

Người trồng rừng chưa thể làm giàu được từ rừng

Trong hai bản Dự thảo đều nêu nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ số 1 cho các tỉnh niền núi. Dự thảo Chiến lược nêu: “vùng trung du và miền núi phía Bắc, phát huy các lợi thế về tài nguyên rừng...Tập trung bảo vệ, khôi phục rừng, nhất là rừng đầu nguồn. Đẩy mạnh trồng rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững…”; “vùng Tây nguyên chú trọng khôi phục và phát triển kinh tế rừng”. Trong dự thảo Báo cáo 5 năm cũng nêu rõ, “Vùng trung du và miền núi phía Bắc tập trung bảo vệ, khôi phục rừng, nhất là rừng đầu nguồn, phát triển lâm nghiệp bền vững...”, “Vùng Tây Nguyên chú trọng khôi phục và phát triển kinh tế rừng”.

TS Cầm Văn Đoản, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Dân tộc, UBTƯ MTTQ Việt Nam. Ảnh: Kỳ Anh

Có thể thấy, từ khi hòa bình lập lại, trong các kỳ Đại hội Đảng, trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạnh phát triển kinh tế - xã hội đều đưa nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ số 1 của các tỉnh miền núi và Tây Nguyên. Trên cơ sở đó, chúng ta đã tổ chức thực hiện một loạt chương trình bảo vệ, phát triển rừng, trong đó có Chương trình 327, Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, Nghị quyết 73/2006/QH 11 của Quốc hội về việc điều chỉnh chỉ tiêu, nhiệm vụ của dự án trồng mới 5 triệu ha rừng trong giai đoạn 2006-2010. Nhiều cơ chế, chính sách được ban hành nhưng đến nay kết quả vẫn không được như mong muốn. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là người bảo vệ rừng, người trồng rừng chưa thể sống được và làm giàu được từ rừng.

Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu khoa học về lâm nghiệp còn rất yếu. Chúng ta có các giống để có thể phát triển rừng kinh tế: tre luồng Thanh Hóa, tre măng Bát độ, lục trúc, điền trúc, cây quế, cây hồi, mắc ca, dẻ Trùng Khánh, một số loài cây dược liệu dưới tán rừng... Đã có một số mô hình kinh doanh lâm sản hiệu quả nhưng việc nghiên cứu toàn diện về kỹ thuật nhân giống, trồng, thu hoạch, chế biến hầu như chưa có. Những mô hình ít được nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách, cũng như tổng kết.

Tránh “khoán trắng” cho các địa phương

Để khắc phục những tồn tại này, cần phải có một cuộc cách mạng mới trong lâm nghiệp. Phải thống nhất lại các quan điểm về phát triển rừng, gắn rừng với công nghiệp chế biến và du lịch, nghiên cứu khoa học. Cùng với đó, đổi mới cơ bản cơ chế chính sách quản lý, bảo vệ phát triển rừng; tổ chức sản xuất kinh doanh rừng theo chuỗi giá trị với sự tham gia liên kết của doanh nghiệp đầu tàu, đơn vị nghiên cứu khoa học, HTX dịch vụ và người dân làm lâm nghiệp.

Tăng cường bảo vệ và phát triển rừng. Nguồn: Internet

Cơ chế, chính sách mới phải đảm bảo cho người bảo vệ, phát triển rừng có thể sống được, làm giàu được, bao gồm cả vượt qua bẫy thu nhập trung bình từ rừng. Chỉ có như vậy thì rừng mới có thể được bảo vệ và phát triển, đồng bào các dân tộc thiểu số mới có thể làm giàu từ rừng được.

Đặc biệt, cần phải tiếp tục có Chương trình phát triển rừng bền vững trong kế hoạch 5 năm và 10 tới. Trong chương trình có chính sách hỗ trợ các đơn vị nghiên cứu khoa học về rừng, có chính sách hỗ trợ tổ chức sản xuất theo chuỗi, có chính sách đào tạo nhân lực cho ngành lâm nghiệp... Chương trình phải do Chính phủ trực tiếp điều hành tổ chức thực hiện, tránh “khoán trắng” cho các tỉnh.

Lê Hùng