Cần có mô hình mẫu về hỗ trợ tư vấn pháp lý, xã hội và chuyển gửi người tham gia cai nghiện ma túy

- Thứ Ba, 01/09/2020, 21:21 - Chia sẻ
Đó là một trong những đề xuất tại Hội thảo tổng kết Dự án thí điểm mô hình hỗ trợ tư vấn pháp lý, xã hội và chuyển gửi người tham gia cai nghiện ma túy do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp với các tổ chức SCDI, Samhsa tổ chức sáng ngày 1.9 tại Hà Nội.
Quang cảnh Hội thảo

Báo cáo tổng kết dự án cho thấy, sau hơn 1 năm triển khai thí điểm, mô hình đã cơ bản hình thành được mạng lưới chuyên môn có đầu mối là lực lượng công an phường, các bộ phận trung gian là điều phối viên, tư vấn viên gồm cán bộ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội và Trung tâm Y tế quận, cán bộ y tế ở trạm y tế phường, giám sát viên và điểm đích của mạng lưới là các cơ sở cung cấp dịch vụ theo khung kỹ thuật đã quy định nhằm giúp người nghiện được cung cấp các dịch vụ từ khâu tư vấn, khám bệnh ban đầu cho đến cắt cơn, hòa nhập cộng đồng. Hoạt động của mô hình cũng đề cao vai trò của lực lượng công an trong công tác phát hiện, tiếp cận, chuyển gửi người sử dụng ma túy, người cai nghiện ma túy tới các cơ sở cung cấp dịch vụ. Thông qua việc tham gia mô hình, cán bộ cơ sở đã được hướng dẫn kỹ năng chuyên môn về tiếp cận, tư vấn, đánh giá, sàng lọc và chuyển gửi đối tượng là người sử dụng ma túy và người nghiện ma túy được phát hiện...

Tại Hà Nội, kể từ khi mô hình hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy được chính thức triển khai, đến nay đã có hàng trăm người nghiện ma túy được tiếp cận, tư vấn và chuyển gửi trên địa bàn 6 phường của 2 quận Long Biên và Nam Từ Liêm... Hiệu quả bước đầu của mô hình đã được ghi nhận qua việc đóng góp vào việc nâng cao năng lực của các thành phần tham gia qua các khóa tập huấn, hướng dẫn kỹ năng chuyên môn về tiếp cận, tư vấn, đánh giá, sàng lọc, chuyển gửi cho đối tượng là người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy được phát hiện trên địa bàn... Tuy nhiên, do mô hình triển khai thực hiện có sự tham gia của nhiều ngành chuyên môn như tư pháp, y tế, công an... nên quá trình triển khai còn lúng túng, đôi khi không thực hiện được do không có ý kiến chỉ đạo của ngành dọc lãnh đạo về chuyên môn, nghiệp vụ...

Để Việt Nam có thể thực hiện hiệu quả hơn việc hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện hòa nhập cộng đồng trong thời gian tới, tại hội thảo các chuyên gia quốc tế gợi ý: bên cạnh việc nâng cao năng lực, nguồn lực cho các mô hình, Việt Nam cần triển khai mô hình mẫu về hỗ trợ tư vấn dịch vụ pháp lý, xã hội cho người tham gia cai nghiện ma túy. Bởi thực tế hiện nay, đã có rất nhiều các mô hình điều trị cai nghiện ma túy ngoài cộng đồng đạt hiệu quả, song nó lại chưa có tính kết nối toàn diện giữa các dịch vụ với nhau, điều này khiến việc hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy giảm hiệu quả.

Hải Thanh