Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV:

Cần cơ chế đặc thù đủ mạnh để thực hiện dự án

- Thứ Hai, 10/01/2022, 19:26 - Chia sẻ
Chiều 10.1, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

Tạo sức lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội

Đa số ĐBQH tán thành việc đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, bởi việc triển khai đầu tư Dự án phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 được thông qua tại Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 được Quốc hội Khóa XV thông qua; phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ và quy hoạch các ngành, các địa phương.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có năng lực lớn, an toàn giao thông, tốc độ cao; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại sẽ tạo sức lan tỏa để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Hoàng Văn Hữu (Bắc Kạn) nhận định, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là tuyến vận tải quan trọng, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo sức lan tỏa cao, đóng vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế và quốc phòng, an ninh của đất nước.

Tuy nhiên, nhìn từ thực tế các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn trước, ĐB Hoàng Văn Hữu cho rằng, do công tác chuẩn bị chưa lường hết những khó khăn phát sinh khi nhiều dự án đồng loạt triển khai dẫn đến thiếu vật liệu cục bộ, giá vật liệu tăng cao, ảnh hưởng đến tiến độ và tổng mức đầu tư. Do đó, đại biểu đồng tình với việc Quốc hội cho phép chủ đầu tư được khai thác các mỏ khoáng sản nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng làm vật liệu thông thường để thực hiện Dự án như dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Để bảo đảm công tác quản lý, ĐB Hoàng Văn Hữu đề nghị Chính phủ sớm có văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan và các địa phương thực hiện nghiêm các quy định về quản lý khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường; hướng dẫn các địa phương điều chỉnh quy hoạch mỏ, kế hoạch khai thác, đảm bảo khi triển khai thi công đáp ứng yêu cầu cung cấp vật liệu cho Dự án.

Ảnh: Quang Khánh

Xác định mốc thời gian cụ thể

Một vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm là tiến độ và thời gian thực hiện Dự án. Theo Tờ trình của Chính phủ, việc chuẩn bị Dự án được tiến hành trong hai năm 2021 - 2022; giải phóng mặt bằng, tái định cư thực hiện trong hai năm 2022 - 2023; khởi công năm 2023, áp dụng các công nghệ mới, giải pháp kỹ thuật tiên tiến nhằm đáp ứng yêu cầu cơ bản hoàn thành vào năm 2025. Với tiến độ nêu trên, trường hợp không phát sinh các tình huống phức tạp đến cuối năm 2025 có thể thông xe kỹ thuật toàn bộ các dự án thành phần và đưa vào khai thác một số đoạn tuyến, còn các đoạn tuyến phức tạp về kỹ thuật (các công trình cầu lớn, hầm lớn, xử lý đất yếu…) sẽ hoàn thành đưa vào khai thác năm 2026.

Tuy nhiên, ĐBQH Trần Quốc Quân (Long An) cho rằng, hiện nay đã là quý I.2022 nhưng vẫn chưa xây dựng được phương án đầu tư tổng thể cũng như việc triển khai các dự án thành phần, chưa thực hiện công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu thi công và triển khai thi công. Trong khi đó, thực tế để một dự án đầu tư công được phê duyệt và đưa vào thi công, khai thác mất rất nhiều thời gian và cần giải quyết nhiều vấn đề. Theo ĐB Trần Quốc Quân, “hiện nay chỉ còn có 4 năm để triển khai dự án từ công tác lập quy hoạch và triển khai thực hiện thì trong thực tế là không khả thi”.

Ảnh: Quang Khánh

Do đó, ĐB Trần Quốc Quân đề nghị, Bộ Giao thông và Vận tải cần xác định các mốc thời gian thực hiện một cách cụ thể, tránh việc triển khai thi công kéo dài, thay đổi quy mô đầu tư, đội vốn đầu tư do hạn chế trong công tác quản lý, năng lực thi công, yếu kém trong công nghệ và sự tác động của các yếu tố khách quan, chủ quan.

Cùng quan điểm này, ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đề nghị, cần có cơ chế đặc thù trong việc hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục Dự án như quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật…, tức là, phải có một cơ chế đủ mạnh để thực hiện. "Chính phủ có thể trình Quốc hội tạo điều kiện để có cơ chế đặc thù trong việc triển khai dự án này", ĐB Trần Đình Gia nhấn mạnh. 

T. Thành