Nhiều địa phương quan tâm, đầu tư cho trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Hồng Quất cho biết: Hiện, cả nước có hơn 20 địa phương đã và đang hình thành các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST), gần 100 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh đã và đang hoạt động; 60 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án 844 và sắp xếp nguồn lực triển khai tại địa phương. Đặc biệt, có 39 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết của HĐND quy định cơ chế tài chính cho hoạt động hỗ trợ KNĐMST. Trung tâm KNĐMST được xem là hạt nhân của hệ sinh thái KNĐMST, góp phần phát triển hệ sinh thái KNĐMST Việt Nam và khu vực. Thực tế cho thấy, các Trung tâm KNĐMST đã và đang phát huy vai trò của mình trong việc kết nối, hợp tác với chuyên gia, tổ chức quốc tế.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh khẳng định, Nghị quyết số 43/2019 của Bộ Chính trị về việc xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đây là định hướng quan trọng để phát triển hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Đà Nẵng. Tính đến nay, Đà Nẵng đã hình thành Trung tâm hỗ trợ KNĐMST thành phố và 2 trung tâm khởi nghiệp thuộc các trường đại học, 9 vườn ươm, 4 không gian sáng tạo, 9 không gian làm việc chung, 4 quỹ đầu tư khởi nghiệp và các câu lạc bộ khởi nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng cùng cộng đồng doanh nghiệp KNĐMST.
Cần thêm một hành lang pháp lý chung
Mặc dù xác định vai trò của hệ sinh thái KNĐMST trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nhưng hầu hết các chuyên gia, nhà quản lý khoa học và công nghệ địa phương đều cho rằng để phát triển hệ sinh thái KNĐMST cần thêm hành lang pháp lý chung về chính sách, nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, nguồn lực con người. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương cho rằng, bên cạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của ngành khoa học công nghệ đang bắt đầu được thúc đẩy khi hành lang pháp lý đã đầy đủ, như đã có luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nghị định hướng dẫn rõ ràng, thông tư định mức tài chính đầy đủ. Nếu ngành khoa học công nghệ không ban hành cơ chế tài chính cụ thể thì rất khó để triển khai các hoạt động hỗ trợ một cách đồng bộ. Ông Dũng đề xuất, để Trung tâm KNĐMST hoạt động hiệu quả thì nơi đây phải được cung cấp các dịch vụ công khác liên quan đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật, không gian làm việc, văn phòng làm việc cho startup, sử dụng trang thiết bị, địa điểm huấn luyện. Đồng thời, Trung tâm phải được tham gia đầu tư vào startups từ các nguồn tài chính thu được dựa trên cho việc cho thuê tài sản công và cung cấp dịch vụ về đổi mới sáng tạo và KNĐMST.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Đà Nẵng cho rằng, để trung tâm KNĐMST thành công thì mô hình nhất thiết phải hình thành một trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đủ mạnh với đầy đủ cơ chế pháp lý, chính sách ưu đãi phù hợp; có một nguồn nhân lực có đủ năng lực trí tuệ, bản lĩnh và đầy lòng nhiệt huyết với sự nghiệp ĐMST. Đặc biệt, mô hình phải là đơn vị sự nghiệp công, phi lợi nhuận. Nhà nước phải đảm bảo 100% kinh phí hoạt động, có như vậy mới đủ mạnh. Chung quan điểm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương Nguyễn Việt Long chia sẻ, hiện chúng ta còn thiếu sự định hướng mục tiêu cụ thể và hướng dẫn chung cũng như cơ chế, chính sách trong việc thúc đẩy phát triển KNĐMST ở các địa phương.
Dưới góc nhìn của nhà xây dựng chính sách, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là bàn về mô hình, mà mô hình phải gắn với thực tiễn. Tại Khoản 1, Điều 6, Luật Khoa học công nghệ nêu rất rõ nhà nước ưu tiên mọi nguồn lực để đầu tư cho khoa học công nghệ. Các văn bản pháp luật khác cũng không đáp ứng nhu cầu thực tiễn. “Đầu tư vào lĩnh vực này phải có yếu tố mở đường cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển hệ sinh thái từ địa phương đến Trung ương. Bộ Khoa học và Công nghệ cần tham mưu cho Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết để triển khai luật về đổi mới sáng tạo. Việc thiết kế chính sách phải gắn với việc bảo vệ người dám nghĩ dám làm trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo” ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ xác định việc hình thành và phát triển hệ thống các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên cả nước là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn này. Với vai trò quản lý nhà nước ở Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm đầu mối phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng hành lang pháp lý và các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, xây dựng các chính sách thử nghiệm, thí điểm phục vụ cho việc đẩy nhanh các sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp ra thị trường. Đồng thời, thực thi công tác tổng hợp, báo cáo, đánh giá, kiểm tra, đo lường các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá về hiệu quả hoạt động của các Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ kỹ thuật, kết nối các chuyên gia quốc tế cho các địa phương; hướng dẫn, quy định về tiêu chí công nhận, chức năng, nhiệm vụ của trung tâm KNĐMST, bảo đảm các trung tâm phát triển đồng bộ, hiệu quả.