Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân

Cần chế tài để giám sát hiệu quả

- Thứ Tư, 03/11/2021, 06:20 - Chia sẻ
Từ thực tế hoạt động giám sát của HĐND các địa phương cho thấy, cần có Nghị quyết hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với một số nội dung để triển khai thực hiện thống nhất. Trong đó, không nên quy định lại những nội dung đã rõ mà nên tập trung hướng dẫn những nội dung mới, khó, thực tế còn vướng mắc. Đặc biệt, cần có chế tài tạo thuận lợi cho hoạt động giám sát, để giám sát hiệu quả và thể hiện được vai trò, vị thế của HĐND.

Nguyễn Thị Oanh, Phó chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Đồng Nai

Không quy định lại những nội dung đã rõ

Do Nghị quyết hướng dẫn Luật nên bố cục của Nghị quyết cần bám sát trình tự các quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND để  tạo sự thống nhất và thuận lợi trong triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, thực hiện nguyên tắc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, những nội dung nào đã được quy định rõ sẽ không quy định nhắc lại để tránh trùng lắp. Trong trường hợp cụ thể, về vấn đề này là giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực, các Ban HĐND, thiết nghĩ quy định tại Luật đã đủ để các địa phương thực hiện.

HĐND tỉnh Đồng Nai giám sát việc thực hiện chính sách cho người không chuyên trách cấp xã - ẢNH TRẦN DANH
HĐND tỉnh Đồng Nai giám sát việc thực hiện chính sách cho người không chuyên trách cấp xã
Ảnh: Trần Danh

Về đối tượng được hướng dẫn là HĐND 3 cấp. Thực tế, quy mô tổ chức của các cơ quan của HĐND các cấp không tương đồng nhau, phạm vi tác động từ hoạt động giám sát của HĐND mỗi cấp cũng khác nhau. Trong đó, HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền ban hành các chính sách mới ở địa phương nên việc giám sát cần phải chặt chẽ hơn. Do đó, hướng dẫn nên quy định riêng cho từng cấp và trình tự cho cấp xã cần đơn giản hơn.

Cũng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khi xây dựng văn bản cần lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động, do đó cần triển khai lấy ý kiến của HĐND ba cấp. Trong điều kiện hiện nay, thiết nghĩ có thể tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để HĐND các địa phương có điều kiện tham gia góp ý.

Tập trung hướng dẫn những nội dung mới, khó

Kể từ khi triển khai thực hiện Luật đến nay, điều mà các địa phương rất cần là hướng dẫn quy trình, trình tự giám sát giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân và giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri theo Điều 73, Điều 74 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; hướng dẫn quy trình giám sát của Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và giám sát của đại biểu HĐND ba cấp. Bởi đây là những quy định mới (giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri) và rất khó (giám sát giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo).

Bên cạnh đó, để Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện triển khai hoạt động giám sát, cần có hướng dẫn trình tự, thủ tục ban hành các văn bản phục vụ hoạt động giám sát của Tổ đại biểu. Sở dĩ cần quy định này là vì Tổ đại biểu thực hiện giám sát theo quy định Luật Hoạt động giám sát, tuy nhiên Tổ đại biểu không được Luật Tổ chức chính quyền địa phương công nhận là cơ quan của HĐND như Thường trực và các Ban HĐND. Vì vậy, để bảo đảm cơ sở pháp lý, hiệu quả giám sát của Tổ đại biểu, cần ban hành các văn bản liên quan đến hoạt động giám sát theo đúng quy định.

Cần chế tài tạo thuận lợi cho hoạt động giám sát

HĐND thực hiện hai chức năng quan trọng là quyết định và giám sát, vì vậy sau khi quyết định, HĐND cần giám sát để nắm được kết quả đi vào cuộc sống của các nghị quyết đã ban hành, từ đó có những kiến nghị để điều chỉnh hoặc kiến nghị để việc thực hiện hiệu quả hơn. Tuy nhiên, Luật Hoạt động giám sát chưa quy định rõ nội dung này mà chỉ đề cập đến việc giám sát việc thực thi pháp luật ở địa phương. Vì vậy, Nghị quyết hướng dẫn cần quan tâm đến nội dung giám sát đối với “Kết quả thực hiện các Nghị quyết của HĐND”.

Chất vấn là một hoạt động giám sát quan trọng của HĐND, thể hiện rõ vai trò quyền lực nhà nước của địa phương và thực tế đây là hoạt động được đặc biệt quan tâm. Luật quy định HĐND xem xét trả lời chất vấn của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, Ủy viên UBND, Chánh án Tòa án Nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp. Tuy nhiên, trong thực tế có những nội dung chất vấn cần có sự tham gia trả lời, giải trình của một số chủ thể khác để làm rõ hơn vấn đề, như Chủ tịch UBND cấp dưới hay các cơ quan có liên quan khác.

Đồng thời, cần bổ sung đối tượng tham dự để trả lời chất vấn là các cá nhân khác theo đề nghị của các Ban HĐND. Vì thực tế tại địa phương, một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn (Cục Thi hành án dân sự, Cục Quản lý thị trường, Cục Thuế…) không thuộc UBND nhưng trong quá trình hoạt động vẫn có nhiều nội dung cử tri quan tâm, đại biểu cần chất vấn người đứng đầu (điều này vẫn phù hợp quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND).

Một nội dung quan trọng HĐND nhiều địa phương quan tâm là cần có chế tài gì để tạo thuận lợi cho hoạt động giám sát, để giám sát hiệu quả và thể hiện được vai trò, vị thế của HĐND. Chế tài này, thiết nghĩ là quy định về quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát để phát huy trách nhiệm của cơ quan đó trong việc chấp hành hoạt động giám sát của HĐND.

HĐND các cấp đã trải qua gần một năm hoạt động và hiện nay đang “tăng tốc” sau một thời gian giãn cách vì dịch bệnh. Các địa phương đang rất mong muốn có một hướng dẫn cụ thể, thiết thực tạo thuận lợi thực hiện nhiệm vụ đại diện của mình.