Ý kiến:

Cần chặt chẽ, khả thi và phù hợp hơn với yêu cầu hội nhập quốc tế

- Chủ Nhật, 24/10/2021, 06:18 - Chia sẻ

Lê Anh Tuấn - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh

Ảnh: Quang Khánh

Luật Điện ảnh năm 2006, sửa đổi năm 2009 được ban hành vào thời điểm điện ảnh đang tồn tại dưới dạng truyền thống (điện ảnh phim nhựa) mà chưa chuyển sang điện ảnh kỹ thuật số. Do đó, không còn phù hợp với tình hình phát triển mới của điện ảnh hiện nay. Năm 2006 cũng là thời điểm Bộ Văn hóa và Thông tin được chia tách thành Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông; là thời điểm điện ảnh và truyền hình được tách ra trong khi về bản chất là hai lĩnh vực rất gần nhau, có thể bổ trợ cho nhau.

Điện ảnh với vị trí, vai trò là ngành nghệ thuật tổng hợp, vừa là ngành công nghiệp, mang tính hàng hóa, vừa mang tính dịch vụ nên chắc chắn sẽ được điều chỉnh bởi nhiều lĩnh vực pháp luật khác có liên quan, như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Sở hữu trí tuệ, pháp luật về dân sự (gắn với quyền tác giả, tác phẩm), Luật Quảng cáo, Luật An ninh mạng… Đồng thời, cũng phải tuân thủ các cam kết quốc tế trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia (các Hiệp định trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới - WTO, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - EVFTA…) Vì vậy, quá trình xây dựng các nội dung quy phạm cần bảo đảm tính thống nhất với các đạo luật liên quan cũng như các cam kết quốc tế và quá trình thi hành luật này cần có sự áp dụng phối hợp với các luật chuyên ngành.

Với các nội dung cụ thể, dự thảo Luật dường như vẫn còn tư duy bao cấp, chẳng hạn như các quy định về giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng tại Điều 15 dự thảo Luật, trong khi hiện nay, các hãng phim đã được cổ phần hóa.

Do tính chất mở của các cam kết quốc tế của Việt Nam đối với lĩnh vực điện ảnh khi gia nhập WTO và các cam kết khi phê chuẩn CPTPP và EVFTA (không có bảo lưu nào trong lĩnh vực điện ảnh) nên dự thảo cơ bản không có nội dung nào trái với cam kết quốc tế. Tuy nhiên, cần làm rõ cơ sở nào để quy định phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 51% vốn điều lệ tại Điểm a, Khoản 1, Điều 9 dự thảo Luật. Bởi theo các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO và các cam kết khác đều không quy định khống chế mức góp vốn trong lĩnh vực điện ảnh của nhà đầu tư nước ngoài. Đây là lĩnh vực được khuyến khích và khi gia nhập WTO, Việt Nam còn cam kết bỏ hạn ngạch xuất nhập khẩu đối với các sản phẩm điện ảnh.

Về quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, cần cân nhắc việc thành lập quỹ này, bởi dự thảo Luật chưa làm rõ nguồn thu tài chính từ đâu.

Hiện nay, các loại phim trên môi trường internet, dịch vụ truyền hình xuyên biên giới phát triển mạnh mẽ. Hàng tháng có hàng nghìn bộ phim có doanh thu rất lớn, như Trò chơi con mực có doanh thu 900 triệu USD trên kênh Netflix... Việc quản lý, kiểm tra đối với loại hình phổ biến này như thế nào cần được quan tâm (doanh nghiệp ở nước ngoài, khách hàng trả tiền qua tài khoản nước ngoài). Quy định như Khoản 5, Điều 22 dự thảo Luật chỉ quy định tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ phổ biến phim trên không gian mạng vào Việt Nam chỉ phải cung cấp đầu mối liên hệ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Giải pháp pháp lý này liệu có làm cho công tác quản lý hiệu quả, chặt chẽ không? Đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu để có quy định chặt chẽ, khả thi hơn.

Anh Phương lược ghi