Vụ ám sát nhà khoa học Iran

Cần cái đầu lạnh trước thời điểm nóng

- Thứ Ba, 01/12/2020, 07:02 - Chia sẻ
Vụ nhà khoa học hàng đầu Iran bị giết hại trong một cuộc phục kích gần Thủ đô Tehran hôm 27.11 có thể kích động cuộc đối đầu giữa Iran và các nước đối thủ trong những tuần cuối cùng nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump; đồng thời sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực của ông Joe Biden nhằm hồi sinh di sản của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama. Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, những người khôn ngoan cần tỉnh táo để phản ứng trong bối cảnh nhạy cảm hiện nay.

Thời điểm nhạy cảm

Nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh đã qua đời tại bệnh viện sau khi những kẻ ám sát có vũ trang dùng súng bắn ông trong xe hơi ở thành phố Absard, gần Thủ đô Tehran, hôm 27.11.

Ngày 29.11, Cố vấn cấp cao của Đại giáo chủ Iran, đồng thời là người đứng đầu Hội đồng Chiến lược về quan hệ đối ngoại của Iran, ông Kamal Kharrazi tuyên bố, Tehran sẽ đáp trả quyết đoán và “có tính toán” đối với vụ việc này; đồng thời khẳng định công trình nghiên cứu của ông Fakhrizadeh sẽ tiếp tục được thực hiện.

Xe của nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh trong vụ tấn công hôm 27.11 Nguồn: Skynews
Xe của nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh trong vụ tấn công hôm 27.11
Nguồn: Skynews

Tổng thống Iran Hassan Rouhani thì gọi vụ sát hại (diễn ra gần Tehran) là hành động khủng bố, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif viết trên Twitter về "những dấu hiệu nghiêm trọng cho thấy vai trò của Israel". Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Iran Amir Hatami nói với Đài Truyền hình nhà nước Iran rằng vụ sát hại rõ ràng có liên quan đến vụ Mỹ ám sát Tướng Qassem Soleimani trong vụ không kích hồi tháng 1.

Theo hãng tin Reuters, Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các chỉ huy quân đội cấp cao. Trong khi đó, Tướng Hossein Dehghan, cố vấn quân sự của Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, tuyên bố sẽ tung đòn sấm sét vào những kẻ gây ra vụ việc. Vị tướng này cũng khẳng định Israel đã cố tình sát hại ông Fakhrizadeh để kích hoạt một cuộc chiến giữa Mỹ và Iran trong những ngày còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump.

Trước vụ việc hôm 27.11, đã có 4 nhà khoa học hạt nhân Iran bị ám sát kể từ năm 2010 mà Tehran nhiều lần cáo buộc cơ quan tình báo Mỹ và Israel thực hiện. Mặc dù các quan chức Israel không đưa ra bình luận về vụ việc hôm 27.11 nhưng nước này từ lâu đã xem nỗ lực nghiên cứu hạt nhân của Iran là một trong những mối đe dọa an ninh quốc gia lớn nhất đối với họ. Ông Fakhrizadeh, người được phương Tây cho là đứng đầu chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Iran, cũng là nhân vật trung tâm trong một bài thuyết trình của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu năm 2018, thời điểm Israel cáo buộc Iran tiếp tục phát triển vũ khí nguyên tử. Giới phân tích cho rằng việc sát hại ông Fakhrizadeh có thể tạo ra áp lực chính trị để Iran khôi phục kho nhiên liệu hạt nhân mà nước này từ bỏ năm 2015.

Khởi đầu khó khăn

Vụ ám sát ông Mohsen Fakhrizadeh sẽ khiến cho khả năng tái khởi động tiến trình ngoại giao giữa Washington và Tehran theo cam kết của ông Joe Biden trở nên khó khăn hơn. Ông Trita Parsi, Phó Chủ tịch Viện Quincy, một tổ chức tư vấn ở Washington, DC, cho biết ông Biden, từng đóng vai trò Phó Tổng thống khi Tổng thống Barack Obama ký hiệp định hạt nhân với Iran và 5 cường quốc khác năm 2015, “sẽ cần bắt đầu ngoại giao nhanh hơn, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và quay trở lại thỏa thuận hạt nhân” để hàn gắn mối quan hệ Mỹ - Iran.

“Bạn có thể tưởng tượng Mỹ sẽ cởi mở như thế nào đối với các cuộc đàm phán. Nhưng trước khi họ có thể bắt đầu, người Iran sẽ làm điều gì đó trả đũa Israel hoặc chống lại chính Mỹ”, ông Trita Parsi nhận định. Ông Parsi cho rằng vụ ám sát Fakhrizadeh, một nhà vật lý hạt nhân cấp cao và là người đứng đầu Tổ chức Nghiên cứu và Đổi mới thuộc Bộ Quốc phòng Iran, đã tạo ra một tình huống "kiểu gì cũng thắng" cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Theo chuyên gia này, nếu Chính phủ Iran đáp trả, ông Netanyahu có thể kéo Washington vào một cuộc đối đầu quân sự với Tehran, trong khi nếu Iran tỏ ra kiềm chế, thì vụ ám sát cũng đã gây ra bầu không khí căng thẳng khiến hoạt động ngoại giao của Mỹ với Iran trở nên khó khăn hơn.

Giới chức Mỹ và Iran đang hy vọng thảo luận về các vấn đề khác, chẳng hạn như tên lửa đạn đạo và chính trị khu vực, nhưng vụ ám sát hôm 27.11 đã khiến viễn cảnh về điều đó trở nên khó khăn hơn. “Khả năng người Iran có thể cởi mở để thỏa hiệp và giao kết rõ ràng đã bị tổn hại nghiêm trọng”, ông Parsi nhận xét.

Trong khi đó, ông Robert Malley, cựu cố vấn về vấn đề Iran dưới thời Tổng thống Obama và là cố vấn không chính thức cho nhóm của ông Biden, cho biết vụ sát hại ông Fakhrizadeh nằm trong loạt diễn biến những tuần cuối cùng nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump sẽ khiến ông Biden khó tái tương tác với Iran hơn. Cố vấn này nhận định: "Một mục tiêu đơn giản là gây thiệt hại cho Iran về mặt kinh tế và chương trình hạt nhân nhiều nhất có thể và mục đích khác có thể làm phức tạp khả năng của ông Biden trong việc nối lại hoạt động ngoại giao và thỏa thuận hạt nhân".

Năm 2018, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran lịch sử trong nỗ lực cô lập Tehran, đồng thời tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các ngành công nghiệp cũng như các quan chức chủ chốt của Iran. Giới phân tích và quan sát chính trị đã bày tỏ lo ngại ông Donald Trump sẽ có thêm hành động cứng rắn nhằm gây bất ổn hơn nữa cho Iran và các đồng minh ở Trung Đông, qua đó đặt chính quyền kế nhiệm của ông Biden vào tình thế khó khăn sau khi nhậm chức.

Cả ông Donald Trump và ông Biden đều không bình luận trực tiếp về vụ ám sát nhà khoa học Fakhrizadeh. Tuy nhiên, nhiều quan chức hàng đầu hiện nay và cựu quan chức Mỹ đã công khai mối quan ngại, trong đó có cả cựu Giám đốc CIA John Brennan, người đã gọi vụ tấn công là “hành động tội phạm và rất liều lĩnh”.

Aaron David Miller, một thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, cho biết vụ ám sát xảy ra vào thời điểm "dễ bắt lửa”. “Giai đoạn chuyển giao giữa hai chính quyền là thời điểm rất nhạy cảm và bất kỳ sự việc nào xảy ra vào thời điểm này đều có thể khiến đám cháy bùng phát”.

"Sẽ là khôn ngoan nếu các nhà lãnh đạo Iran chờ đợi sự trở lại của giới lãnh đạo Mỹ có trách nhiệm trên trường quốc tế và chống lại sự thôi thúc phản ứng đáp trả các thủ phạm tình nghi”, ông Brennan “nhắn nhủ” Tehran trên Twitter, cho rằng họ nên chờ đợi chính sách mới của chính quyền hậu Donald Trump.

Đạt Quốc