Nhịp cầu

Cần cách tiếp cận mới về giảm nghèo

- Thứ Ba, 23/02/2021, 09:17 - Chia sẻ
5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, Lào Cai giảm được trên 5% hộ nghèo trên toàn tỉnh. Hiệu quả đầu tư các công trình được nâng cao, các mô hình giảm nghèo được nhân rộng đã tác động không nhỏ đến công tác giảm nghèo của các xã, thôn đặc biệt khó trên địa bàn.

Cụ thể, kết cấu hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư nâng cấp, nổi bật là hệ thống giao thông nông thôn đã tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội. Năng suất, chất lượng của cây trồng, vật nuôi được nâng lên. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp trên một đơn vị diện tích đất canh tác tăng cao; đời sống của người dân khu vực nông thôn được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; an sinh xã hội ngày càng được bảo đảm, dân chủ ở cơ sở được phát huy. Riêng năm 2020, kết quả giảm nghèo toàn tỉnh Lào Cai là 3,26/3%, đạt 108,72 % kế hoạch, tương ứng giảm 5.385 hộ nghèo; số hộ nghèo toàn tỉnh là 14.322 hộ, chiếm 8,20%; số hộ cận nghèo là 16.370 hộ, chiếm 9,37%.

Bên cạnh đó, với phương châm cho người nghèo cần câu, hạn chế cho con cá nên việc đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh cho người nghèo và cận nghèo được hết sức quan tâm, cùng với giải quyết việc làm sau đào tạo. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 65.970 người, đạt 110% kế hoạch. Đáng ghi nhận là việc triển khai thực hiện Chương trình đã tập hợp được sức mạnh đoàn kết, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong giảm nghèo, nhất là ở khu vực nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, trong 14.322 hộ nghèo của năm 2021, chiếm 8,20% dân số của cả tỉnh (tính theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2021), chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại những xã, thôn khó khăn và đặc biệt khó khăn của tỉnh, trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, vẫn còn có tư tưởng thụ động, trông đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Số hộ cận nghèo tuy giảm hàng năm nhưng chưa thực sự bền vững vì các hộ thoát nghèo chủ yếu là hộ thuần nông, người dân tộc thiểu số, sống ở vùng khó khăn, thường xuyên chịu ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh nên tình trạng tái nghèo rất dễ xảy ra.

Vì vậy, rất cần cách tiếp cận mới để từng bước khắc phục tâm lý trông chờ, ỷ lại, tiến tới xóa nghèo bền vững cho người dân ở những vùng này. Đơn cử như việc cần nghiên cứu thấu đáo các chính sách hỗ trợ lãi suất cho người dân thoát nghèo để vươn lên làm giàu. Tăng cao hơn hạn mức cho vay, tạo điều kiện tối đa cho các nhóm hộ, tổ sản xuất, hợp tác xã hoặc doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ở vùng sâu, vùng xa, có sử dụng lao động là các hộ nghèo. Bên cạnh đó, nên cho các hộ nghèo đăng ký thoát nghèo với thời hạn cụ thể và có chính sách khen thưởng kịp thời để động viên khuyến khích họ vươn lên thoát nghèo.

NGÔ QUYỀN