Xóa đói, giảm nghèo ở vùng “lõi nghèo”

Cần cách tiếp cận mới

- Thứ Tư, 16/12/2020, 06:17 - Chia sẻ
4 năm qua, kết quả giảm nghèo ở những vùng “lõi nghèo” đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nhiều thách thức trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo vẫn đang đặt ra với khu vực này, đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới. Theo đó, không chỉ thực hiện bằng chính sách giảm nghèo, cần kết hợp với chính sách dân tộc, gia tăng nguồn lực đầu tư…

Chuyển biến tích cực từ “lõi nghèo”

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, các đại biểu tham dự đều ghi nhận, đánh giá cao những chuyển biến tích cực từ khu vực “lõi nghèo” của cả nước thời gian qua. Tính đến cuối năm 2019, đã có 8/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, đạt 12,5%, 14/30 huyện nghèo hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a đã thoát khỏi tình trạng khó khăn. Với các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, hiện đã có 103/292 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, trong đó có 99 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, dù công tác giảm nghèo gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt được mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân 4%/năm.

Đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu trong phiên thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia phát
triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 tại Kỳ họp thứ 9
Ảnh: Q. Khánh

Một đổi thay khác ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đến nay, 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm, 99% trung tâm xã và 80% thôn đã có điện. 100% đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo có bảo hiểm y tế miễn phí. Hệ thống giao thông, đặc biệt là ở miền núi, đã rút ngắn thời gian đi lại, thúc đẩy thương mại dịch vụ, tạo việc làm. Như tại xã Chế Tạo, xã Chế Cu Nha của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, trước đây từ trung tâm huyện xuống xã phải mất 4,5 tiếng đi bộ, nhưng nay chỉ mất 45 phút đi ô tô hoặc xe máy. Hay xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, trước đây từ trung tâm huyện tới xã đi bộ mất 9 tiếng, nay chỉ mất khoảng 30 phút đi ô tô hoặc xe máy.

Là một trong những tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước, song Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý cho biết, với sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan trung ương, thực hiện tốt công tác xã hội hóa, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm từ mức 43,65% năm 2016 xuống còn 21,12% hiện nay, bình quân mỗi năm giảm 4,2% tỷ lệ hộ nghèo. Không chỉ dừng lại ở số liệu, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang cho biết, đời sống văn hóa của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao, chất lượng sống không ngừng được cải thiện, nhất là về điều kiện nhà ở. Nhiều người nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, hưởng thụ tốt hơn các dịch vụ công cộng và thành tựu phát triển kinh tế - xã hội.

Thách thức vẫn còn đó

Măc dù tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, nhưng nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao trên 50%. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chiếm trên 58,3% tổng số hộ nghèo cả nước (cuối năm 2019) và chiếm hơn 90% tổng số hộ nghèo chung tại các huyện nghèo. Thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 2/5 mức thu nhập bình quân của cả nước.

Đầu tư hệ thống hạ tầng cơ sở tại khu vực miền núi, dân tộc thiểu số đã giúp thay đổi diện mạo tại địa bàn này. Tuy nhiên, yếu tố tác động trực tiếp, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống và cũng góp phần bảo đảm thoát nghèo bền vững là tạo sinh kế cho người dân. Nhìn từ góc độ này, nhiều đại biểu tham dự hội nghị chưa yên tâm khi kinh phí đầu tư, hỗ trợ cho sản xuất chiếm tỷ trọng thấp trong tổng nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

Đất ở, đất sản xuất là tư liệu sản xuất quan trọng với đồng bào dân tộc thiểu số, thậm chí giải quyết nhu cầu này được xác định là nhiệm vụ quan trọng, tác động đa chiều về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, công tác này chưa thực sự chuyển biến tích cực do tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số được giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng còn rất thấp. Việc phát triển công nghiệp dịch vụ phục vụ nông nghiệp cho các huyện nghèo chưa được chú trọng, chưa kết nối sản xuất với thị trường. Thậm chí, theo phản ánh của đại diện lãnh đạo một số tỉnh, việc giao vốn, cấp phát giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ sản xuất thường chậm so với thời điểm mùa vụ, một số trường hợp chưa phù hợp với địa bàn dẫn đến hiệu quả thấp.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, công tác giảm nghèo cơ bản đã được hoàn thành ở những địa bàn, đối tượng thuận lợi, số còn lại là địa bàn đặc biệt khó khăn, đối tượng yếu thế, dễ tổn thương nhất. Do vậy, thời gian tới, cần có cách tiếp cận mới cả về nhận thức, hành động thì mới đạt được kết quả như mong muốn. Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, ở miền núi chiếm tỷ lệ cao trong tổng số hộ nghèo cả nước, có những tỉnh chiếm trên 80%, nên nếu chỉ thực hiện bằng chính sách giảm nghèo sẽ khó đạt kết quả tốt. Do đó, thay vì thực hiện từng chính sách riêng rẽ, cần kết hợp chính sách giảm nghèo với chính sách dân tộc, tăng nguồn lực đầu tư cho khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Ngay sau đó, tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội đã thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, với tổng nguồn vốn dự kiến là 137 nghìn tỷ đồng. Chính phủ đang xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, dự kiến sẽ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư trong năm 2021, cũng như một số chương trình mục tiêu quốc gia khác.

Các chương trình mục tiêu quốc gia đã được ban hành hay đang xây dựng sẽ tạo xung lực mới cho khu vực “lõi nghèo” hiện nay là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số thực hiện những mục tiêu đề ra. Nhưng, không chỉ lồng ghép hai chương trình mục tiêu quốc gia nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh lưu ý, phải bảo đảm không có sự chồng lấn chính sách giữa tất cả các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 do Chính phủ đang đề xuất. Thậm chí, ngay từ khi đề xuất chủ trương đầu tư đã phải rà soát kỹ các mục tiêu, đối tượng, địa bàn thực hiện, các hợp phần, dự án, tiểu dự án của 3 chương trình mục tiêu quốc gia để có thể lồng ghép trong quá trình triển khai.

Lê Bình