Cân bằng giữa hai mong muốn

- Thứ Tư, 26/08/2020, 08:01 - Chia sẻ
“Áp lực đối với các quận nội đô Hà Nội hiện nay đã rất bế tắc”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nói tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về việc xóa điều kiện đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương trong dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) vài tháng trước.

Phác thảo nhanh bức tranh “bế tắc” này từ quận Hoàn Kiếm, ông Huệ cho biết, là quận trung tâm của Hà Nội nhưng với diện tích chỉ có hơn 5km2, phải đến đại hội Đảng bộ quận vừa qua, Hoàn Kiếm mới đặt mục tiêu phấn đấu trường chuẩn quốc gia đến năm 2025 đạt khoảng 80%, hiện tại mới chỉ đạt 65%. Trong khi đó, một huyện ngoại thành như Đan Phượng hiện cũng đã đạt 100% trường chuẩn quốc gia với khoảng 90% đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1, còn lại là chuẩn quốc gia cấp độ 2.

Lý do khiến một quận trung tâm thủ đô lại thua huyện ngoại thành như vậy, theo ông Huệ là bởi Hoàn Kiếm không có đất để xây trường. Muốn trường đạt chuẩn quốc gia thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn rất chặt chẽ nhưng nếu muốn tăng thêm chiều cao của trường thì lại “động” đến quy định của xây dựng. Trường mầm non không được quá 3 tầng, xây lên nữa là không được. Bộ Xây dựng yêu cầu phải thỏa thuận đối với từng dự án một hoặc mật độ xây dựng không được quá 40% bởi vì trường học còn liên quan đến vấn đề cứu hộ, cứu nạn và phòng cháy, chữa cháy rất nghiêm ngặt, ví dụ, đường nội bộ ít nhất phải 3,5m để các phương tiện cứu hỏa vào được...

Không chỉ Hoàn Kiếm mà tình trạng bị quá tải về kết cấu hạ tầng, các thiết chế giáo dục, y tế, văn hóa… không theo kịp tốc độ tăng dân số cơ học còn xảy ra và sẽ ngày càng bức xúc tại các quận của Hà Nội cũng như các thành phố trực thuộc Trung ương khác. Nhưng liệu có thể xử lý bài toán nan giải này chỉ bằng các biện pháp hành chính như siết chặt điều kiện đăng ký thường trú? 

Để trả lời câu hỏi này, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã đi khảo sát, làm việc với các cơ quan trực tiếp đăng ký, quản lý cư trú ở các thành phố trực thuộc Trung ương. Câu trả lời được chính các cơ quan này đưa ra là, việc áp dụng các điều kiện riêng về đăng ký thường trú đối với các thành phố trực thuộc Trung ương thời gian qua chưa thực sự hiệu quảchỉ giúp hạn chế được số lượng người đăng ký thường trú chứ không hạn chế được việc người dân chuyển đến lao động, học tập, sinh sống tại các đô thị lớn vì các đô thị này luôn có cơ hội tìm kiếm việc làm, thu nhập tốt hơn

Mặt khác, cùng với đề xuất bỏ quy định về điều kiện đăng ký thường trú riêng của các thành phố trực thuộc Trung ương, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) cũng đã bổ sung điều kiện về diện tích bình quân tối thiểu của nơi ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ để được đăng ký thường trú. “Thực chất, đối với thành phố trực thuộc Trung ương chỉ là bỏ điều kiện về thời gian tạm trú để được đăng ký thường trú. Như vậy sẽ chỉ tăng số người dân có đăng ký thường trú chứ hầu như không dẫn đến tăng dân số cơ học”, Thường trực Ủy ban Pháp luật khẳng định.

Nói cách khác, việc đặt ra các điều kiện riêng, áp dụng các biện pháp có tính chất hành chính, mệnh lệnh chỉ dễ hơn cho chính quyền các địa phương trong công tác quản lý - không có nghĩa là quản lý nhà nước về cư trú sẽ hiệu quả hơn - trong khi sẽ tạo ra những rào cản, ngăn trở thực hiện đầy đủ quyền tự do cư trú của công dân. 

Để giải quyết các vấn đề về tăng dân số cơ học quá nhanh tại các đô thị vượt quá khả năng đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật đô thị và năng lực quản lý của chính quyền, gây áp lực cho hệ thống y tế, giáo dục đang diễn ra ở các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, rõ ràng, phải tính đến các giải pháp tổng thể về quy hoạch, về chính sách đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Nếu địa phương nào cũng cứ chạy đua xây dựng các trung tâm thương mại, các khu đô thị, các khu nhà ở cao tầng, phát triển nóng, tận dụng nguồn lực "vàng", "kim cương" mà đất đai đô thị mang lại, sẵn sàng điều chỉnh, thậm chí "băm nát" quy hoạch thì dù có siết điều kiện đăng ký thường trú ngặt nghèo hơn nữa cũng không thể giải quyết được bài toán quá tải hạ tầng.

Là luật "gốc" về quyền cư trú của công dân và công tác quản lý nhà nước về cư trú, Luật Cư trú trước hết phải bảo đảm tinh thần của Hiến pháp về quyền tự do cư trú của công dân. Dẫu vậy, đúng như nhận xét của nhiều đại biểu Quốc hội, có sự mâu thuẫn khi chúng ta vừa mong muốn thực hiện đầy đủ quyền tự do cư trú của công dân lại vừa mong muốn quản lý chặt chẽ hơn về cư trú, hạn chế đến mức thấp nhất những tác động về mặt kinh tế - xã hội phát sinh khi công dân được thực hiện quyền tự do cư trú của mình. Nếu chỉ đạt được một trong hai mục tiêu này hoặc nghiêng về mục tiêu nào thì việc sửa đổi toàn diện Luật Cư trú cũng chưa thành công. 

Đầu tháng 9 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các đại biểu Quốc hội chuyên trách để tiếp tục thảo luận về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của 2 dự án Luật, trong đó có dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Với việc thảo luận sâu hơn, có thời gian để tranh luận, phản biện nhiều hơn giữa các đại biểu chuyên trách với các cơ quan liên quan, hy vọng rằng, dự luật này sẽ cân bằng được cả hai mong muốn đặt ra, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.  

Hải Lam