Sổ tay

Cải thiện nhưng vẫn còn rào cản

- Thứ Hai, 11/01/2021, 07:37 - Chia sẻ

Từ năm 2014 đến nay, hằng năm Chính phủ đều ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia,  bám sát vào các bộ chỉ số của các cơ quan thuộc hệ thống của Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế có uy tín như Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn Kinh tế thế giới.

Với nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại các nghị quyết, thứ hạng của Việt Nam trong tất cả các bảng xếp hạng quan trọng của quốc tế đều được cải thiện. Chẳng hạn, xếp thứ 70 về Môi trường kinh doanh, tăng 20 bậc so với năm 2015 (theo công bố của Ngân hàng Thế giới - WB năm 2019); xếp thứ 67 về Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0, tăng 10 bậc so với năm 2018 (theo công bố của Diễn đàn Kinh tế thế giới - WEF năm 2019)… Đặc biệt, xếp hạng về phát triển bền vững tăng 34 bậc, từ thứ 88 năm 2016 lên thứ 49 năm 2020. Ngoài ra, một số chỉ số, tiêu chí cụ thể trong các bộ chỉ số được ghi nhận tiến bộ vượt bậc như: Tiếp cận điện năng tăng 81 bậc, xếp thứ 27; ứng dụng công nghệ thông tin tăng 54 bậc, xếp thứ 41…

Bên cạnh đó, qua gần 7 năm thực hiện cải thiện chỉ số, hàng nghìn rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh đã được dỡ bỏ. Điển hình, nhiều thủ tục hành chính được bãi bỏ, đơn giản hóa nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí cho doanh nghiệp, điển hình như: Luật Doanh nghiệp 2020 đã bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu, thực hiện đăng ký doanh nghiệp online; các thủ tục khởi sự kinh doanh được thực hiện theo phương thức liên thông…; Luật Đầu tư 2020 đã giảm số ngành nghề kinh doanh có điều kiện từ 243 xuống còn 227; từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhất là trong giai đoạn từ 2018 - 2020, đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ thụ hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.

Cũng trong thời gian này, việc giải quyết thủ tục hành chính thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông được triển khai có hiệu quả và đi vào nền nếp; cả nước có 59/63 Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, tỷ lệ giải quyết đúng hẹn đạt 97,37%... Cổng Dịch vụ công Quốc gia sau hơn 1 năm đi vào hoạt động đã tích hợp, cung cấp hơn 2.700 dịch vụ công trực tuyến/ 6.798 thủ tục hành chính…

Tuy nhiên, kết quả thực hiện cho thấy, còn nhiều quy định, điều kiện kinh doanh đang là rào cản, gây khó khăn cho doanh nghiệp; công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển biến chậm, chưa đáp ứng mục tiêu và yêu cầu đề ra. Mặc dù, có sự cải thiện về thứ hạng, nhưng chất lượng môi trường kinh doanh (thể hiện thông qua điểm số) tăng còn ít và chậm so với các quốc gia trong khu vực. Chính vì lẽ đó, để đạt mục tiêu đưa môi trường kinh doanh nước ta vào nhóm 4 nước đứng đầu ASEAN thì các bộ, ngành địa phương vẫn còn nhiều việc phải làm, với những giải pháp mạnh mẽ hơn.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, các ngành, địa phương cần khắc phục ngay những hạn chế, vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị theo hướng xác định rõ cơ quan, đơn vị đầu mối chủ trì, phân định minh bạch, cụ thể quyền và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị đầu mối và các cơ quan, đơn vị phối hợp. Đồng thời, chú trọng giải quyết các bất cập do quy định chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và tài nguyên, môi trường… Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính; đặc biệt sớm chấm dứt tình trạng cát cứ thông tin, dữ liệu chuyên ngành. 

Đình Khoa