Quản lý thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử:

Cái khó ló cái khôn

- Chủ Nhật, 14/03/2021, 11:34 - Chia sẻ
Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam dự báo có thể đạt tới 10 tỷ USD nhưng trên thực tế đóng góp của lĩnh vực này vào ngân sách nhà nước còn rất hạn chế. Đây là nhận định của các chuyên gia tài chính.
Nhiều người bán hàng qua mạng xã  hội tự giác kê khai, nộp thuế nhưng vẫn có trường hợp chây ỳ, trốn thuế. Ảnh: TTXVN.
Nhiều người bán hàng qua mạng xã hội tự giác kê khai, nộp thuế nhưng vẫn có trường hợp chây ỳ, trốn thuế. Ảnh: TTXVN.

Nguyên nhân thì có nhiều nhưng điểm chính ở sự phát triển nhanh của thương mại điện tử mà công tác quản lý thuế không theo kịp và cũng chính ở tính chất đặc thù của loại hình kinh doanh hoạt động trên môi trường internet có tính phi biên giới; dễ dàng thay đổi, che giấu thông tin… khác với thương mại truyền thống và dĩ nhiên phương thức quản lý thuế cũng hoàn toàn khác.

Trên thực tế việc quản lý thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử gặp nhiều rủi ro khi hệ thống pháp luật về thương mại điện tử còn yếu và thiếu; phương thức kinh doanh kiểu “kinh tế ngầm còn lớn”; các thủ đoạn trốn thuế tinh vi, ngang nhiên; trình độ công nghệ và phối hợp kiểm soát của cơ quan hữu quan chưa kịp thời và còn yếu kém nên việc triển khai thực hiện Luật Quản lý thuế gặp khó. Có thể kể đến những khó khăn gặp phải trong việc triển khai và kiểm soát đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế khi bắt buộc các tổ chức cá nhân thực hiện khai thuế; đặc biệt các loại hình bán hàng qua mạng, quảng cáo trực tuyến thông qua Google, Facebook, Zalo. Trong khi một số hoạt động thương mại điện tử khó xác định tính chất ngành nghề kinh doanh. Bên cạnh đó, vấn đề xác định doanh thu, thu nhập của các đối tượng kinh doanh thương mại điện tử để xác định mức thuế phải nộp gian nan hơn nhiều khi thông tin “ảo” trên mạng và thiếu sự tự giác. Mặt khác, cơ quan thuế chưa thể kiểm soát lượng hàng hóa, dịch vụ và doanh thu phát sinh của các hoạt động thương mại điện tử một cách kịp thời, đầy đủ, chính xác mà chủ yếu dựa trên hóa đơn bán hàng, những giao dịch thanh toán qua ngân hàng. Thói quen và cách trốn, né thuế truyền thống qua thanh toán tiền mặt vẫn thịnh hành… các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử ngày nay rất đa dạng, doanh nghiệp không cần sự hiện diện tại nước sở tại, nhưng vẫn có thể bán hàng bình thường. Vậy làm thế nào để xác định đúng doanh thu cũng như lợi nhuận của những doanh nghiệp này là bài toán tổng hợp, phối hợp mà riêng ngành thuế không thể giải quyết. Nếu không xác định được doanh thu, doanh nghiệp có thể trốn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và đặc biệt là tạo ra sự bất bình đẳng giữa người bán hàng qua mạng và người bán hàng truyền thống… Đây thực sự là những thách thức lớn trong quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra và xử lý.

Khó khăn là vậy nhưng không thể thất thoát tiền thuế và để tồn tại môi trường kinh doanh bất bình đẳng, ngoài pháp luật của thương mại điện tử; hình thành kinh tế ngầm bằng phương thức kinh doanh hiện đại đặc thù. Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực từ ngày 1.7.2020 đã bổ sung những quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Đấy chính là cơ sở pháp lý để đấu tranh và đưa quản lý thuế kinh doanh thương mại điện tử vào nề nếp. Mới đây, Bộ Tài chính  dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Đây là bước đi cần thiết, chặt chẽ theo pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên cần có giải pháp đồng bộ để phát hiện, xử lý nghiêm minh kịp thời những cá nhân, tổ chức kinh doanh thương mại điện tử trốn thuế thu nhấp cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng. Điều này rất quan trọng trong việc xác lập trật tự pháp luật về thuế và môi trường kinh doanh “sạch”. Rõ ràng không thể trông trờ vào tính tự giác của cá  nhân, doanh nghiệp, tổ chức mà đòi hỏi phải sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương và Ngân hàng Nhà nước. Sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan này nhằm xử lý, rà soát những lỗ hổng, xây dựng “sân chơi thương mại điện tử có kiểm soát”; sớm hình thành cổng thanh toán điện tử quốc gia; thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch với sự tham gia của các tổ chức thanh toán quốc tế như Master Card, Visa…

Trong bối cảnh mới của thương mại điện tử phát triển; đặc biệt cần đầu tư đội ngũ mới chuyên biệt hơn, tinh thông nghiệp vụ và công nghệ. Đồng thời nâng cao nghiệp vụ quản lý thuế theo phương thức thương mại điện tử và đấu tranh với doanh nghiệp nước ngoài, các nền tảng số thực hiện hoạt động thương mại điện tử trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ pháp luật thuế của Việt Nam.

Thanh Hà