Cải cách chưa triệt để

- Thứ Hai, 02/08/2021, 06:04 - Chia sẻ
Việc thực hiện thủ tục hành chính về cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu trên Cổng thông tin một cửa quốc gia là những vấn đề nhận được nhiều ý kiến xung quanh tại Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2012/TT-NHNN hướng dẫn một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Doanh nghiệp FDI nhập khẩu vàng nguyên liệu theo cơ chế một cửa

Dự thảo thực hiện việc cắt giảm các thủ tục hành chính hướng tới cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước. Các nội dung cải cách thủ tục hành chính, tập trung giải quyết tháo gỡ vướng mắc cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh vàng là phù hợp và cần thiết, thể hiện quyết tâm cải cách hành chính mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, việc thực hiện thủ tục hành chính về cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu trên Cổng thông tin một cửa quốc gia đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ chính các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng.

Cụ thể, Dự thảo thông tư bổ sung Khoản 5 vào Điều 15 quy định các tài liệu trong hồ sơ điện tử là bản điện tử quét từ bản gốc hoặc bản chính (tập tin định dạng PDF, TIF, JPG... ), trừ văn bản đề nghị cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu được khai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Các tài liệu trong hồ sơ giấy là bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực theo quy định của pháp luật hoặc bản sao có xuất trình bản chính để đối chiếu. Trong trường hợp người nộp hồ sơ nộp bản sao có xuất trình bản chính để đối chiếu, người đối chiếu có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính..

Theo đó, các tài liệu trong hồ sơ điện tử là bản điện tử quét từ bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực theo quy định pháp luật. Góp ý vào đề xuất này, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia pháp lý cho rằng, quy định này không cần thiết. Bởi lẽ, Khoản 3, Điều 15 Nghị định số 85/2019/NĐ-CP quy định công nhận tính hợp pháp của chứng từ điện tử chuyển đổi từ chứng từ giấy nếu đáp ứng tính toàn vẹn của chứng từ giấy; có chữ ký số. Trong khi đó, Dự thảo thông tư đã yêu cầu hồ sơ điện tử phải sử dụng chữ ký số nên đã bảo đảm tính pháp lý của chứng từ điện tử chuyển đổi từ chứng từ giấy. Chính vì lẽ đó, việc yêu cầu tính pháp lý của chứng từ giấy là thừa, thủ tục chồng thủ tục. 

Bên cạnh đó, theo Dự thảo thông tư quy định các tài liệu trong hồ sơ điện tử phải là bản điện tử quét từ bản gốc trừ văn bản đề nghị cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Tuy nhiên, một số tài liệu khác trong Hồ sơ cấp phép cũng có thể khai báo trên Cổng thông tin một cửa quốc gia như báo cáo tình hình thực hiện xuất, nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm vàng; bản kế hoạch sản xuất, kinh doanh. 

Đáng chú ý, liên quan đến thời hạn cấp phép nhập khẩu Dự thảo thông tư quy định thời hạn cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu qua Cổng thông tin một cửa quốc gia là 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định. Tuy nhiên, Khoản 4, Điều 15, Thông tư số 16/2012/TT-NHNN quy định trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cấp hoặc từ chối cấp (ghi rõ lý do) Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Như vậy, thời hạn thực hiện qua Cổng thông tin một cửa quốc gia bằng như thời gian xử lý khi các doanh nghiệp nộp thủ tục bằng giấy. Do đó, với quy định này sẽ khó thúc đẩy các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường số.

Nguyễn Ngân