Các tổ chức tín dụng cần coi việc cho vay các doanh nghiệp hàng không là nhiệm vụ quan trọng

- Thứ Tư, 29/09/2021, 17:47 - Chia sẻ
Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, các tổ chức tín dụng cần coi việc cho vay hàng không là một trong những lĩnh vực đặc biệt quan trọng từ nay tới cuối năm. Với nội dung vượt thẩm quyền, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với cơ quan chủ quản doanh nghiệp hàng không là Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan tổng hợp báo cáo kiến nghị giải pháp để có căn cứ pháp lý tháo gỡ kịp thời.

Mất nhiều năm để khôi phục ngành hàng không

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam Bùi Doãn Nề, các doanh nghiệp trong ngành hàng không đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, số lượng chuyến bay và hành khách từ đầu năm 2021 đến nay giảm 60-70% so với thời điểm trước dịch. Kể từ ngày 18.8.2021 đến nay, số chuyến bay của các hãng hàng không chỉ bằng 15,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đến nay, toàn bộ chuyến bay thương mại quốc tế và trong nước đều bị dừng lại. Do đó, ông Bùi Doãn Nề nhận định, để ngành hàng không khôi phục sẽ mất rất nhiều năm.

Các doanh nghiệp hàng không cũng nhận thức được phải tự nỗ lực trước khi nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài nên đã triển khai nhiều giải pháp để giảm bớt khó khăn, như chuyển nhượng bớt tài sản, đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa...

Để tháo gỡ khó khăn, thời gian qua, Chính phủ và ngành ngân hàng đã có nhiều hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp hàng không, tạo ra những tác động tích cực cho ngành. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19 lớn hơn dự kiến, để vượt qua khó khăn, ngoài các giải pháp đã được ngành ngân hàng triển khai, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam Bùi Doãn Nề đề nghị áp dụng cơ chế tái cấp vốn với lãi suất 0% như áp dụng với Vietnam Airlines và cho phép hãng hàng không thuộc Hiệp hội vay gói hỗ trợ lãi suất 3-4%/năm, thời gian vay là 3-4 năm.

Kế toán trưởng Vietnam Airlines Trần Thanh Hiền kiến nghị, cần có một cơ chế tổng thể để hỗ trợ cho các hãng hàng không vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với thực tế của các hãng (không có tài sản bảo đảm, thời gian hồi phục kéo dài). Các doanh nghiệp hàng không cũng cần các ngân hàng kéo dài thời gian cơ cấu lại các khoản nợ, giảm lãi suất, được duy trì hạn mức tín dụng. Ông Hiền đề xuất các giải pháp giảm lãi suất của ngành ngân hàng nên kéo dài đến hết năm 2022, đồng thời cho phép các hãng bay được vay thêm các khoản vay mới.

Tận dụng hết mức công cụ chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn

Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Xuân Bắc cho biết, qua tổng hợp báo cáo từ các tổ chức tín dụng, đến nay, tổng dư nợ tín dụng của các hãng hàng không tại các tổ chức tín dụn là khoảng hơn 24.000 tỷ đồng, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là hơn 2.500 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1%/năm, với số tiền lãi được giảm khoảng 130 tỷ đồng và doanh số cho vay mới từ khi xảy ra dịch Covid-19 tới nay là 41.648 tỷ đồng.

Riêng đối với Vietnam Airlines, các tổ chức tín dụng (SeABank, MSB, SHB) đã thực hiện giải ngân cho Vietnam Airlines theo gói tín dụng 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước theo Nghị quyết của Chính phủ. Các kết quả này thể hiện hỗ trợ rất lớn từ phía các tổ chức tín dụng đối với các hãng hàng không, ông Nguyễn Xuân Bắc đánh giá.

Dưới góc độ ngân hàng thương mại, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết, bên cạnh việc cơ cấu nợ, giảm lãi, phí, Vietcombank vẫn cấp tín dụng dù tình hình tài chính của doanh nghiệp hàng không có khó khăn. Không chỉ hỗ trợ cho các doanh nghiệp hàng không, Vietcombank còn hỗ trợ cho cả hệ sinh thái, chuỗi giá trị của ngành hàng không. Tính đến nay, dư nợ hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ngành hàng không tại Vietcombank là 16.000 tỷ đồng. Về lãi suất, Vietcombank cũng như các ngân hàng khác đang cho các doanh nghiệp hàng không vay với lãi suất rất thấp.

Ngành hàng không chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19
Ngành hàng không chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng đánh giá, ngành ngân hàng gần như đã tận dụng hết mức các công cụ chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp ngành hàng không. Tuy nhiên, các nguồn khác lại chưa được tận dụng hết, ví như Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, giảm thuế, giảm phí…

Do đó, để giải quyết khó khăn mà doanh nghiệp ngành hàng không đang gặp phải, ông Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị, cần đẩy mạnh hỗ trợ từ chính sách tài khóa. “Để hỗ trợ ngành hàng không cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, thiết kế cơ chế đặc thù cho ngành hàng không. Qua đó tạo điều kiện cho ngành hàng không phục hồi và phát triển”.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tình hình ngân sách hiện nay, phương án cấp bù lãi suất bằng nguồn vốn ngân sách cũng rất khó khăn. Do vậy, đại diện của Bộ đề nghị, ngành ngân hàng tổng hợp ý kiến và kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hàng không. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để cùng tháo gỡ.

Về phía ngành ngân hàng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến lãi suất của thị trường và chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, cân đối, xem xét tiếp tục hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ xem xét, điều chỉnh nới room tăng trưởng tín dụng cho tổ chức tín dụng để cho vay thêm với các doanh nghiệp trong ngành hàng không.

Còn đối với các nội dung vượt thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước (gói tín dụng với lãi suất ưu đãi từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng cho vay các hãng hàng không), ông Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước ủng hộ về chủ trương và đề nghị các bộ, ngành như Bộ Giao thông Vận tải với tư cách là cơ quan chủ quản báo cáo, kiến nghị (nếu cần thiết) với Quốc hội, Chính phủ để có cơ sở pháp lý thực hiện.

Đối với các tổ chức tín dụng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đề nghị tập trung tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tín dụng từ nay tới cuối năm.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức tín dụng tiếp tục cơ cấu lại nợ theo tinh thần tích cực nhất, sử dụng tối đa thời gian được quy định trong Thông tư 14 cho tất cả khoản vay. Nếu tới ngày 30.6.2022 còn những khó khăn do khách quan và cần thiết có hỗ trợ thì sẽ xem xét để có điều chỉnh phù hợp.

Ông Đào Minh Tú cũng yêu cầu tổ chức tín dụng “chủ động và có sự mạnh dạn nhất định” trong việc cố gắng giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp hàng không. “Tổ chức tín dụng cân nhắc duy trì hạn mức cho vay hiện nay đối với các doanh nghiệp hàng không nếu thấy là cần thiết cho việc duy trì ổn định của các doanh nghiệp này. Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét, điều chỉnh nới room tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng trên cơ sở các tổ chức này phải cân đối nguồn vốn, thẩm định hiệu quả của phương án vay vốn và tự chịu trách nhiệm về quyết định cấp tín dụng”, ông Đào Minh Tú đề nghị.

 (Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ).

Thảo Anh