Các nguyên tắc bầu cử : Nguyên tắc bình đẳng và những điều chưa bình đẳng

Nguyên Lâm 08/04/2011 07:35

Bình đẳng trong bầu cử là nguyên tắc nhằm bảo đảm để mọi công dân đều có cơ hội ngang nhau tham gia bầu cử, nghiêm cấm mọi sự phân biệt dưới bất cứ hình thức nào.

Nguyên tắc bình đẳng là một nguyên tắc quan trọng xuyên suốt quá trình bầu cử, từ khi lập danh sách cử tri cho đến khi xác định kết quả bầu cử. Theo nguyên tắc này, mỗi cử tri có một phiếu bầu, mỗi lá phiếu có giá trị ngang nhau, không phụ thuộc vào giới tính, địa vị xã hội, tài sản và tôn giáo của cử tri... Pháp luật của hầu hết các quốc gia đều quy định về nguyên tắc bình đẳng trong bầu cử. Chẳng hạn, pháp luật bầu cử của Nhật Bản quy định các lá phiếu của cử tri có giá trị ngang nhau, không có sự phân biệt về chính trị, kinh tế và xã hội theo tín ngưỡng, giới tính, địa vị xã hội và nguồn gốc xã hội.

Nguyên tắc bình đẳng được thể hiện trong quy định của pháp luật về quyền bầu cử và ứng cử của công dân, quy định số lượng dân như nhau thì được bầu số đại biểu bằng nhau, mỗi cử tri chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri, chỉ được ứng cử vào một đơn vị bầu cử, mỗi cử tri chỉ được bỏ một phiếu bầu. Nguyên tắc bình đẳng còn đòi hỏi phải có sự phân bổ hợp lý cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu để bảo đảm tiếng nói đại diện của các vùng, miền, địa phương, các tầng lớp xã hội, các dân tộc thiểu số và phụ nữ phải có tỷ lệ đại biểu thích đáng. Ví dụ: ởã Bangladesh trong số 330 ghế đại biểu Quốc hội có 30 ghế dành cho nữ giới do Quốc hội trực tiếp bầu. Ở Butan, trong số 150 ghế đại biểu Quốc hội có 10 ghế dành cho đại diện của Nhà thờ.

Nguyên tắc bình đẳng còn có các ngoại lệ để phân biệt các thành phần cử tri đặc biệt. Trong bầu cử Quốc hội Trung Quốc, quân đội được tổ chức thành những đơn vị bầu cử riêng với số đại biểu khác biệt. Trong hệ thống bầu cử của Pháp, để bảo đảm sự đại diện của các cộng đồng lãnh thổ của nước Cộng hòa, Hạ viện dành riêng 22 ghế cho các vùng hải ngoại, và Thượng viện dành 12 ghế cho cư dân Pháp ở nước ngoài.

Dường như nguyên tắc bình đẳng trong bầu cử đã thành chuyện hiển nhiên ở nhiều nước, nhưng trên thực tế, ngay cả những nước có lịch sử bầu cử khá lâu như Hoa Kỳ, sự bất bình đẳng vẫn tồn tại trong bầu cử đối với người da đen cho đến năm 1965. Ngay cả hiện nay, nguyên tắc bình đẳng này dễ bị vi phạm. Chẳng hạn, ở Anh, những người có bất động sản lớn và những người đã tốt nghiệp các trường Đại học tổng hợp thường có phiếu bầu bổ sung, ở New Zealand có quy định những người có tài sản dưới 1 ngàn bảng Anh có 1 lá phiếu, từ 1 ngàn tới 2 ngàn có 2 lá phiếu, và trên 3 ngàn có 3 lá phiếu. Nguyên tắc bình đẳng làm cho quyền bầu cử của công dân thực sự có ý nghĩa, nhưng để đạt được mục tiêu bình đẳng là cả con đường dài đầy khó khăn.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Các nguyên tắc bầu cử : Nguyên tắc bình đẳng và những điều chưa bình đẳng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO