Các FTA sẽ là bệ đỡ cho xuất khẩu năm tới

- Thứ Hai, 21/12/2020, 06:13 - Chia sẻ
Giới chuyên gia cho rằng chúng ta có thể tự hào khi xuất khẩu giữ được nhịp tăng trưởng bất chấp dịch Covid - 19 gây ra nhiều tác động tiêu cực. Năm 2021 tới, nếu khống chế tốt dịch bệnh và tận dụng hiệu quả cơ hội các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, xuất khẩu sẽ tiếp tục bứt phá.

“Chúng ta có thể tự hào”

Bất chấp dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt kết quả tích cực. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng qua ước đạt 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. 73 tỷ USD trong đó (chiếm 28,7%) thuộc về khu vực kinh tế trong nước, tăng 1,6%; 181,6 tỷ USD còn lại thuộc về khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô), tăng 6,9%.

Các FTA sẽ là động lực mạnh mẽ cho xuất khẩu năm tới
Nguồn: ITN

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, công nghiệp nặng và khoáng sản ước đạt 138 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước đạt 90,2 tỷ USD, tăng 1,5%; nông, lâm sản đạt 18,7 tỷ USD, giảm 0,1%; thủy sản đạt 7,7 tỷ USD, giảm 0,9%. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng với kim ngạch đạt 69,9 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ 2019. Tiếp đến là các thị trường Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản.

“Chúng ta có thể tự hào vì xuất khẩu vẫn giữ nhịp tăng trưởng tốt”, TS. Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công thương nói. Các hàng xuất khẩu chủ lực, thiết yếu của nước ta đã có chỗ đứng trên thị trường. “Nhìn vào cơ cấu xuất khẩu, rõ ràng các doanh nghiệp trong nước đã cố gắng. Ví dụ dệt may, da giày dù đứt gãy chuỗi cung ứng, tổng cầu giảm do dịch bệnh nhưng đã khắc phục được khó khăn, bảo đảm xuất khẩu. Nhiều mặt hàng thế mạnh như rau quả, cà phê, thủy sản… cũng có kết quả tích cực”.

Theo ông Thắng có nhiều yếu tố góp phần thúc đẩy xuất khẩu. Đầu tiên, việc khống chế tốt dịch đã mở ra điều kiện vô cùng thuận lợi không nơi nào có được để bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, FTA mà Việt Nam tham gia đã phát huy tác dụng. Ngoài ra, chúng ta không còn bị phục thuộc quá mức vào một thị trường, đồng thời việc tiếp nhận đầu tư nước ngoài một cách có chọn lọc cũng cho nhiều thành quả.

Động lực từ các FTA

Với kết quả đã đạt được, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận định, xuất khẩu năm tới sẽ có cơ hội dù mức độ rủi ro còn lớn. “Quá trình phục hồi kinh tế đang diễn ra và gắn liền với các FTA, đây sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam thúc đẩy phục hồi nền kinh tế, đặc biệt qua thương mại”. TS. Võ Trí Thành chỉ rõ, các FTA không chỉ hỗ trợ cho xuất khẩu mà còn kéo theo sự dịch chuyển đầu tư, thương mại và nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao vào Việt Nam. 

Nếu năm tới chúng ta khống chế tốt dịch và khai thác hiệu quả cơ hội các FTA mang lại thì chắc chắn xuất khẩu sẽ tăng trưởng vượt bậc, TS. Phạm Tất Thắng nhận định. Theo ông, các FTA sẽ là động lực chính cho sự phát triển của nền kinh tế chứ không riêng xuất khẩu.

Cùng quan điểm, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, các FTA đã mở ra những thị trường rộng lớn để doanh nghiệp Việt có thể khai thác, xuất khẩu. Đây là một điểm sáng trong chiến lược đa dạng hóa, đa phương hóa trong kinh tế đối ngoại của nước ta. Để tận dụng tốt cơ hội này, doanh nghiệp phải tiếp tục nâng cao trình độ, chất lượng sản phẩm và lưu ý để tránh vi phạm các điều khoản đã cam kết. “Xuất khẩu năm 2021 còn phụ thuộc nhiều vào tình hình dịch bệnh và chính nỗ lực của chúng ta. Việc cần làm bây giờ là phải xem diễn biến chính sách của các đối tác và nỗ lực bảo đảm cam kết mới có thể duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu”, ông Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.  

Trong khi đó, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào cầu của một số thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Trung Quốc và ASEAN, đang chiếm tới gần 80% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, nếu các thị trường này phục hồi nhanh và mạnh thì Việt Nam có khả năng sẽ lấy lại được nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu cao như năm 2019 và các năm trở về trước và sẽ có đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng GDP. Ngược lại, nếu các thị trường này phục hồi chậm, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong những năm tới có thể vẫn đạt mức tăng trưởng dương nhưng sẽ không đạt mức cao như kỳ vọng.

Tuy vậy, TS. Lê Duy Bình cho rằng chúng ta có nhiều lợi thế như năng lực sản xuất đang được duy trì, các doanh nghiệp trong nước tiếp tục được đăng ký và dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục chảy vào Việt Nam. “Đây là những lợi thế để xuất khẩu của Việt Nam bứt phá trong năm 2021, khi thị trường toàn cầu được phục hồi thì Việt Nam sẽ đáp ứng được cầu đó rất nhanh và phục hồi mạnh mẽ so với các quốc gia khác”, ông Bình nói.

Hạnh Nhung