Cà Mau: Quyết liệt hơn trong thực hiện chính sách về lao động

- Thứ Hai, 15/03/2021, 16:10 - Chia sẻ
Đó chính là những chia sẻ tâm huyết của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đối với tỉnh Cà Mau tại buổi làm việc với đoàn công tác của tỉnh (15.3) do Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân làm trưởng đoàn. Tại buổi làm việc, lãnh đạo 2 đơn vị đã trao đổi nhiều vấn đề như giải quyết việc làm, chính sách an sinh xã hội, chính sách với người có công, phụ nữ, trẻ em tại Cà Mau.

Vượt khó hoàn thành nhiệm vụ

Trong một năm qua với tinh thần vượt khó trước đại dịch Covid-19 và những khó khăn nội tại trên địa bàn của mình, ngành lao động tỉnh Cà Mau đã đạt nhiều cột mốc quan trọng về an sinh xã hội.

Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc

Báo cáo tại buổi làm việc Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Thanh cho biết, tính đến cuối năm 2020, Sở đã tham mưu đạt và vượt 3/3 chỉ tiêu tỉnh giao (vượt: 2; đạt: 1). Tỉnh đã giải quyết việc làm cho 40.940/39.000 lao động, vượt 5%, tăng 3,56% so với cùng kỳ (40.940/39.529). Riêng 2 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 5.306/39.300 lao động, đạt 13,5%.

Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2020 còn 1,57%, mức giảm 0,75%/0,5%, vượt kế hoạch đề ra. Đặc biệt, các chế độ chính sách đối với người có công; hộ nghèo, cận nghèo; bảo trợ xã hội cũng như hỗ trợ đột xuất; hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách... đều được thực hiện đầy đủ, kịp thời theo quy định.

Thêm vào đó, công tác triển khai, rà soát hỗ trợ các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg được ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh triển khai nghiêm túc và kịp thời với 139 nghìn trường hợp với tổng kinh phí trên 150 tỷ đồng. Nhờ đó, tạo được sinh khí phấn khởi và củng cố lòng tin trong nhân dân đối với Đảng, Nhà nước các cấp.

Riêng 2 tháng đầu năm 2021, tỉnh cũng đã thực hiện tốt công tác chăm lo Tết các cho các đối tượng chính sách và người lao động, tham mưu thực hiện các hoạt động thăm viếng, tặng quà các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh đúng, đủ, kịp thời. Tổng kinh phí thực hiện các hoạt động thăm viếng, tặng quà cho các đối tượng chính sách, thăm viếng các đơn vị trong và ngoài tỉnh trên 61,711 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 7,259 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 29,450 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện là 4,564 tỷ đồng, xã hội hóa 20,438 tỷ đồng.

Cần chủ động và quyết liệt

Mặc dù đã đạt được một số thành tích đáng khích lệ, song Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân cũng thẳng thắn thừa nhận, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh mới chỉ đạt 50% kế hoạch đề ra. Công tác giáo dục nghề nghiệp và phân luồng tại tỉnh gặp rất nhiều khó khăn bởi tỷ lệ học sinh bỏ học khi hết cấp hai tương đối cao. Về vấn đề việc làm, có tới 200.000 người làm việc ở các tỉnh lân cận về quê ăn Tết, từ con số này có thể thấy việc làm tại chỗ của tỉnh Cà Mau chưa có chất lượng và chưa bảo đảm được đời sống cho người dân. Tỷ lệ trẻ em đặc biệt khó khăn tuy đã giảm nhưng vẫn còn một tỷ lệ nhất định, chiếm 1,45%...

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân phát biểu

Nắm bắt những hạn chế cũng như đề xuất của tỉnh Cà Mau, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chia sẻ, dù là một tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh Cà Mau đã rất nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt trong việc hỗ trợ các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg. Ngoài ra, tỷ lệ phát triển bảo hiểm tự nguyện tại địa phương có sự tăng trưởng tốt, bảo hiểm y tế đạt độ bao phủ 92%, trở thành điểm sáng tại các tỉnh miền Tây.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, địa phương cần tăng cường công tác phân luồng trong đào tạo lao động để qua đó giảm nghèo. Công tác này cần đa chiều, bao trùm và toàn diện, đặc biệt với đối tượng trẻ em. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, Cà Mau cần chú trọng hai mũi nhọn là phát triển sinh kế cho người dân và đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ngay tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã giao cho Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm phối hợp cùng Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau rà soát lại cơ cấu nghề nghiệp và nguồn kinh phí đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh để phát triển nguồn nhân lực một cách hiệu quả. Bộ trưởng cũng nêu rõ “vì tình hình dịch bệnh còn phức tạp nên không cần đặt nặng các địa phương về chỉ tiêu xuất khẩu lao động, thay vào đó tăng chỉ tiêu phân luồng đào tạo lao động để hoàn thành tốt công tác phát triển nguồn nhân lực”.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đóng góp ý kiến đối với ngành Lao động tỉnh Cà Mau

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho rằng, tỉnh Cà Mau cần có giải pháp quyết liệt hơn trong xử lý các trường hợp xâm hại phụ nữ và trẻ em. Cùng với đó, thực hiện bao phủ bảo hiểm xã hội ở nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhằm ổn định an sinh xã hội. Cà Mau cũng là địa phương có kinh tế hộ gia đình tương đối phát triển, đây là tiền đề để đẩy mạnh bảo hiểm tự nguyện, Bộ trưởng đề nghị, UBND tỉnh tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh tuyên truyền về nội dung này để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Tùng Dương