Bước vào quá khứ bằng công nghệ thực tế ảo
Chùa Một Cột - Diên Hựu là một biểu tượng của văn hóa Thăng Long nghìn năm văn hiến. Nhưng quy mô của chùa tháp này xưa kia như thế nào, trang trí kiến trúc ra sao... vẫn là những câu hỏi lớn. Mới đây, một nhóm nhà nghiên cứu liên ngành và công nghệ kết hợp đưa ra giả thiết và số hóa, cho phép công chúng khám phá không gian sống động ngôi chùa tháp xưa trong không gian ảo.
Tái lập kiến trúc chùa Một Cột thời Lý
Chiều 10.10, đông đảo nhà nghiên cứu và những người yêu lịch sử, văn hóa đã tham dự tọa đàm với chủ đề “Bước vào lịch sử: Chùa Một Cột và công nghệ thực tế ảo”, đúng ngày kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội.
Chùa Một Cột còn có tên là Diên Hựu hay Liên Hoa đài, xưa kia được xây dựng trên đất thôn Thanh Bảo, huyện Quảng Đức, phía Tây Hoàng thành Thăng Long thời Lý, nay thuộc phố Chùa Một Cột, quận Ba Đình, Hà Nội. Hình ảnh thân quen của ngôi chùa mà mọi người biết đến hiện nay là theo bản được phục dựng từ năm 1955, trên cơ sở bản vẽ thời Pháp và có kế thừa phong cách thời Nguyễn. Kiến trúc một cột thời Lý ra sao? Cấu trúc bình đồ của chùa Diên Hựu thời Lý như thế nào? Mô phỏng hệ thống kiến trúc, trang trí kiến trúc mang phong cách Lý ra sao?... Những câu hỏi này vẫn được các nhà nghiên cứu tiếp tục lý giải.
Dựa trên phế tích cột đá chùa Dạm và văn bia Sùng Thiện Diên Linh khắc năm 1121, nhóm SEN Heritage, gồm những thành viên làm trong các lĩnh vực khác nhau, đã thử đưa ra một phương án tái lập kiến trúc hoa sen một cột sáu cạnh, mang phong cách mỹ thuật thời Lý tại chùa Diên Hựu - chùa Một Cột.

TS. Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) cho biết đã nghiên cứu trong thời gian dài nhằm đưa ra giả thiết về kiến trúc của Chùa Một Cột. Trước đó, năm 2013, ông đã xuất bản công trình “Kiến trúc một cột thời Lý” (NXB Hồng Đức), cho rằng chùa Một Cột thực chất là Liên Hoa Đài - một tháp hoa sen biểu tượng cho núi Tu Di. Tháp này nằm ở trung tâm của chùa Diên Hựu, nằm giữa một bình đồ đồng tâm, đa tầng gồm 2 ao Linh Chiêu, Bích Trì, 1 vòng hoàn lang, 5 cầu gỗ (phi kiều), 4 sân diễn xướng Tứ Thiên Vương và hàng lang giải vũ. Đó là bình đồ tiêu chuẩn của một Mandala theo thế giới quan Phật giáo…
Những giả thiết này tiếp tục được TS. Trần Trọng Dương đào sâu nghiên cứu, cộng với tìm hiểu các yếu tố khảo cổ ở Hoàng Thành Thăng Long, chùa Dạm, các văn bia cùng mối tương quan trong cùng giai đoạn lịch sử, kiến trúc, tôn giáo của các nước trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á... Ông đã cùng nhóm người đam mê mỹ thuật thời Lý nghiên cứu, áp dụng công nghệ thực tế ảo, để cụ thể hóa những ý tưởng về công trình kiến trúc này bằng hình ảnh.
TS. Trần Trọng Dương cho biết, nhóm đã số hóa một giả thiết, cho phép mọi người đi vào không gian ảo, trở thành một phần trong đó, và phần nào có thể “chạm” vào lịch sử và không gian văn hóa. Dù đây chỉ là “thực tế ảo” nhưng các thức kiến trúc và tỷ lệ kiến trúc đã được xử lý dựa trên số liệu cụ thể, nhằm hướng đến các phương án tái lập và phục vụ công tác truyền bá, giảng dạy, bảo tồn, phát huy các giá trị tinh hoa của văn hóa Đại Việt thời Lý đến với xã hội ngày nay. Điều này cũng giúp các nhà nghiên cứu và công chúng tiếp tục suy nghĩ về công trình nghệ thuật kiến trúc đỉnh cao thời Lý.
Bồi đắp giá trị di sản
Trong không gian tọa đàm, người tham dự được bước vào không gian số để tận mắt chiêm ngưỡng hình ảnh cổ xưa và bước đi trong không gian kiến trúc huy hoàng, sống động của chùa tháp Diên Hựu thời Lý, theo cách nhìn nhận và phỏng dựng của SEN Heritage.

Các nhà nghiên cứu cũng chia sẻ thêm những nhận định về công trình kiến trúc chùa Một Cột và cùng chung nhận định: Đòi hỏi công trình thực tế ảo mang tính chính xác về khoa học thực sự là khó, nhất là với di tích vẫn đang có nhiều ý kiến, nhìn nhận khác nhau của các nhà chuyên môn. GS. TS. Lâm Thị Mỹ Dung, Đại học Quốc gia Hà Nội, “rất cổ vũ và mong có nhiều sáng kiến như vậy của các bạn trẻ liên ngành. Khi chưa có đủ dữ liệu, dự án thực tế ảo cho thấy giả thiết về chức năng, vị trí, quy mô của chùa tháp Diên Hựu. Điều này đã làm sinh động hóa, bồi thêm giá trị cho di sản trong xã hội đương đại”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: “Tôi rất xúc động khi được đứng trong không gian tuy ảo nhưng cảnh rất đẹp, nhìn thấy chùa Diên Hựu hoành tráng với tỷ lệ 1:1. Với dự án này, các kiến trúc sư, nhà nghiên cứu di sản, trùng tu di tích, công nghệ... đã tập hợp lại, nghĩ và làm những điều mà thế hệ trước chưa nghĩ tới... Bằng trí tuệ, sự hướng về tổ tiên, chúng ta cảm nhận được di sản ông cha để lại, mà trải qua chiến tranh, khí hậu khắc nghiệt, kể cả ý thức gìn giữ, đến nay còn lại rất nhỏ nhoi. Việc làm này giúp truyền bá những vẻ đẹp vốn có, làm cho mọi người thêm yêu đất nước và di sản, để thấy rõ hơn trách nhiệm với những gì ông cha để lại”.

Còn theo PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam: “Sự kết hợp chặt chẽ giữa các nhà nghiên cứu khoa học và những người làm công nghệ mới, đã tạo ra những kết quả rất đáng trân trọng, đưa di sản của quá khứ đến được với xã hội đương đại một cách sống động. Từ dự án này có thể có nhiều liên tưởng tới việc áp dụng công nghệ ảo vào công tác bảo tàng và di tích...”.
Chùa Diên Hựu - Một Cột thời Lý với công nghệ thực tế ảo là sản phẩm đầu tiên của SEN Heritage trong chương trình tái lập các di sản kiến trúc - mỹ thuật thời Lý - Trần như: Đài đèn Quảng Chiếu, chùa tháp Sùng Thiện Diên Linh, tháp Báo Thiên, chùa Ngưỡng Sơn Linh Xứng, An Nam tứ đại khí… và nhiều di sản văn hóa khác. “Qua những cứ liệu khảo cổ học, chúng tôi bước đầu phỏng dựng như vậy. Tất nhiên có những chỗ vẫn cần thảo luận, có chỗ chưa hoàn toàn chính xác, nhưng đó là một giả thiết, là động lực để cho chúng tôi tiếp tục đi trên con đường khai thác di sản...” - TS. Trần Trọng Dương bày tỏ.