Thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh:

Bước tiên phong trong đổi mới chính quyền đô thị

- Thứ Bảy, 14/11/2020, 19:45 - Chia sẻ
Tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 31, Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra Tờ trình số 589 của Chính phủ về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021 trên địa bàn Thành phố Hồ CHí Minh và Đề án thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
Phiên họp toàn thể lần thứ 31 Uỷ ban Pháp luật

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân tham dự Phiên họp.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân tham dự Phiên họp.

Cùng dự có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, một số Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo Bộ Nội vụ, đại diện Bộ Xây dựng; Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong….

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 19 quận, 5 huyện, không có đơn vị cấp huyện chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích và dân số, phải thực hiện sắp xếp, chỉ có 10 phường/259 phường phải tiến hành sắp xếp. Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất tiến hành sắp xếp 10 phường thuộc diện phải thực hiện và 9 phường liền kề, giúp giảm 10 đơn vị hành chính cấp xã; đồng thời, sắp xếp 3 quận theo diện khuyến khích để thành lập quận Thủ Đức (Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức).

Chính phủ nhận thấy, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, thành phố Hồ Chí Minh giảm được 2 đơn vị hành chính cấp huyện 10 đơn vị cấp xã. Tuy nhiên, có 8 đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành chưa đạt tiêu chuẩn, trong đó có 7 đơn vị hành chính chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích và 1 đơn vị chưa đạt cả tiêu chuẩn diện tích, dân số. Tuy nhiên, Chính phủ tán thành với đề xuất của Thành phố Hồ Chí Minh, vì theo lý giải, đây là các đơn vị hành chính đang trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các khu dân cư mới. Trong khi đó, quy mô và mật độ dân số các phường sau khi sắp xếp rất lớn, có tính đặc thù về lịch sử hình thành, văn hóa và thực hiện theo nguyện vọng của đa số cử tri trên địa bàn.

Tán thành với đề xuất tại Tờ trình của Chính phủ, song một số đại biểu băn khoăn, khi vẫn còn 7 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích, cũng như 1 đơn vị hành chính chưa đạt cả hai tiêu chí. Lý do bởi, nếu chỉ thiếu so với tiêu chuẩn không nhiều có thể “châm trước” cho địa phương, nhưng việc thiếu nhiều so với tiêu chuẩn đề ra buộc các cơ quan chức năng phải có lý giải thuyết phục hơn với đề xuất không tiến hành sáp nhập với những đơn vị hành chính này. Đặc biệt, trong điều kiện tiến hành tinh giảm biên chế, thu gọn bộ máy như hiện nay, việc để lại một số phường có quy mô dân số thấp (chỉ xấp xỉ từ 200 đến 500 người dân) có đủ sức thuyết phục cơ quan có thẩm quyền không?

Tại Tờ trình số 589 của Chính phủ nêu rõ, khu vực quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức hiện có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Sự phát triển mạnh mẽ về tài chính ngân hàng, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và tốc độ đô thị hóa đã dẫn tới dân cư tập trung với mật độ cao. Thực tế này đòi hỏi cần tập trung quản lý Nhà nước thống nhất trên địa bàn 3 quân, tạo điều kiện để xây dựng nơi đây trở thành một đô thị sáng tạo, tương tác cao, là độc lực phát triển của thành phố Hồ Chí Minh, cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do vậy, Chính phủ cho rằng, việc sáp nhập Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập thành phố Thủ Đức là cần thiết, tạo tiền đề để pháp lý tổ chức mô hình chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn.

Các thành viên Ủy ban Pháp luật hoan nghênh việc chính quyền thành phố trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã đã xây dựng Đề án thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Các ĐBQH đánh giá, đây là bước tiên phong trong việc đổi mới chính quyền đô thị của thành phố hồ Chí Minh. Trong đó, một số ý kiến cũng đề nghị, cần tách thành hai dự thảo Nghị quyết trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó Nghị quyết về thành lập thành phố Thủ Đức giống như “giấy khai sinh” cho một mô hình thành phố mới. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị, Chính phủ sớm triển khai nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù cho mô hình thành phố nằm trong thành phố trực thuộc Trung ương này, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định nếu cần thiết.

Qua phản ánh của người dân trong Bảng tổng hợp ý kiến cử tri và qua các kênh thông tin đại chúng, một số ĐBQH nhận thấy, trên địa bàn Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức còn tồn đọng nhiều vấn đề về quy hoạch, giải phóng mặt bằng, tái định cư, về quản lý dân cư, giải quyết các thủ tục hành chính… chưa được giải quyết, đặc biệt là những khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2), khu công nghệ cao (Quận 9). Do vậy, một số ĐBQH đề nghị, chính quyền thành phố cần làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện kéo dài, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Quang Khánh