Hội nghị Trung ương 4, Khóa XIII

Bước phát triển mới, mở rộng phạm vi công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

- Thứ Bảy, 09/10/2021, 05:50 - Chia sẻ
Hội nghị Trung ương 4, Khóa XIII vừa bế mạc tập trung bàn, quyết đáp 2 nhóm vấn đề lớn về kinh tế - xã hội, công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới và vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị, ý kiến của cán bộ, đảng viên, nhân dân khẳng định, qua Hội nghị lần này càng giúp chúng ta thấm thía hơn nhiệm vụ xây dựng Đảng là then chốt, phát triển kinh tế là trung tâm. Đặc biệt, qua mỗi kỳ Hội nghị Trung ương 4 Khóa XI, XII và XIII đều có bước phát triển, mở rộng và tăng cường hơn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Bùi Sỹ Lợi:
Đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ, vụ lợi là đột phá đúng đắn

Tại Hội nghị lần thứ tư, Trung ương đã dành thời gian đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng về việc thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI, Khóa XII và các quyết định, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tiếp tục đánh giá về vai trò, trách nhiệm của đảng viên, việc thực hiện quy định những điều đảng viên không được làm. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, đảng viên phải nói đi đôi với làm, nghiêm túc chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Quan trọng là phải chống cho được chủ nghĩa cá nhân, những biểu hiện “tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thói hách dịch, cửa quyền.

Điểm mới tại Hội nghị lần này là Trung ương khẳng định, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân. Vì vậy, việc Tổng Bí thư đề nghị phải đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, “lợi ích nhóm” là chủ trương đột phá đúng đắn. Từng tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ cấp cao phải gương mẫu thực hiện. Đặc biệt, Tổng Bí thư chỉ rõ, sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Một Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh mới xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân đối với Đảng.

Yêu cầu này xuất phát từ thực tiễn một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Những biểu hiện đó hoàn toàn bất lợi cho Đảng. Quan điểm của Đảng ta là xây dựng Nhà nước pháp quyền, xây dựng chế độ XHCN và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, cho nên vai trò của cán bộ, đảng viên là hết sức quan trọng. Khi đảng viên phai nhạt lý tưởng, mục tiêu của Đảng sẽ làm cho tinh thần chiến đấu, sức mạnh của Đảng ta bị giảm sút, từ đó niềm tin của nhân dân đối với Đảng cũng bị bào mòn, rất có hại cho tổ chức đảng. Việc thẳng thắn nhận diện và chỉ rõ những lệch lạc, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân trong quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng, sẽ giúp cho Đảng ta đề ra được những giải pháp trọng tâm, sát với tình hình thực tiễn.

Tôi tâm đắc với các giải pháp được Trung ương nhấn mạnh lần này, đó là xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm. Rõ ràng, chúng ta phải đi từ gốc, từ cán bộ - những người nắm giữ trọng trách được nhân dân tin tưởng, giao phó. Cán bộ cũng chính là người thực thi chính sách, tham gia vào các cơ quan trong hệ thống chính trị.   

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Lê Như Tiến:
Xử lý bao trùm, toàn diện các hành vi tham nhũng, tiêu cực

Ban Chấp hành Trung ương đã bàn và thống nhất cao với việc mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị là hoàn toàn đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đúng với nguyên lý Đảng lãnh đạo toàn diện. Tôi cho rằng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ tập trung chỉ đạo xử lý các vi phạm trong đảng, mà cần chỉ đạo rộng ra cả những vi phạm trong cả hệ thống chính trị, chính quyền và các đoàn thể. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không thể "đứng ngoài cuộc" để các cơ quan khác trong hệ thống chính trị bị lơi lỏng, thiếu kiểm soát.

Tôi đồng tình và đánh giá cao việc bổ sung nội hàm phòng, chống “tiêu cực” gắn với phòng, chống tham nhũng. Trước kia, chúng ta tập trung đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhưng như Tổng Bí thư đã chỉ rõ, tham nhũng là hệ quả của tiêu cực, tiêu cực là cái gốc của tham nhũng. Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” cũng do tiêu cực mà ra, từ đó dẫn đến tham nhũng. Việc mở rộng nội hàm này sẽ góp phần bao trùm, xử lý toàn diện hơn các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Tôi cũng đánh giá rất cao khi Trung ương đã "bắt trúng bệnh", chỉ ra nguyên nhân chủ quan của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa” bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân. Lâu nay, chúng ta đã thấy căn bệnh này, nhưng chưa nhấn mạnh. Tại Hội nghị lần này, Trung ương tiếp tục chỉ rõ, chủ nghĩa cá nhân là vụ lợi, thu vén cho cá nhân, lo cho cá nhân, suy nghĩ cho cá nhân mà không hành động vì cộng đồng, vì xã hội. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Mọi vấn đề đều xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân; chủ nghĩa cá nhân làm méo mó tư tưởng và hành động, khiến cá nhân đó không còn trong sáng, vô tư khi xử lý công việc, chỉ nghĩ cho bản thân mình. Việc điểm "đúng huyệt" này, tôi tin chắc chắn Trung ương sẽ có phương thức chữa đúng, tình hình sẽ có chuyển biến.

Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Túc:
Nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật, không tô hồng

Qua Hội nghị Trung ương 4, Khóa XIII càng giúp chúng ta thấm thía hơn nhiệm vụ xây dựng Đảng là then chốt, phát triển kinh tế là trung tâm. Có thể thấy, mỗi kỳ Hội nghị Trung ương 4, Khóa XI, XII và XIII đều có bước phát triển mới, mở rộng, nâng cao hơn phạm vi, nội hàm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nếu như Hội nghị Trung ương 4, Khóa XI, Khóa XII đặt ra vấn đề phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, thì Hội nghị Trung ương 4, Khóa XIII xác định không chỉ phòng, chống tham nhũng, mà còn phải phòng, chống cả tiêu cực. Tiêu cực là mầm mống ban đầu dẫn đến tham nhũng; tham nhũng là ngọn, thì tiêu cực là gốc.

Điểm mới, như chúng ta đã biết, đó là Hội nghị Trung ương 4 lần này đã xác định rõ, gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị. Đây là chủ trương đúng đắn. Chúng ta không chỉ xây dựng, chỉnh đốn, làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng, mà còn trong cả hệ thống chính trị. Càng ở những nơi có chức, có quyền, thì càng có điều kiện để tham nhũng, tiêu cực, dễ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước nếu mỗi cán bộ, đảng viên không tự tu dưỡng, rèn luyện đến nơi, đến chốn. 

Hội nghị Trung ương diễn ra trong bối cảnh hết sức khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Kinh tế quý III tăng trưởng âm 6,17% so với cùng kỳ năm 2020. Đời sống nhân dân, người lao động gặp nhiều khó khăn. Kinh tế suy giảm đã ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực và hoạt động của đất nước, kéo theo đó là kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải điều chỉnh, Trung ương tiếp tục quyết định lùi thời điểm thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương 7 Khóa XII. Đời sống khó khăn, tệ nạn xã hội dự báo cũng sẽ gia tăng, những kẻ cơ hội, chống phá Đảng, Nhà nước ta có cơ hội nổi lên, vì vậy, việc toàn Đảng và cả hệ thống chính trị phải nhận thức sâu sắc bối cảnh tình hình, đổi mới tư duy, nhận thức trong phòng, chống dịch trong tình hình mới, tăng cường sự thống nhất, đồng thuận của nhân dân, cùng chia sẻ, khắc phục với những khó khăn chung của đất nước.

Tôi đặc biệt ấn tượng với việc Trung ương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định những điều đảng viên không được làm. Theo quy định trước đây, chúng ta có 19 điều đảng viên không được làm, nhưng quy định này đã được áp dụng hơn 10 năm, trong bối cảnh tình hình đổi khác, có những sai phạm mới của đảng viên đã xuất hiện mà chưa từng có tiền lệ, thì nay phải bổ sung để qua đó giáo dục, phòng ngừa, răn đe, không để đảng viên vướng vào sai phạm.

Hội nghị Trung ương 4, Khóa XIII đã thảo luận một cách chân thành, trung thực những mặt được, chưa được trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng như một số vấn đề về kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trung ương đã nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, không tô hồng, không bóp méo. Tinh thần chung toát lên qua Hội nghị lần này, đó là từng cán bộ, đảng viên phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân; nỗ lực, phấn đấu vì cái chung, bỏ qua cái riêng, đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Hoàng Ngọc ghi