Bước đi đầu tiên cho khởi đầu mới

- Thứ Sáu, 29/01/2021, 07:21 - Chia sẻ
Cuối cùng, cả Mỹ và Nga đã nhất trí gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START), chặn đứng nguy cơ không có giới hạn ràng buộc nào đối với hai kho vũ khí hạt nhân chiến lược lớn nhất, chiếm tới hơn 90% tổng kho của thế giới. Động thái này ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh của cộng đồng quốc tế.

Từng gặp thách thức

Theo AFP, kể từ khi có hiệu lực năm 2011, START mới giúp giảm thiểu phương tiện vận chuyển hạt nhân được triển khai và không được triển khai, cũng như các đầu đạn hạt nhân được triển khai. Đây là hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ, sau khi một thỏa thuận hạt nhân quan trọng khác, Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung, hết hạn vào tháng 8.2019. Theo START mới, kho vũ khí hạt nhân của mỗi nước chỉ được giới hạn ở mức 700 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa, 1.550 đầu đạn hạt nhân và 800 bệ phóng. Hiệp ước sẽ hết hiệu lực vào năm 2021, trừ khi các bên đồng ý gia hạn.

Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Washington tỏ ra không mặn mà với việc gia hạn hiệp ước vì cho rằng đây là sự bất công. Thực tế, Nga từ lâu đề xuất gia hạn 5 năm - thời gian gia hạn tối đa được phép đề xuất theo quy định - mà không có bất kỳ điều kiện hoặc thay đổi nào, nhưng Mỹ đợi đến năm ngoái mới bắt đầu đàm phán và khiến việc gia hạn phụ thuộc vào một số yêu cầu. Các cuộc đàm phán bị đình trệ và nhiều tháng thương lượng không thu hẹp được khác biệt.

Giới phân tích từng nhận định, việc không đồng ý gia hạn hiệp ước sẽ tác động tiêu cực đến chương trình nghị sự kiểm soát vũ khí và giải trừ vũ khí rộng hơn vào thời điểm mà hai cường quốc hạt nhân lớn Mỹ và Nga, gặp khó khăn trong việc đáp ứng các nghĩa vụ của họ theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Điều này là do, trong khi START mới cho phép Mỹ và Nga hiện đại hóa lực lượng hạt nhân chiến lược của mình trong các giới hạn do hiệp ước xác định (thực tế, cả hai đều đang làm như vậy bằng cách thay thế hệ thống cũ), thì ở Mỹ, sự ủng hộ của lưỡng đảng đối với chương trình hiện đại hóa hạt nhân có liên quan đến việc thực hiện START mới và các quy trình kiểm soát vũ khí khác nhằm giảm bớt lực lượng hạt nhân của Nga. Nếu START mới không được gia hạn, số phận các quá trình khác cũng không chắc chắn.

Tuy nhiên, khi START mới được gia hạn, nó cũng có thể là cơ sở cho các cuộc đàm phán rộng rãi hơn về kiểm soát vũ khí. Đây dường như là điều mà chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump đã nghĩ đến khi cố gắng đạt được một thỏa thuận chính trị về phác thảo các cuộc đàm phán trong tương lai như điều kiện tiên quyết để gia hạn. Trên lý thuyết, việc gia hạn đáng ra đơn giản vì cả hai bên đều chỉ cần tuân thủ và sẵn sàng giữ cho hiệp ước có hiệu lực. Nhưng nó lại bị đe dọa bởi mối quan tâm của cả hai về các công nghệ bên ngoài hiệp ước, cũng như quy trình.

Quá trình gia hạn START mới từng bị xáo trộn do nỗ lực của cựu Tổng thống Donald Trump nhằm lôi kéo Trung Quốc tham gia hiệp ước với tư cách bên thứ ba. Tất nhiên, khả năng đó không thể thành công vì lý do kỹ thuật, nhất là khi xét đến khoảng cách định lượng giữa kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc và của Mỹ và Nga, cũng như việc vũ khí hạt nhân của Trung Quốc không thể được tính là đã triển khai theo các quy định của hiệp ước. Có lẽ quan trọng hơn, Trung Quốc cũng cần được thuyết phục rằng, họ nhận được điều gì đó từ việc tham gia, vì vậy những lời kêu gọi nước này phải chịu trách nhiệm vì sức mạnh quân sự lớn có lẽ là chưa đủ.

Nhưng ngay cả khi chỉ có Mỹ và Nga tham gia, tình hình quan hệ Mỹ - Nga ngày nay rất khác so với năm 2010 khi các cuộc đàm phán START mới kết thúc. Và đây từng là thách thức lớn thực sự đối với việc đàm phán gia hạn. May thay, sau khi nhậm chức chưa đầy hai tuần, chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden hóa giải được thách thức đó.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga tham gia duyệt binh tại Quảng trường Đỏ - Nguồn: AP  

Quyết định đúng đắn

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov mới đây nhấn mạnh, quyết định gia hạn START mới của cả Nga và Mỹ là đúng đắn và có lợi cho đôi bên. Trước đó, ngày 26.1, xứ sở Bạch Dương và xứ sở cờ hoa đã trao đổi công hàm để đạt được thỏa thuận về việc gia hạn Hiệp ước New START. Và trong cuộc điện đàm giữa hai tổng thống diễn ra cùng ngày, cả ông Putin lẫn người đồng cấp Biden đều tỏ ra hài lòng. Được biết, Moscow và Washington sẽ sớm hoàn tất mọi thủ tục cần thiết để bảo đảm cơ chế pháp lý quốc tế quan trọng của hiệp ước này tiếp tục có hiệu quả. Cụ thể, về phía Nga, Tổng thống Putin đã đệ trình lên Quốc hội dự luật gia hạn 5 năm START mới và nó đã nhanh chóng được Hội đồng Liên bang (Thượng viện) và Duma Quốc gia (Hạ viện) thông qua. 

Việc tìm được tiếng nói chung với Nga trong START mới là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Biden. Theo giới truyền thông và các chuyên gia khoa học chính trị Mỹ, chính sách này có thể được khái quát thành một số trụ cột, trong đó có việc “hồi sinh” liên minh xuyên Đại Tây Dương; tích cực cải thiện quan hệ với NATO, liên minh quân sự lớn nhất thế giới; khôi phục vai trò của Mỹ với tư cách là nhà đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền trên toàn thế giới; đề cao vai trò của các quốc gia vừa và nhỏ; thúc đẩy chủ nghĩa toàn cầu, coi đây sẽ là trọng tâm trong cách tiếp cận của ông đối với các vấn đề như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với khả năng phục hồi kinh tế trên phạm vi toàn thế giới và chủ nghĩa khủng bố; đặc biệt là tiếp tục cam kết tái gia nhập các hiệp ước và thể chế quốc tế. Gia hạn NEW START chính là nằm trong trụ cột này, được tiến hành cùng với các kế hoạch trở lại Thỏa thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu, WHO, hay Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 (JCPOA)…

Tuy nhiên, đồng thuận về START mới không có nghĩa là Tổng thống Biden sẽ có lập trường bớt căng thẳng với Nga. Thực tế, trong cuộc điện đàm đầu tiên với người đồng cấp Nga Vladimir Putin gần đây, ông Biden đã nhắc tới một loạt vấn đề nóng giữa hai nước như cáo buộc tin tặc Nga tấn công mạng các cơ quan chính phủ và công ty Mỹ, vụ nhân vật đối lập Nga Navalny nghi bị đầu độc và bắt giữ, chuyện Nga can thiệp bầu cử Mỹ hay đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 giữa Nga và Đức sắp hoàn thành… Ông Biden cũng đã bổ nhiệm nhiều quan chức giàu kinh nghiệm và chủ trương không nhân nhượng với Nga như bà Victoria Nuland và bà Andrea Kendall - Taylor lần lượt giữ các vị trí chủ chốt trong Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh Quốc gia… Đặc biệt, tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vốn là người có quan điểm cứng rắn với Nga ngay từ thời Nga sáp nhập một vùng lãnh thổ của bán đảo Crimea.

Dù vậy, nói như Chủ tịch Thượng viện Valentina Matvienko sau khi Quốc hội Nga bỏ phiếu gia hạn START mới, việc Moscow và Washington đồng lòng về vấn đề trên cho thấy, họ hoàn toàn có thể nhất trí với nhau về nhiều vấn đề lớn khác, bất chấp căng thẳng giữa đôi bên.

Linh Anh