Phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực

Bốn vấn đề cốt lõi

- Thứ Năm, 01/07/2021, 05:50 - Chia sẻ
Để phòng, chống hiệu quả tham nhũng, lãng phí và tiêu cực trong cán bộ, đảng viên thời gian tới, phải tập trung vào bốn vấn đề cốt lõi.

Một là, người đứng đầu ở tất cả các cấp trong hệ thống chính trị, trước hết là các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Bộ Chính trị, phải thật sự nêu gương cao nhất về thủ pháp cầm quyền và các quy định của Đảng, trong đó có quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. 

Hai là, thực tiễn cấp bách đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực chính trị bảo đảm sự vận hành một cách đồng bộ, thống nhất hệ thống các thể chế, thiết chế liên quan trong kiểm soát quyền lực của Đảng, của Nhà nước và các thành viên của hệ thống chính trị, nhất là vai trò của Nhân dân, trên nền tảng “Quốc pháp” và “Đảng cương” nhằm bảo đảm các chủ thể kiểm soát và các đối tượng kiểm soát hoạt động đúng vị thế, chức năng và nhiệm vụ. Phải tiếp tục đổi mới phương thức kiểm soát quyền lực: Nắm chắc cơ chế kiểm soát quyền lực của Đảng, Nhà nước của chính bản thân Đảng, Nhà nước (các cơ quan nhà nước) là cơ chế kiểm soát và tự kiểm soát từ bên trong; đồng thời, với cơ chế kiểm soát từ bên ngoài, bằng việc cải cách phương thức kiểm soát quyền lực chính trị của Đảng, Nhà nước.   

Trong đó, Nhân dân thực hiện quyền giám sát hoạt động của Đảng theo Hiến pháp và pháp luật, tập trung giám sát thủ pháp cầm quyền lãnh đạo và kiểm tra lĩnh vực kinh tế… Việc kiểm soát quyền lực lãnh đạo của Đảng bằng “Quốc pháp” và “Đảng cương” trước hết về chính trị với những sự tha hóa, thoái hóa và then chốt là công tác cán bộ, nhất là ăn trộm của cải, quốc khố, chức vụ đạt tới mức độ nào thì sức mạnh chính trị và uy tín chính trị của Đảng được bảo đảm tới đó. Lúc này, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính trị là thanh khiết từ to tới nhỏ. Lòng tin của Nhân dân đối với cán bộ, đảng viên của Đảng là thước đo về sự liêm chính của cán bộ, đảng viên và sức mạnh của Đảng, của thể chế, là động lực phát huy sức mạnh và uy tín quốc tế của Đảng. Nghĩa là kiểm soát quyền lực của Đảng trên cả ba phương diện pháp lý - đạo lý - sự tín nhiệm! 

Đổi mới kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm ngăn ngừa, loại bỏ những nguy cơ, những việc làm sai trái của Nhà nước, cơ quan, nhân viên nhà nước trong việc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước (phòng ngừa và triệt tiêu mọi sự tha hóa, thoái hóa, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…), bảo đảm cho quyền lực nhà nước được tổ chức và thực thi theo Hiến pháp, pháp luật, đúng mục đích, trên cơ sở nhu cầu và ý nguyện của Nhân dân. Nhà nước tự kiểm soát mình, các cơ quan nhà nước tự kiểm soát mình và kiểm soát lẫn nhau trong việc thực hiện quyền lực nhà nước, bảo đảm sự thống nhất (về cơ cấu tổ chức, về mục tiêu hoạt động của bộ máy nhà nước các cấp…) sao cho bộ máy nhà nước tránh được những nguy cơ đe dọa phá vỡ tính thống nhất và sự vận hành có hiệu quả cao của cả bộ máy nhà nước từ những sai lệch có thể xảy ra của mỗi cơ quan, mỗi bộ phận của bộ máy nhà nước gắn với kiểm soát toàn diện đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước. Đây là khâu mấu chốt trong kiểm soát quyền lực cán bộ, công chức trong công vụ và lối sống. 

Mặt khác, các cơ quan nhà nước luôn duy trì mối quan hệ nội tại với nhau với tư cách là bộ phận của bộ máy chỉnh thể và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực sự ngang tầm công vụ. Do đó, bảo đảm sự hợp lý trong việc phân công về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước phù hợp với những yêu cầu của quá trình thực hiện quyền lực nhà nước thống nhất; đồng thời, bảo đảm thực hiện phối hợp về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, mục tiêu chung tổng thể. 

Đồng thời, phải duy trì sự kiểm soát, chế ước, phát hiện và xử lý kịp thời những biểu hiện không đúng, không hiệu quả trong việc thực thi quyền lực nhà nước của mỗi cơ quan, nhân viên nhà nước hoặc của các thiết chế khác khi tham gia thực hiện quyền lực nhà nước, trong chỉnh thể thống nhất. Chủ động thực thi cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm làm trong sạch hóa, tinh nhuệ hóa, chuyên nghiệp hóa và thành thục hóa đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức nhà nước, song hành với kiểm soát quyền lực cán bộ, đảng viên trong bộ máy đảng và các thành viên của hệ thống chính trị.   

Nói cụ thể, quyền lực nhà nước được phân định thành quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp và giao cho các cơ quan khác nhau của Nhà nước thực hiện. Vì vậy, đối với mỗi quyền lực nhà nước, cần phải thiết lập một cơ chế kiểm soát có tính chất bộ phận phù hợp nhưng bảo đảm thống nhất. Về nguyên tắc, đối tượng bị kiểm soát là các tổ chức và cá nhân nắm giữ và thực hiện quyền lực nhà nước, không trừ một ai, một cơ quan nào. 

Nhà nước phải nắm và phát triển quyền quản trị quốc gia bởi pháp luật tiến tới bằng pháp luật, trong vị thế, tư cách Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo, trong sạch và liêm chính! 

Bảo đảm địa vị chủ thể quyền lực nhà nước là Nhân dân trong kiểm soát quyền lực, trực tiếp trong phòng chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Nhân dân làm chủ bằng các hình thức trực tiếp và gián tiếp (thông qua các đại biểu, các cơ quan dân cử và các đoàn thể nhân dân). Quyền và nghĩa vụ công dân do Hiến pháp và pháp luật quy định. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, với sự phong phú các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện.

Quyền làm chủ của Nhân dân không chỉ được bảo đảm bằng Hiến pháp, pháp luật, mà bằng hệ thống các phương tiện khác: Báo chí và truyền thông, các thiết chế dân chủ ở cơ sở. Nhân dân ủy thác một phần quyền để tạo thành nhà nước (quyền lực công, ý chí chung, tự do công cộng...), phần còn lại Nhân dân tự do với các quyền của mình theo Hiến pháp và pháp luật. Đó là nguyên tắc. Những điều pháp luật cấm phải được xã hội thỏa thuận và ghi thành khế ước (Hiến pháp) và được cụ thể hóa bằng các đạo luật. Nhân dân thực hiện đúng, đầy đủ và hiệu quả kiểm soát quyền lực của mình bằng và thông qua pháp luật. Tôn vinh và bảo vệ công luận theo đúng Hiến pháp và pháp luật.  

Công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí hiện nay đã và đang nhận được sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị, của toàn thể đồng bào ta. Phải dựa hẳn vào Nhân dân, cổ vũ, giữ niềm tin của Nhân dân và bảo vệ Nhân dân. Nhân dân cần được và phải biết được đâu là quyền hạn của mình, để cùng Đảng và Nhà nước kiểm soát tình hình thời cuộc, mà ở đây là đại cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí. Nhân dân phải vừa là trung tâm vừa là chủ thể vừa là động lực của việc kiểm soát quyền lực đối với Đảng, Nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị. 

 Ba là, đổi mới thiết chế pháp luật. Trên cơ sở thiết lập các biện pháp tổng hợp từ đức trị tới pháp trị và thực thi một cách công khai, dân chủ, bởi và bằng hệ thống pháp luật, gồm 8 mặt chỉnh thể: (1) Không nên tham nhũng, tiêu cực và lãng phí; (2) Không được tham nhũng, tiêu cực và lãng phí; (3) Không thể tham nhũng, tiêu cực và lãng phí; (4) Không cần tham nhũng, tiêu cực và lãng phí; (5) Không vùng cấm, không ngoại lệ xử lý tham nhũng, tiêu cực và lãng phí; (6) Không thể thoát khi tham nhũng, tiêu cực và lãng phí; (7) Không thể lợi dụng trong chống tham nhũng để tham nhũng, tiêu cực và lãng phí; (8) Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, công bằng và kịp thời. 

Tám phương diện đó hợp thành thể chế, phải giữ nghiêm và phải thực thi đồng bộ, thống nhất và triệt để, bởi pháp luật và bằng pháp luật. Do đó, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trên phương diện này càng trở nên nóng bỏng. Thông qua đây để kiểm soát bộ máy của toàn bộ hệ thống chính trị từ Đảng tới mỗi thành viên, kiểm soát từng người theo hướng không sót một tổ chức nào, không lọt một ai. Công khai, dân chủ và minh bạch, trên nền móng pháp luật là con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất trong cuộc đấu tranh này. 

Bốn là, làm tốt việc xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới công tác cán bộ đồng bộ thực thi công tác kiểm tra, thanh tra và bảo vệ kỷ luật và pháp luật. Bộ máy thực thi và bảo vệ công tác này phải được trao đủ quyền năng, quyền lực và được kiểm soát chặt chẽ, toàn diện quyền lực. Đội ngũ này chỉ gồm những người năng lực, đạo đức, dũng cảm và có cơ chế bảo vệ, đối đãi xứng đáng. 

Hơn lúc nào hết, hiện nay, mọi cán bộ, đảng viên của bất cứ bộ máy nào trong hệ thống chính trị đều phải tuân thủ nghiêm ngặt Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và kỷ luật của Đảng. Dân chủ và pháp quyền phải song hành trong toàn bộ cơ chế hoạt động của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, trong đó có việc kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi tệ tha hóa, thoái hóa dẫn tới tham nhũng, tiêu cực và lãng phí. Tất cả phải được kiểm soát, xử lý bằng pháp luật, kỷ luật và đo bằng sự tín nhiệm của Nhân dân một cách công khai, dân chủ và minh bạch.    

TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản